Một năm qua không phải khoảng thời gian bùng nổ của Đằng Tấn khi hàng loạt dự án được đầu tư kinh phí khủng, luôn đứng đầu danh sách đáng mong chờ nhất lại... "rớt đài" đáng tiếc. Sau đó, Mộng Hoa Lục ra mắt giữa lúc chẳng còn ai thật sự đặt để hi vọng vào phim cổ trang Hoa ngữ nữa. Thế nhưng bất ngờ thay, phim đã thật sự bùng nổ vượt xa mọi kì vọng.
Sự trở lại của Lưu Diệc Phi đã hoàn toàn sắp xếp lại mọi trật tự về vị thế, quyền lực và khả năng "gánh phim" của dàn tiểu hoa đán xứ Trung. Chỉ với một câu chuyện "trị chồng tồi" đơn giản, không có múa phép, không có tiên - quỷ đối đầu, Mộng Hoa Lục đã hoàn toàn chinh phục khán giả, cho thấy cách làm nên một bộ phim cổ trang hay lại... dễ đến như thế. Mộng Hoa Lục đã giúp "cô Phi" trở lại với chiếc ghế Hậu của "bàn cờ" tiểu hoa đán mà 16 năm qua, ai cũng tưởng cô đã nhường lại người khác.
Mộng Hoa Lục đã giúp "cô Phi" trở lại với chiếc ghế Hậu của "bàn cờ" tiểu hoa đán mà 16 năm qua, ai cũng tưởng cô đã nhường lại người khác.
Thành Vũ
Bài học làm phim "nữ chủ" chính chuyên dành cho các tiểu hoa đán
Lưu Diệc Phi trở lại trong hình tượng Triệu Phán Nhi - cô thôn nữ lên kinh để đối mặt với người phu quân sắp cưới bội bạc của mình, sau khi y bỏ rơi cô để cưới tiểu thư nhà giàu vì đã đỗ thám hoa. Dễ thấy với 3 cái tên nữ chính là Lưu Diệc Phi - Lâm Duẫn - Liễu Nham, Mộng Hoa Lục chắc chắn là phim về "quyền nữ", về cách phái đẹp vùng dậy giữa những bất công của cuộc sống.
Có thể nhẹ nhàng ví Mộng Hoa Lục như một phiên bản cổ trang của 30 Chưa Phải Là Hết. Trong đó, thân phận người phụ nữ được đặt để khéo léo, không cần "giẫm đạp" lên đàn ông để tôn vinh bản thân. Nhất là thân phận nữ nhân như Phán Nhi, Tam Nương hay Dẫn Chương, họ đã hứng chịu thói "trọng nam khinh nữ" xuyên suốt nhưng không vì thế mà trở nên "bất nhân", hễ gặp đàn ông là sinh hận. Có vậy hành trình đi tìm lại bản thân của các nàng mới trở nên hấp dẫn, ý nghĩa và đáng học hỏi hơn bội phần.
Ngoài ra, sự bổ sung của nhân vật "Diêm La sống" Cố Thiên Phàm (Trần Hiểu) của biên kịch Mộng Hoa Lục cũng là một dụng ý đặc sắc. Sự xuất hiện của Cố Thiên Phàm thể hiện rằng một cô gái như Triệu Phán Nhi - bị phụ bạc, bị coi thường, bị long đong lận đận - nhưng sau cùng vẫn tin vào tình yêu, vẫn tin rằng ngoài kia sẽ có một đấng nam nhi dành cho cô cả thế giới. Đây là thông điệp vô cùng văn minh, tiến bộ mà gần đây chỉ có Mộng Hoa Lục thể hiện được một cách ý nhị - "quyền nữ" chính là khi con gái được sống theo cách mình muốn, và sống thật đẹp.
Lưu Diệc Phi diễn... hay
Đây là tuyên ngôn có thể khó tin, nhưng đó là sự thật ở Mộng Hoa Lục lần này. Sau nhiều tác phẩm điện ảnh "bom xịt" như Tam Sinh Tam Thế: Thập Lý Đào Hoa hay Mulan, Lưu Diệc Phi dành chút thời gian nhìn lại mình, sau đó trở lại với màn ảnh nhỏ - "bến đỗ" đã giúp mình thành công trước kia. Và thật sự, "bến đỗ" này vẫn còn rất thương yêu mỹ nhân sinh năm 1987 khi tạo điều kiện để cô trở lại với lối diễn xuất tự nhiên, nhẹ nhàng và "khoe sắc" giống như trước.
Vì hiểu rõ giới hạn của bản thân nên Lưu Diệc Phi mới lựa chọn kịch bản như Mộng Hoa Lục: đậm đặc đất diễn cho nữ chính, nhưng bám sát đời thực với những tình huống, câu chuyện đã, đang và vẫn sẽ xảy ra. Đó là lý do Lưu Diệc Phi không cần quá áp lực để trở thành một kiểu như "quốc bảo diễn xuất", thay vào đó thể hiện trọn vẹn nhân vật như cách mà cô đã làm với Cô Long hay Triệu Linh Nhi năm xưa. Đó, chỉ đơn giản là "sự tròn trịa".
Lưu Diệc Phi không cần quá áp lực để trở thành một kiểu như "quốc bảo diễn xuất", thay vào đó thể hiện trọn vẹn nhân vật như cách mà cô đã làm với Cô Long hay Triệu Linh Nhi năm xưa.
Thành Vũ
Ngoài ra, xem phim của Lưu Diệc Phi thì người xem hoàn toàn có thể an tâm ở một điều. Đó là những cảnh khéo léo, nghệ thuật đều thật 100%. Không phông xanh. Không CGI. Không đóng thế. Những lần Lưu Diệc Phi múa quạt, hay rót trà theo kiểu thác nước, hay thậm chí ném đồ, chống chọi với bọn cướp cạn, đó đều là thật. Đó là cổ trang "cổ điển", là một Lưu Diệc Phi treo mình trên dây hay vùi mình xuống thác nước ở Thần Điêu Đại Hiệp, là sự kính nghiệp mà không ai có thể phản bác.
Mộng Hoa Lục là "hạc giữa bầy gà" hay chỉ là "tên chột làm vua xứ mù"?
Đứng trước cơn sóng điểm số cao ngất ngưởng chỉ trong 1 ngày kể từ khi mở điểm trên Douban, Mộng Hoa Lục trở thành đề tài đánh giá rầm rộ của khán giả. Liệu Mộng Hoa Lục có thật sự chất lượng, hay chỉ là một bộ phim ổn giữa muôn vàn "thảm họa" cổ trang vừa qua?
Đầu tiên, Mộng Hoa Lục đã tái định nghĩa "siêu phẩm cấp S" của Đằng Tấn. Phần bối cảnh, hình ảnh của phim được đầu tư chỉn chu, một phần nhờ vào kinh phí được sử dụng hợp lý, không còn "đổ" vào kỹ xảo nữa. Nhờ vậy, khán giả hoàn toàn có thể tập trung thưởng thức câu chuyện của phim, vẫn chính là kịch bản là yếu tố "tỏa hương" nhất.
Vừa là một bộ phim đẹp, không lo kỹ xảo "giả trân" hay vụng về, không sợ những cảnh đánh đấm bị luộm thuộm, lại còn có nội dung được thể hiện tinh tế qua góc nhìn của nữ đạo diễn Dương Dương, Mộng Hoa Lục may mắn nổi bật giữa lúc làn sóng cổ trang đang sắp nguội lạnh, thế nhưng bản thân phim cũng là ngọn lửa nóng bỏng, làm trỗi dậy tinh thần và tình yêu dành cho phim cổ trang của hàng vạn khán giả khắp nơi.
Mộng Hoa Lục đã tái định nghĩa "siêu phẩm cấp S" của Đằng Tấn.
Thành Vũ
Chấm điểm: 4/5
Chắc chắc Mộng Hoa Lục không phải đỉnh cao của phim ảnh Hoa ngữ, nhất là với số điểm gây tranh cãi vì gần như ngang hàng với những Chân Hoàn Truyện hay Hoàn Châu Cách Cách. Song, không thể phủ nhận rằng đã lâu lắm rồi mới có một bộ phim không cố gắng "hô mưa gọi gió" ngay từ đầu, hay dùng chiêu trò để câu kéo sự quan tâm của khán giả. Mộng Hoa Lục thu hút ngay ở chính chất lượng của bộ phim - có điểm cộng, có điểm trừ nhưng sự chỉn chu, đầu tư của cả ekip là điều không thể phủ nhận.
Mộng Hoa Lục lên sóng từ thứ Năm đến Chủ nhật hằng tuần.
Nguồn ảnh: Tổng hợp