Phạt nguội đang là chủ đề nhận được sự quan tâm lớn, nhất là khi các mức xử phạt phương tiện vi phạm giao thông được điều chỉnh tăng mạnh. Trong bối cảnh đó, việc ứng dụng camera giao thông ứng dụng AI do các kỹ sư Viettel Hightech đang cho thấy những hiệu quả đáng chú ý.
Theo đại diện của Viettel Hightech (VHT), camera giao thông do VHT làm chủ nghiên cứu là sản phẩm camera giao thông thông minh tốc độ cao, có khả năng tuỳ biến theo nhu cầu của từng thị trường, là camera đầu tiên trong phân khúc có khả năng sử dụng 4G/5G cùng với khả năng xử lí AI tại biên mạnh mẽ.
Do vậy, trong khi các hệ thống camera phạt nguội kiểu cũ cần phải thu thập hình ảnh đầu cuối về trung tâm dữ liệu để xử lý rồi sau đó mới truyền về các đơn vị vận hành, xử phạt thì những chiếc camera của VHT vừa có thể độc lập xác định các vi phạm giao thông, vừa có thể đưa ra những phân tích, khuyến cáo dựa trên các số liệu, hình ảnh thực tế ghi lại.
Sự tích hợp của trí tuệ nhân tạo và công nghệ xử lý hình ảnh cho phép camera thông minh của VHT chụp ảnh biển số rõ nét với tốc độ tối đa lên tới 250km/h và bắt lỗi vi phạm giao thông một cách nhanh chóng chính xác không thời gian trễ.
"Không chỉ hướng tới là một camera phát hiện hành vi vi phạm an toàn giao thông, sản phẩm còn được thiết kế để hướng tới khả năng thu hồi và phân tích thông tin giao thông như thông tin lưu lượng, loại phương tiện, tốc độ di chuyển. Từ đó phục vụ bài toán điều tiết giao thông, giúp quá trình tham gia giao thông của người dân trở nên an toàn, nhanh chóng hơn,", đại diện Viettel Hightech chia sẻ.
Hiện tại, ngoài triển khai thử nghiệm tại một số tỉnh, thành phố như Thái Nguyên, Hải Phòng, Huế,... camera giao thông đã chính thức lắp đặt tại thị trường Lào, theo chương trình hợp tác cùng Unitel.
"Để đáp ứng yêu cầu thực tế tình hình giao thông tại quốc gia này, các kỹ sư VHT đã dành 15 ngày tuỳ biến kịch bản bắt lỗi tại Lào cũng như nhận dạng phần số trong biển số xe Lào. Hiện nay, camera ITS đang trong quá trình hợp vào Trung tâm điều hành thành phố thông minh (IOC) do VTS chủ trì tại Lào", đại diện doanh nghiệp cho biết.
Tháng 1/2019, Tập đoàn Viettel đã tổ chức lại bộ máy và công bố thành lập Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) hoạt động 3 lĩnh vực chính: công nghệ quân sự; công nghệ viễn thông và thiết bị dân dụng. Đây là mảnh ghép "công nghiệp công nghệ cao" quan trọng trong hệ sinh thái của tập đoàn.
Năm 2023 VHT đại diện ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam tham gia Triển lãm Công nghiệp quốc phòng Quốc tế MSPO tại Ba Lan vào tháng 9 và Triển lãm Quốc phòng An ninh Châu Á tại Thái Lan vào tháng 11.
Tháng 11/2023, Viettel đã ký thoả thuận với đối tác phân phối sản phẩm mô phỏng huấn luyện kíp chỉ huy bay và buồng lái máy bay của VHT tại thị trường Indonesia. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển thị trường xuất khẩu sản phẩm mô phỏng lái máy bay của Viettel, dự kiến sẽ mang đến nguồn doanh thu hàng chục triệu USD.
Thành tựu này đánh dấu Viettel trở thành đơn vị thứ 2 trên thế giới sau hãng sản xuất máy bay Sukhoi nghiên cứu và phát triển thành công buồng tập lái cho máy bay thế hệ thứ 4 Su-30MK2.
Đặc biệt, tổ hợp mô phỏng huấn luyện kíp chỉ huy bay và phi công VHT là sản phẩm duy nhất trên thế giới cho phép huấn luyện đồng thời phi công và lực lượng mặt đất trong cùng một kịch bản huấn luyện.
VHT cũng là đơn vị mang lại nhiều hợp đồng triệu đô với đối tác ở các thị trường Philippines, Trung Đông trong các lĩnh vực như trạm phát sóng 4G và 5G, cung cấp hệ thống mô phỏng huấn luyện bắn súng...
Tháng 12/2023, VHT đã tổ chức chuyển giao hệ thống 5G Private hoàn chỉnh theo hợp đồng xuất khẩu với Công ty QuadGen Wireless Solutions Pvt Ltd. (QuadGen), chỉ sau 5 tháng ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ tại thị trường Ấn Độ.
Tháng 8/2024, VHT ký hợp đồng trị giá gần 2 triệu USD cung cấp hệ thống mô phỏng huấn luyện bắn súng cho thị trường Philippines.
Tháng 12/2024, tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024), VHT cũng đã ký hợp đồng trị giá hơn 1 triệu USD với Công ty High Cloud Technologies (UAE) để cung cấp hệ thống 5G cho thị trường Trung Đông.
Năm 2023, VHT đã hoàn thành thiết kế và thử nghiệm Chip 5G DFE trên hệ thống thật RRU của Viettel, sẵn sàng cho sản xuất, kinh doanh trong các năm tiếp theo. Đây là chip có độ phức tạp cao đầu tiên của Việt Nam, được tích hợp công nghệ AI vào 5G.
Sự kiện VHT thử nghiệm thành công là tiền đề để VHT sớm đưa chip 5G vào thương mại hóa, cũng như khẳng định sự tự tin Việt Nam có thể làm được mọi chip quan trọng ứng dụng trong an ninh quốc phòng và thương mại, dân sự.
VHT cũng là đối tác đầu tiên của Qualcomm trên thế giới hoàn thành chế tạo khối thu phát vô tuyến trạm 5G sử dụng chipset QRU100 5G RAN của Qualcomm chỉ sau 7 tháng hợp tác, hai bên cũng đang phối hợp tích hợp khối thu phát vô tuyến với khối xử lý băng gốc sử dụng chipset X100 5G RAN Qualcomm.
Đội ngũ kỹ sư của VHT đã cùng tham gia vào quá trình nghiên cứu, đưa ra những phương án tối ưu và hoàn thành sản xuất bo mạch hoàn chỉnh cho trạm thu phát 5G trong thời gian chỉ bằng 1/3 so với quy trình phát triển thông thường. Đây là kết quả vượt xa kỳ vọng của Qualcomm, tập đoàn sản xuất chip viễn thông hàng đầu thế giới.