Một bức ảnh tặng quà gây xôn xao: Dân mình dễ cười quá!

Hoàng Xuân, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 31/07/2016
Chia sẻ

Giữa hình ảnh người phụ nữ gầy yếu lả đi vì kiệt sức, tấm vải quàng qua người tụt cả xuống dưới vai và sát đó, những người khác tươi cười nâng tấm biển tặng tiền, đã khiến nhiều người đưa ra ý kiến không đồng tình.

Càng xúc động vì tình thương và sự hy sinh của người mẹ trẻ dành cho đứa con trong bụng, người đọc càng khó chịu với sự tặng quà có phần thiếu tế nhị của những người trong bức ảnh trên.

Nụ cười, trong đại đa số trường hợp, là dấu hiệu đầu tiên của sự bình yên, an lành và vui tươi, thì trong trường hợp này nó gợi lên sự lợi dụng hoàn cảnh của người khác, thành cái đích cho sự lên án.

Sao không tế nhị hơn?

Giá như những người tặng tiền ấy kín đáo kéo người chồng đang bối rối sang căn phòng khác, ngồi cạnh bên rủ rỉ chuyện trò và chia sẻ với anh. Bên cạnh, có thể chiếc phong bì được để hờ hững đấy nhưng vẫn nhìn thấy trước ống kính, thì chắc chắn họ không hứng chịu đá tảng dư luận những ngày qua.

Vì sao các anh chị ấy không chụp tấm hình tế nhị hơn? Một phần nguyên nhân, ai từng đi làm từ thiện đều biết. Số tiền đem tặng thường là của nhiều người góp vào, mà không phải ai cũng có thể đi tặng trực tiếp, do vậy người đại diện thường phải chụp hình để qua đó thông báo công khai cho nhóm mình được biết và kiểm soát.

Có cả một khía cạnh khác, người đi làm từ thiện cũng rất muốn khoe muốn cho người khác biết mình là người tốt, đã làm hành động tốt.

Nhưng tìm hiểu thêm câu chuyện, tôi bớt đi cái nhìn phẫn nộ.

Khác với tấm ảnh có bề ngoài tương đồng trong vụ người phi công đã hy sinh, đây là số tiền của những cá nhân có quan tâm thực sự. Họ không có công việc kinh doanh nào đằng sau để nhăm nhăm marketing cho nó. Đúng, số tiền đã được trao một cách thiếu tinh tế, nhưng nó thực sự cũng giúp được gia đình ít nhiều.

Tôi nghĩ, chính những người trong gia đình em Trâm lại không bức xúc bằng người đọc. Vì ta chỉ nhìn thấy một khoảnh khắc thiếu tinh tế và dồn hết sự tập trung vào đó. Nhưng bản thân những người trong cuộc, họ có hẳn một khoảng thời gian trò chuyện, chia sẻ với nhau ngoài đời thực, chứ không chỉ là một giây chụp nên bức ảnh. Do đó, họ sẽ nhìn nhận câu chuyện khách quan và trọn vẹn hơn chúng ta.

Người phụ nữ nói trên đã xóa tấm ảnh trong facebook cá nhân. Sau sự cố, không ít người biết chuyện lên tiếng mong dư luận có nhìn nhận nhẹ nhõm hơn: "Chị đi làm thiện nguyện rất nhiều, tính chị ấy không khoe khoang đâu và bức ảnh này cũng không phải do chị ấy chụp".

Thật tốt quá, như vậy sau câu chuyện này, chị và nhóm của chị sẽ có những kinh nghiệm tốt hơn.

"Kéo xuống facebook chị ấy, thấy tấm ảnh nào đi trao quà chị ấy cũng cười"- một người bạn trên facebook của tôi kể thêm.

Tôi bật cười khi nghe thông tin này. Nếu như thế thì là một thói quen của chị ấy rồi.

"Dân mình lúc nào cũng cười được"

Không phải mình chị ấy đâu. Dân Tây thường nhận xét dân Việt mình dễ cười, có thể cười trong mọi hoàn cảnh. Thật vậy, nhiều năm đi viết báo, gặp những người có hoàn cảnh hết sức bi đát, tôi vẫn thường thấy dân mình mỉm cười khi kể lại câu chuyện.

Chúng tôi đi từ thiện, lội trong bùn ngập cả đồng ruộng, núi lở xuống lấp kín nhà cửa, hay những tử tù oan ức hàng chục năm ròng, vẫn thấy rất ít nước mắt. Khi lệ nhỏ xuống, chúng tôi phải rình mà chụp, vì dân mình hay ngượng nghịu đưa tay chùi mắt hoặc giấu mặt đi chỗ khác. Như hết sức ngượng ngùng nếu để người khác thấy mình "yếu mềm" như vậy.

Dân mình thường dùng nụ cười đủ mọi sắc thái cho hầu hết trường hợp: cười mỉa, cười gượng, cười đau đớn, cười chê bai, cười khích lệ, cười bó tay thúc thủ... Còn có hẳn một khái niệm rất văn hoa (nhưng cũng chính xác) bênh vực cho những nụ cười ... lỡ bữa: "Cười là tiếng khóc khô không lệ".

Nhưng cũng có những khi nụ cười chỉ như một phản xạ thiếu kiểm soát khi thấy máy ảnh. Thậm chí từng có lãnh đạo thành phố đứng trước ống kính phóng viên phỏng vấn về đám cháy chết hàng chục người cũng vô thức mỉm cười.

