Sau khi các trường Đại học công bố điểm chuẩn, dư luận không khỏi bất ngờ khi điểm chuẩn một số ngành cao chót vót, tiến lên mức gần tuyệt đối. Trong đó có ngành Báo chí.
Cụ thể, điểm chuẩn ngành Báo chí, tổ hợp C00 của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) là 29,90 điểm. Mức điểm này tăng 1,10 điểm so với năm 2021. Lý giải về điều này, GS. TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ do chỉ tiêu các ngành chỉ vài chục nhưng số lượng nguyện vọng đăng ký tới vài nghìn. Trường nhận tổng cộng 2.544 nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ngành Báo chí học bằng tổ hợp C00, tỷ lệ chọi là 1/508,80.
Ngành Báo chí thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM) lấy 28,25 điểm ở tổ hợp C00. Nghĩa là thí sinh phải được gần 9,5 điểm mỗi môn mới trúng tuyển. Với tổ hợp D01, ngành Báo chí lấy 27 điểm; D14 là 27,1 điểm.
Ngành Báo chí thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền xét trên thang điểm 40, dẫn đầu các chuyên ngành về mức điểm chuẩn cao. Cụ thể, chuyên ngành Báo truyền hình tổ hợp R78, R26 điểm trúng tuyển là 37,19/40 điểm. Để trúng tuyển, thí sinh phải đạt 8 - 9 điểm/môn.
Điểm chuẩn ngành Báo chí năm 2022 được đánh giá là cao (Ảnh minh họa)
Ngành Báo chí là một ngành khoa học xã hội đào tạo những cử nhân với kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết để tác nghiệp trong lĩnh vực báo chí - truyền thông. Báo chí là lĩnh vực chuyên cung cấp thông tin đến công chúng. Dựa trên định nghĩa trên, bạn có thể thấy báo chí không chỉ gói gọn trong báo giấy mà còn ở cả báo mạng, chương trình thời sự, tạp chí…
Nội dung báo chí không nhất thiết chỉ có định dạng văn bản mà còn có thể là bộ ảnh, video hay thậm chí là âm thanh trên đài radio. Chỉ cần đáp ứng tiêu chí cung cấp thông tin cho độc giả thì nội dung thuộc bất kỳ định dạng nào trên nền tảng đều được xem là một phần của lĩnh vực báo chí.
Để học tốt chuyên ngành này, thí sinh cần những tố chất sau: Khả năng lĩnh hội và sử dụng ngôn từ; khả năng nói, tranh luận, kể chuyện, thuyết phục; trung thực, khách quan, nhạy cảm; khả năng dấn thân, lòng dũng cảm…
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Báo chí, bạn có cơ hội làm việc trong nhiều môi trường khác nhau. Bạn có thể trở thành nhà báo, phóng viên, biên tập viên, quay dựng phim, phát thanh viên, dẫn chương trình tại các cơ quan báo chí.
Bạn cũng có thể trở thành giảng viên đào tạo chuyên ngành Báo chí tại các trường trung cấp/cao đẳng/đại học. Bên cạnh đó, nếu bạn yêu thích một công việc năng động, trẻ trung và linh hoạt thì có thể trở thành copywriter, chuyên viên truyền thông, chuyên viên quan hệ công chúng, quản trị truyền thông mạng xã hội cho các công ty, tập đoàn.
Mức lương cũng là một trong những vấn đề được các bạn trẻ đặc biệt quan tâm. Mức lương là yếu tố quan trọng quyết định xem bạn có gắn bó với công việc lâu dài hay không. Mức lương đối với ngành Báo chí được đánh giá ổn định, dao động từ 8 - 20 triệu đồng/tháng, tùy vào năng lực và thời gian công tác.
Ảnh minh hoạ
Hiện nay có khá nhiều trường đào tạo ngành Báo chí, các bạn có thể tham khảo:
- Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
- Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.
- Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.
- Đại học Văn hóa Hà Nội.
- Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
- Đại học Vinh.
- Đại học Khoa học - Đại học Huế.
- Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên.
- Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình.
Ngoại trừ Học viện Báo chí và Tuyên truyền xét tổ hợp R5, R6, R15, R07, R08, R09, R17, R11, R12, R13, R18 thì hầu như các trường khác đều sử dụng khối C00 để xét tuyển vào ngành Báo chí. Các khối xét tuyển ngành Báo chí năm 2022 gồm: Khối C00, D01, D78, A01, C14, D84, D15, D66, D14.