Nhiều người cho rằng, đây là một cách "báo hiếu" khi gần gũi, giúp đỡ cha mẹ. Một số phụ huynh cũng rất vui lòng. Nhưng cư dân mạng tranh luận: Đó là chữ hiếu hay là ăn bám kiểu mới?
Vào năm 2022, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc lần đầu tiên vượt mốc 10 triệu, đạt 10,76 triệu. Hai năm trở lại đây, do yếu tố xã hội tác động, số lượng công ty thành lập giảm, tình hình việc làm sa sút, nhiều sinh viên đại học không tìm được việc làm.
Làm "con cái toàn thời gian": Họ sống trong nhà của cha mẹ, làm một số công việc nhất định để đổi lấy sự hỗ trợ tài chính. (Ảnh minh họa)
Tỷ lệ thất nghiệp chỉ là một trong những yếu tố. Ngoài ra, lo sợ tốc độ phát triển nhanh của xã hội, về áp lực đào thải doanh nghiệp cao, không muốn lập nghiệp và chỉ muốn "há miệng chờ sung"; quá trình chuyển đổi lựa chọn nghề nghiệp... cũng khiến một bộ phận người trẻ thà hy sinh không gian riêng để sống với cha mẹ.
Những "đứa con toàn thời gian" này nhìn chung đều có học thức cao, điều kiện gia đình không tồi. Họ đổi lấy sự hỗ trợ tài chính bằng cách thực hiện các yêu cầu của cha mẹ và đảm nhận công việc lao động của gia đình.
"Tôi đã tìm được một công việc hoàn hảo, bao tiền ăn và ở; có đầy đủ phúc lợi; không cần phải làm việc từ chín giờ sáng đến năm giờ chiều; không tăng ca, không có lãnh đạo la mắng; thỉnh thoảng chỉ đi chợ nấu ăn và còn được nhận ít tiền 'lại quả', có thời gian tự do, có tiền tiêu vặt"... Đây là những dòng miêu tả trên Douban về "nghề" làm "con cái toàn thời gian".
Khi những thanh niên khác đang làm việc ngoài giờ, thức khuya để lên kế hoạch, cùng lãnh đạo đi giao lưu, một ngày của những đứa con toàn thời gian thường bắt đầu bằng việc ngủ nướng cho đến khi muốn thức dậy. Chẳng hạn: Sáng dậy lúc 9 giờ, dắt chó đi dạo đến 10 giờ; "lượn" vào bếp giúp này giúp kia, trưa ăn cơm, đến 3h mới chợp mắt tiếp. Sau đó tiếp tục dắt chó đi dạo, quay lại giúp nấu bữa tối, rồi nhận hàng mua sắm trực tuyến, xem TV, ngủ...
Trách nhiệm rất đơn giản, nhưng nhiều bạn trẻ có thể nhận được ba "mức lương" của cha, mẹ thậm chí ông bà. Họ không kỳ vọng vào sự tiến thân và không có ham muốn quá mức về tiền bạc. Chỉ tuân thủ nguyên tắc: biết mình năng lực không mạnh, không bằng trước tiên tìm cho mình con đường dễ dàng nhất, yên ổn an dưỡng.
Những đứa trẻ toàn thời gian như vậy rất được lòng nhiều bậc cha mẹ. Trung Quốc đã bước vào một xã hội già hóa. Nhiều người đã đến lúc có tỷ lệ mắc bệnh cao. Họ đã cần người chăm sóc mình. Thay vì thuê người bên ngoài, tốt hơn là nên bỏ tiền ra thuê con cái.
Nhưng cũng có cha mẹ suy nghĩ khác. Và sự thoải mái kể trên có thể chỉ diễn ra trong thời gian đầu.
Tiểu Linh, người vừa du học về và chưa tìm được việc làm phù hợp, chia sẻ rằng những tháng đầu tiên ở nhà là "thời kỳ ngọt ngào" với cả gia đình. Bố mẹ rất hài lòng vì có con gái đỡ đần việc nhà. Khi được người thân hỏi, bố mẹ cô cũng sẽ tự nói: "Tìm việc bây giờ khó lắm. Nhân cơ hội này, hãy cho con bạn nhiều thời gian hơn để nhìn xung quanh và cố gắng tìm ra lựa chọn tốt nhất".