Những trường hợp khó đỡ này cho thấy rõ sự yếu kém trong cách cho-tặng, thể hiện cảm xúc cá nhân và sự thiếu tinh tế của truyền thông.

Tại trường Quốc tế AES (TP HCM), nhiều vị phụ huynh và cả ban giám đốc nhà trường từng rất ngạc nhiên và xúc động trước hình ảnh thầy hiệu trưởng người Canada quỳ trên sân khấu cả buổi để đọc lời khen tặng và trao quà cho các bé cấp một.

Một bức ảnh tặng quà gây xôn xao: Dân mình dễ cười quá! - Ảnh 1.

Thầy hiệu trưởng trường AES (TP HCM) quỳ trên sân khấu buổi tổng kết để đọc lời khen tặng và trao phần thưởng cho học sinh cấp một. Ảnh: Nguyễn Thị Oanh.

Thầy rất cao, nếu thầy đứng thẳng thì các em bé không thể nhìn được vào mắt thầy, hoặc là phải ngước lên mới nhận được món quà từ tay thầy. Cho nên, thầy chọn cách quỳ xuống để ngang tầm với các em.

Trong khi đó, chúng ta có vô số những chương trình truyền hình dành cho trẻ em, nhưng các MC người lớn vẫn đứng sừng sững trên cao huyên thuyên nói những lời khen tặng. Không một người nào cúi thấp xuống để ống kính tập trung vào gương mặt em bé, chứ đừng nói đến quỳ.

Thiếu tinh tế trong truyền thông còn thể hiện ở chỗ mô tả người được cho ở góc độ xót xa nhất nhằm gây thương cảm cho người đọc. Tấm ảnh hoặc bài viết vô tình hạ thấp người được tặng quà ở vị trí người đi xin, mặc dù họ hoàn toàn bị động và không ý thức được điều đó trong bức tranh tổng thể.

Này là cả nhà xếp hàng bưng tấm bảng ghi số tiền được cho trước ống kính, đằng sau là bộ sậu xã phường mặc sơ mi trắng đứng điểm danh. Có những khi người được cho quà vẫn mặc bộ đồ bộ lếch thếch (không hẳn họ không có bộ áo quần tươm tất hơn), có khi người tâm thần mặt ngơ ngơ cũng bị lôi ra xếp hàng để minh họa cho giọng thuyết minh lên xuống bổng trầm, cố nhấn mạnh vào đau thương thua kém.

Người khuyết tật thì phải biểu diễn vài hành động bằng bộ phận cơ thể khuyết tật của mình. Không ít bài báo ca ngợi anh Út cụt tay giỏi làm VAC thì phải có tấm ảnh anh ở trần, đắp đất dưới ao bằng mẩu tay cụt. Và phải nhìn thật rõ mẩu tay cụt!

Đôi khi khoảng cách giữa sự thật và sự thô bạo-thậm chí cảm xúc tàn nhẫn, chỉ là một sợi tóc.

"Lỡ"

Nhưng làm trong nghề, tôi nhận thấy trong đại đa số trường hợp, nó chỉ thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp chứ chưa hẳn là dụng ý ác tâm của người chụp.

Bạn chắc đã xem tấm ảnh Tổng thống Mỹ Obama đang cúi xuống cho một đứa trẻ da màu sờ lên tóc? Gác đôi chân dài lên bàn làm việc, tay áo xắn cao, tai nghe điện thoại (dĩ nhiên, điện thoại cho Tổng thống toàn các cuộc cơ mật, chứ có lẽ nếu bà Michel gọi bảo anh ơi tí về ghé mua bó hành nêm canh, em quên mua mất rồi... thì ông không dám ngồi nghênh ngang như vậy). Hay clip ông Obama đi dạo trong công viên, vẫy tay chào hỏi hoặc dừng lại nói chuyện với người khách nào đó, gây ra nỗi ngạc nhiên và thú vị vì ông Tổng thống bình dân gần gũi...

Bạn nghĩ ai là người có mặt đúng những khoảnh khắc biết nói đó và chụp lại? Và dư luận sau những tấm ảnh đó dành vô số thiện cảm cho ai thế nhỉ?

Một bức ảnh tặng quà gây xôn xao: Dân mình dễ cười quá! - Ảnh 2.

Bức ảnh tổng thống Mỹ Obama đang cúi xuống cho một đứa trẻ da màu sờ lên tóc dành được nhiều thiện cảm của người dân. Ảnh: Internet

Bạn ơi, đó không bao giờ là những tấm ảnh tình cờ. Đằng sau nó là cả một ê kíp hùng hậu và chuyên nghiệp bậc nhất thế giới.

Nên tôi nghĩ, với những người làm truyền thông chuyên nghiệp, xin hãy hết sức chuyên nghiệp hóa công việc của mình, vì tạo ra những hình ảnh đẹp đẽ hay méo mó trước xã hội là do chúng ta. Còn với tác giả của bức ảnh cư dân mạng đã ném đá suốt vài ngày qua, với những "trần tình" của người trong cuộc, tôi thấy nó chỉ là do lỡ tay (chụp), lỡ miệng (post lên facebook). Một chút lỡ lầm! Đừng nên vì chút lỡ lầm ấy phủ nhận tuốt tuồn tuột công sức, tấm lòng của rất nhiều người trong nhóm từ thiện ấy.

Lỡ sai thì sửa. Ai mà nắm tay được cả ngày, phải hông?

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày