Một kiểu nuôi dạy của cha mẹ vô tình khiến con thiếu bản lĩnh giữa cuộc đời

Ứng Hà Chi, Theo Phụ nữ Việt Nam 09:00 26/12/2022

Nuôi dạy con sai cách vô tình khiến tương lai trẻ gập ghềnh, trắc trở!

Trong quá trình nuôi dạy trẻ, vì yêu thương và quan tâm nên nhiều cha mẹ không muốn con "động tay, động chân" vào việc gì. Họ sốt sắng thu xếp, giải quyết ổn thỏa mọi việc giúp con. Giáo dục kiểu này còn gọi là "Nuôi con kiểu an bài", khiến trẻ nảy sinh tâm lý ỷ lại, thui chột kỹ năng.

Trong mọi vấn đề, kiểu cha mẹ này luôn thay con giải quyết tất cả. Chẳng hạn như họ dọn phòng ốc cho con, đưa ra sự lựa chọn và lên kế hoạch cho con, đứng ra giải quyết các mối quan hệ giữa con với mọi người xung quanh… Những sắp xếp của cha mẹ đã biến tình yêu thương dành cho con trở thành một kiểu tước đoạt, vô tình khiến trẻ bị tổn thương.

Vậy làm thế nào để cha mẹ thoát khỏi tâm lý sắp xếp, làm thay con?

Người xưa từng nói: "Cha mẹ thương con thì phải tính kế lâu dài, không nên chỉ quan tâm đến những điều được - mất trước mắt, mà phải nghĩ đến sự phát triển lâu dài của con".

Cha mẹ nên tỉnh táo hiểu rằng, một ngày nào đó con sẽ rời gia đình, bước vào xã hội với tư cách là một cá nhân độc lập. Rồi trẻ sẽ có cho mình tổ ấm riêng, phải có trách nhiệm với gia đình nhỏ của mình. Vì thế, đừng để trẻ trở thành đứa trẻ "an bài", đợi người khác sắp xếp, vần xoay cuộc đời. Hãy dạy trẻ cách sống tự lập ngay khi trẻ còn nhỏ.

Một kiểu nuôi dạy của cha mẹ vô tình khiến con thiếu bản lĩnh giữa cuộc đời - Ảnh 1.

Để trẻ "an bài" là kiểu nuôi dạy hủy hoại trẻ. (Ảnh minh họa)

Giai đoạn trẻ từ 1 - 5 tuổi

Cha mẹ chú ý phát triển tính tự chủ cho trẻ. Trong giai đoạn này, trọng tâm chính là hình thành thói quen tự ăn uống và tự đi vệ sinh. Cha mẹ nên chú ý rèn luyện cho trẻ thói quen tự chăm sóc bản thân trước khi đi ngủ, tự mặc và cởi quần áo, biết cách đi tất và xỏ giày,… Những việc này giúp trẻ thích nghi với cuộc sống sau khi vào mẫu giáo và phát triển thêm những năng lực khác.

Ở giai đoạn mẫu giáo, trẻ phải thích nghi dần với môi trường tập thể với những hoạt động thú vị. Vì thế, cha mẹ nên chú ý hướng dẫn trẻ tự tìm ra giải pháp mỗi khi gặp vấn đề, bồi dưỡng khả năng ứng xử với các mối quan hệ và kiểm soát cảm xúc. Hãy giúp trẻ hình thành tính tự lập cho trẻ, đừng khiến trẻ trở nên "an bài" theo mọi sắp xếp. Rèn luyện cho trẻ càng sớm, trẻ càng dễ thích nghi với việc học tập và cuộc sống sau khi vào Tiểu học.

Ngưỡng tối thiểu để vào bậc Tiểu học là trẻ có thể tự chăm sóc cho bản thân ở mức cơ bản. Bởi nếu ở trường mẫu giáo, trẻ được giáo viên chăm sóc từ những điều nhỏ nhất như bữa ăn, giấc ngủ thì khi lên Tiểu học, trẻ phải tự thực hiện công việc cá nhân, kể cả thu dọn bàn học, chuẩn bị bài vở,…

Một kiểu nuôi dạy của cha mẹ vô tình khiến con thiếu bản lĩnh giữa cuộc đời - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Khi bước vào bậc Tiểu học

Khi bước vào bậc Tiểu học, khả năng tự chăm sóc bản thân là điều mà cha mẹ cần chú trọng dạy trẻ. Hãy hướng dẫn trẻ cách soạn sách vở, chuẩn bị bài học cho ngày hôm sau, biết cách bảo quản đồ cá nhân… Khi được hướng dẫn, trẻ sẽ tự giác thực hiện và hình thành được thói quen tốt.

Đặc biệt, khi hướng dẫn con học, cha mẹ không được đưa ra kết quả ngay cho con bởi sẽ khiến trẻ thụ động, lười suy nghĩ. Cha mẹ chỉ nên gợi ý để kích thích trẻ tư duy.

Giai đoạn trẻ học bậc THCS và THPT

Ở 2 giai đoạn này, cha mẹ nên chú ý phát triển hơn nữa khả năng học tập cho trẻ. Ngoài ra, hãy rèn luyện cách sắp xếp công việc, cách lên kế hoạch và kỹ năng quản lý thời gian cho trẻ. Đây đều là kỹ năng quan trọng giúp trẻ học tập hiệu quả hơn và có cơ hội thành công cao trong tương lai.

Về khía cạnh cuộc sống, cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ giặt quần áo, dọn dẹp phòng ốc, nấu ăn, mở rộng các mối quan hệ, tham gia hoạt động ngoại khóa… Đặc biệt, trong giai đoạn này, trẻ cần học cách kiểm soát hành vi và cảm xúc của mình. Ở bậc THCS và THPT, trẻ trong độ tuổi dậy thì nên thường rối loạn tâm lý. Cha mẹ hãy là người bạn đồng hành giúp trẻ gỡ rối những vấn đề khúc mắc và kiểm soát tốt cảm xúc.

Ngoài ra, ở giai đoạn này, các bậc phụ huynh cũng nên chú ý đến việc trau dồi khả năng tự quyết định một số việc như: Chọn lớp học thêm, chọn khối ngành và dự định công việc trong tương lai. Trẻ cũng cần rèn luyện khả năng chống lại thất bại, vấp ngã để có thể phát triển cuộc sống sau này.

Một kiểu nuôi dạy của cha mẹ vô tình khiến con thiếu bản lĩnh giữa cuộc đời - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Sau khi trẻ lên Đại học

Về cơ bản, khi lên Đại học, trẻ sẽ phải rời xa vòng tay chở che của cha mẹ để bắt đầu cuộc sống riêng. Lúc này, sự phát triển độc lập của trẻ sẽ vượt trội hơn, thể hiện qua việc tự sắp xếp cuộc sống, tự tìm tòi học tập, tự quản lý tài chính.

Tóm lại, nhận thức và khả năng tự lập của trẻ sẽ phát triển dần qua các giai đoạn. Điều cha mẹ cần làm không chỉ quan tâm thể chất, việc học mà còn cần phát triển những kỹ năng sống khác, trong đó có sự tự lập. Nếu cha mẹ không chú trọng sớm vấn đề này có thể vô tình khiến tương lai của con mình bị hủy hoại.