Khi đó, Tiểu Linh cảm thấy mình là người hạnh phúc nhất trên đời. Sau nhiều tháng, vẫn không có tin tức gì về công việc của con, cha mẹ cô bắt đầu hỏi kế hoạch tiếp theo, họ đã mất kiên nhẫn một chút. Nhưng Tiểu Linh không cảm thấy mình thực sự vô dụng, dù sao cô vẫn giúp cha mẹ chia sẻ cuộc sống. Cha mẹ cô lại nghĩ khác.
Cũng có một số em xuất thân từ những gia đình kém khá giả, không dám đặt ra những đòi hỏi cao hơn với cha mẹ. Đi du lịch với bạn bè cần có sự đồng ý của bố mẹ về kinh phí nên xin xỏ cẩn thận. Họ không dám mua quá nhiều thứ trên mạng, vì lo lắng rằng bố mẹ sẽ phát hiện ra rằng mình đang tiêu quá nhiều tiền.
Nhiều người trẻ chọn làm "con cái toàn thời gian". (Ảnh minh họa)
Một số người nhận xét, chỉ cần gia đình đủ khả năng tài chính, con cái có thể làm bất cứ điều gì chúng thích. Dưới góc độ của những người trẻ tuổi, họ cho rằng việc ở nhà làm đứa con toàn thời gian không phải do những người này tự nguyện mà là sự lựa chọn bất lực, có người phải gánh vác việc nhà, thực sự không hề dễ dàng. Các thành viên trong gia đình vì thế nên thấu hiểu và tôn trọng hơn, để tạo cho con động lực tích cực.
Nhưng nhiều người rất phản đối. Họ nhận định, chỉ cần bạn không từ bỏ ước mơ và chăm chỉ làm việc, việc trở thành "đứa con toàn thời gian" trong một thời gian ngắn không đến nỗi được gọi là ăn bám. Nhưng sử dụng tiền tiết kiệm hoặc lương hưu để giúp con cái vượt qua những mệt mỏi tạm thời khác với cả tương lai chúng phụ thuộc vào cha mẹ.
Mặc dù cha mẹ và con cái có thể giúp đỡ lẫn nhau, nhưng nó không thể là một mối quan hệ nuôi nấng 1 chiều mãi mãi. Sở dĩ họ có thể chấp nhận sự chây ì, lười biếng, thành tích không tốt của trẻ chính là vì lòng trắc ẩn và tình yêu thương bẩm sinh của cha mẹ dành cho con cái. Bên cạnh đó, thời gian trôi nhanh và cha mẹ đã già đi. Được ở lâu với con chắc hẳn là một điều hạnh phúc.
Nhưng điều đó không phải là đương nhiên.
Dưới sự tác động của môi trường xã hội, nhiều bạn trẻ không chịu lăn xả mà chọn cách nằm im. Một số bậc cha mẹ bao bọc quá mức, ở một mức độ nào đó cũng triệt tiêu nhiều khả năng con cái. Miệng ăn núi lở, tiền tấn rồi cũng hết với những người lười lao động. Nhiều người không có nghề nghiệp, nhưng vẫn cưới vợ, sinh con rồi cha mẹ lại phải nuôi thêm con dâu, cháu nội. Thay vì "ăn bám" cha mẹ dưới danh nghĩa hiếu thuận, tốt nhất nên nghĩ cách để tự nuôi sống mình.
"Người có thu nhập cao thuê nhà ở một mình, người có thu nhập thấp thuê nhà theo nhóm, có tiền thì uống sữa, không có thì uống nước lọc. Nhất là khi mới bắt đầu sự nghiệp, đó là khoảng thời gian gian khổ, vượt qua thì mới mong thành công.
Tôi nhớ có một lần nửa đêm, một cô gái còn rất trẻ, khoảng ngoài 20 mang đơn hàng giao đến. Có lẽ chưa quen việc nên gọi hai cuộc điện thoại hỏi đường. Khi được hỏi sao giao đồ ăn muộn như vậy, cô ấy nói là công ty đang khó khăn, không thể trả lương trong thời gian dịch bệnh. Vì thế, cô tranh thủ lúc nhàn rỗi, kiếm được một số chi phí sinh hoạt. Tôi nghĩ rằng cô gái này rất tuyệt vời! Bố mẹ chắc cũng rất tự hào về cô ấy", một người chia sẻ.
Nguồn: Sohu