Triển khai tuyển sinh sớm lớp 6
Dù Sở GD&ĐT Hà Nội chưa công bố kế hoạch triển khai tuyển sinh đầu cấp (lớp 1, 6, 10) năm học mới 2022 - 2023 nhưng nhiều cơ sở giáo dục tư thục tại Thành phố đã đưa ra phương án tuyển sinh vào lớp 6.
Thí sinh dự thi lớp 10 năm 2021. Ảnh: Mạnh Thắng
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS&THPT Lương Thế Vinh cơ sở 1, Hà Nội cho biết nếu như mọi năm, tháng 4 trường mới tiến hành bán hồ sơ vào lớp 6 thì năm nay sẽ triển khai từ đầu tháng 3 này. Sau ngày khóa sổ ( ngày 5/4) sẽ kiểm tra đánh giá năng lực đối với những thí sinh qua vòng điều kiện hồ sơ.
Hiện tại, trường THCS&THPT Lương Thế Vinh xây dựng 2 kịch bản kiểm tra đánh giá năng lực tuyển sinh lớp 6. Nếu dịch bệnh được kiểm soát an toàn hơn, trường sẽ kiểm tra đánh trực tiếp và ngược lại. “Sau khi có kết quả, nhà trường sẽ công bố cho phụ huynh và thí sinh. Đến thời gian Sở GD&ĐT Hà Nội cho phép làm thủ tục nhập học thì phụ huynh đến trường hoàn thiện công việc này. Năm nay tổ chức sớm hơn để phụ huynh và nhà trường không bị cập rập”, thầy Bình cho hay. Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS&THPT Lương Thế Vinh cơ sở 1, Hà Nội cho biết nếu như mọi năm, tháng 4 trường mới tiến hành bán hồ sơ vào lớp 6 thì năm nay sẽ triển khai từ đầu tháng 3 này. Sau ngày khóa sổ ( ngày 5/4) sẽ kiểm tra đánh giá năng lực đối với những thí sinh qua vòng điều kiện hồ sơ.
Tương tự, trường THCS&THPT Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm) năm nay tuyển sinh 360 chỉ tiêu vào lớp 6. Ngoài hình thức xét tuyển thẳng, trường sẽ xét bằng đánh giá năng lực. Học sinh sẽ làm 3 bài kiểm tra gồm kiến thức môn tiếng Việt, Toán, tiếng Anh (mỗi bài làm trong 45 phút).
Nội dung thuộc phạm vi chương trình tiểu học hiện hành, chủ yếu kiến thức lớp 5; hình thức kiểm tra là trắc nghiệm khách quan kết hợp với tự luận đảm bảo yêu cầu 4 cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cấp độ cao. Trường dự kiến có 4 đợt kiểm tra đánh giá năng lực, trong đó đợt sớm nhất tổ chức vào ngày 19/3 và muộn nhất là 11/6.
Đặc biệt, trường THCS&THPT Nguyễn Siêu đã tuyển sinh xong đợt 1 từ ngày 9/11/2021 dành cho học sinh trường Tiểu học Nguyễn Siêu. Đợt 2 dành cho học sinh các trường Tiểu học khác được bắt đầu từ 1/3.
Dựa trên nguyện vọng của gia đình và mục tiêu giáo dục của nhà trường, quá trình học tập trong một cấp học và sức khỏe của học sinh, Nhà trường sẽ tổ chức bài trắc nghiệm tâm lý dành cho học sinh, kiểm tra năng lực tổng hợp General AbilityTest - (bằng tiếng Anh) và năng lực tổng hợp (bằng tiếng Việt). Trường THCS Đoàn Thị Điểm tuyển sinh lớp 6 với 25 lớp, 750 chỉ tiêu. Nhà trường phát hành hồ sơ đăng ký dự tuyển từ 10/2 đến 20/5.
Thấp thỏm môn thi thứ 4
Có con năm nay lên lớp 10, chị Nguyễn Khánh Chi (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang đếm ngược thời gian chờ Sở GD&ĐT Hà Nội công bố phương án thi. Con gái chị Chi đang học tại trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội.
Trong thời gian học THCS, lực học của con luôn thuộc top của lớp, nhưng ba năm qua, học trực tuyến nhiều hơn trực tiếp nên chị Chi vẫn lo không đỗ được vào trường THPT như mong muốn. Mục tiêu của con và gia đình là trúng tuyển vào một trong hai trường THPT Trần Phú hoặc THPT Việt Đức trên địa bàn quận.
Cũng giống như rất nhiều phụ huynh khác có con năm nay vào lớp 10, chị Khánh Chi mong Sở GD&ĐT Hà Nội quyết định bỏ môn thi thứ 4.
“Học kỳ II của lớp 9 luôn là giai đoạn nước rút của cả cô và trò. Nhưng với tình hình hiện tại, các thầy cô và học sinh hằng ngày chỉ tập trung thực hiện học trực tuyến và trực tiếp đã hết thời gian. Giáo viên dạy các con cũng lo mà phụ huynh thì càng ngồi trên lửa”, chị Khánh Chi than.
Thực tế, những học sinh năm nay thi lớp 10 chỉ có năm lớp 6 được đến trường học trọn vẹn. Sau đó, mỗi lần quay trở lại trường, chưa kịp thích ứng với việc học tập thì lại có một đợt dịch khác đến. Vì thế, kiến thức ít nhiều cũng có sự thiếu hụt.
Chưa kể, trong quá trình học trực tuyến, nhiều nội dung do thời lượng dạy có hạn, thầy cô thường khuyến khích học sinh về nhà tự đọc hoặc giáo viên sẽ gửi video để các con tự nghiên cứu. Do đó, có không ít kiến thức học sinh cũng không nắm vững.
Ở góc độ khác, chị Trịnh Thị Thanh Vân (Long Biên, Hà Nội) thông tin, năm 2021, lúc đầu chị cũng nghĩ thi môn thứ 4 sẽ quá tải cho con vì hai năm học trực tuyến. Nhưng thực tế, môn thi thứ 4 lại là môn con gỡ điểm.
Theo kế hoạch hằng năm, khoảng trung tuần tháng 3 Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố phương án thi lớp 10 và tuyển sinh đầu cấp đối với các cơ sở giáo dục trực thuộc. Năm nay, cũng sẽ tương tự như vậy. Ngoài ba môn thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, học sinh sẽ biết môn thi thứ tư.
Tuy nhiên, việc thi hay bỏ môn thi thứ 4 tại thời điểm này, Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn chưa đưa ra ý kiến. Còn các trường THPT chuyên trực thuộc các trường ĐH đóng trên địa bàn Thành phố đã công bố đề án tuyển sinh, cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10. Các trường dự kiến tổ chức thi tuyển sinh trong khoảng thời gian cuối tháng 5 đầu tháng 6.
Trong khi phụ huynh Hà Nội đang ngóng từng ngày phương án thi của Sở GD&ĐT thì một loạt tỉnh đã chốt xong kế hoạch tuyển sinh lớp 10 năm học 2022 - 2023 gồm 3 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (thí sinh đăng ký một trong các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc). Còn đối với học sinh thi lớp 10 tỉnh Cao Bằng thì sẽ phải tham gia 4 bài thi là Toán, Ngữ văn, Vật lý.
Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết kế hoạch tổ chức thi lớp 10 của Thành phố còn phụ thuộc vào lịch thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT. Từ đó, Sở sẽ trình phương án lên UBND Thành phố đề xuất tổ chức kỳ thi trước hay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT.