Theo CNN, những sợi mì giữ vai trò như một "người hùng thầm lặng", tạo nên kết cấu và cốt lõi cho nhiều món ăn ở châu Á.
Hãng tin Mỹ dẫn lời ông Tang Pui Sum, giám đốc Nhà máy Mì Yau Kee 60 năm tuổi của Hồng Kông khẳng định: "Mì có thể chỉ là thành phần phụ - chiếm khoảng 10% giá thành món ăn - nhưng nếu không có loại mì phù hợp, món ăn sẽ bị hủy hoại".
Các loại mì châu Á, khi kết hợp với nhiều nguyên liệu khác nhau, cùng công thức chế biến đã tạo nên sự sáng tạo độc đáo. Trong đó, phải kể tới 3 đại diện xuất sắc đến từ Việt Nam.
Phở
Đừng đầu danh sách của CNN là bánh phở. Đây là một nguyên liệu nổi tiếng khi được sử dụng trong vô số món ăn đặc trưng trên khắp châu Á, từ món Pad Thái (Mì xào kiểu Thái) cho tới Phở áp chảo xào thịt bò (Quảng Đông), món Char Kway Teow của Malaysia và Phở của Việt Nam.
Để làm ra bánh phở mỏng và dẹt, bột gạo và nước được nhào thành một hỗn hợp, cán mỏng, sau đó hấp và xắt thành các kích cỡ khác nhau.
Phở là món ăn đặc trưng của Việt Nam (Ảnh: Getty)
Bánh phở xào của Quảng Đông thường được quét một lớp dầu mỏng sau khi hấp để tạo độ mịn cho bánh. Trong khi đó, theo ông Tang Pui Sum: "Ở Thái Lan và Việt Nam, họ đôi khi làm khô mì ngay sau khi hấp để không phải quét thêm lớp dầu".
Trước đó, vào năm 2019, CNN bình chọn phở là một trong 50 món ăn tuyệt vời nhất thế giới. Trong khi, trang tin Business Insider từng ca ngợi phở là món ăn ngon nhất ở Việt Nam, và bình chọn việc thưởng thức phở tại Hà Nội vào danh sách 100 trải nghiệm du lịch nhất định phải thử một lần trong đời.
Tạp chí du lịch TheTravel (Canada) vinh danh phở là món ăn tổng hợp sự tinh túy trong ẩm thực xứ Việt. Ngoài phở Hà Nội, TheTravel cho biết tại TP. Hồ Chí Minh cũng có những hàng phở ngon nức tiếng mà du khách nên thử khi đến đây, trong đó có Phở Hòa, Phở Lệ, Phở Tàu bay, Phở miến gà Kỳ Đồng.
Bún
Tiếp theo, bún là nguyên liệu được ưa thích vì kết cấu trơn và mùi thơm nhẹ. Trong số các món ăn được chế biến từ bún ở Việt Nam, CNN ấn tượng nhất với món bún chả. Hãng tin này mô tả, ở món ăn này, bún thường được dùng nguội với thịt nướng, ăn kèm với rau thơm và nước chấm.
Món bún chả của Việt Nam được báo chí nước ngoài đánh giá cao (Ảnh: Getty)
Bún chả cũng từng được CNN bình chọn là món ăn ngon nhất mùa hè năm 2012. Năm 2014, bún chả một lần nữa lọt vào danh sách 10 món ngon đường phố tuyệt vời nhất trên tạp chí National Geographic.
Đặc biệt, năm 2016, rất nhiều tờ báo nước ngoài như Telegraphm Daily Mail, CNN… đã đưa tin về việc Tổng thống Mỹ Obama và cố đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain đến ăn tại quán bún chả Hương Liên tại số 24 Lê Văn Hưu, Quận Hai Bà Trưng, một lần nữa nâng tầm của món ăn này trên trường quốc tế.
Cao Lầu
Cuối cùng, CNN dành nhiều lời khen cho Cao Lầu của Việt Nam.
Là một món ăn phổ biến ở phố cổ Hội An, Cao Lầu bao gồm thịt lớn nướng thái mỏng, sợi mì chiên giòn hoặc ram cao lầu và một loại mì gạo đặc biệt.
Chị Trịnh Diễm Vy, một đầu bếp nổi tiếng, và là chủ của 9 nhà hàng ở Hội An nói với CNN: "Cao Lầu trông đơn giản nhưng cần rất nhiều thời gian và cách chế biến cầu kỳ".
Sợi mì được làm từ gạo dài và già hạt, nước dùng lấy từ một giếng cổ ở Hội An, có tên là Giếng Bá Lễ.
"Những khoáng chất từ nước giếng này cung cấp các yếu tố phù hợp với kết cấu sợi mì" - Chị Vy nói. Sau khi bột được cán mỏng và xắt thành sợi thì sẽ được đem hấp nhiều lần cho chín. Công đoạn này cũng giúp tạo màu vàng, cũng như độ dai độc đáo của sợi mì.
Cao Lầu là món ăn đặc sản của thành phố Hội An (Ảnh: Getty)
Tờ Huffington Post của Mỹ cũng từng có bài viết ca ngợi Cao Lầu là một trong những món ăn độc đáo nhất trong kho tàng ẩm thực phong phú của Việt Nam.
Cùng cảm nhận với CNN, Huffington Post cho rằng sợi mì để làm món Cao Lầu là tâm điểm và cũng là thành phần chính để tạo nên sự độc đáo cho món ăn. Dường như chỉ có một số ít người biết chính xác công thức để chế biến loại mì này, câu chuyện về cách chế biến là cả một huyền thoại.
Đầu tiên, nước để chế mì sợi phải được lấy từ nước giếng cổ Bá Lễ ít người biết đến, rồi trộn với tro củi lấy từ đảo Cù Lao Chàm (đảo ngoài khơi của Hội An), sau đó mới đem ngâm gạo.
Quy trình làm Cao Lầu cũng tách rời nhau. Công thức là một bí mật, chỉ một số gia đình ở Hội An biết. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người cố gắng ghi chép lại công thức của riêng mình.
Bài báo của Huffington Post khẳng định, dù rằng ngày nay món Cao Lầu có được chế biến với nước giếng cổ và tro Cù Lao Chàm hay không không quá quan trọng. Điều quan trọng là món ăn này vẫn giữ được hương vị truyền thống, đậm đà bản sắc văn hóa của một đô thị cổ.
Sự kết hợp giữa các thành phần nguyên liệu, cũng như câu chuyện bí ẩn thú vị phía sau mỗi công đoạn chế biến đã tạo nên sự hấp dẫn kỳ lạ cho món ăn độc đáo này của Hội An.