Rời khỏi ngôi trường cấp 3, không còn chịu nhiều áp lực học hành, thi cử như xưa, nhiều bạn trẻ thường muốn tìm cho mình những trải nghiệm mới khi bước chân lên giảng đường Đại học (ĐH). Lúc này, sinh viên không chỉ lo tích lũy kiến thức, các bạn còn muốn có thêm kinh nghiệm sống, kiến thức xã hội và quan trọng hơn, đó là có thể tự lập một chút về tài chính.
Hai từ "làm thêm" chắc hẳn là từ khóa xuất hiện trong đầu rất nhiều bạn SV, không chỉ đối với những bạn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn mà hầu hết sinh viên đều mong muốn tìm cho mình một công việc phù hợp. Điều này giúp các bạn vừa đảm bảo chuyện học hành trên lớp, vừa có thêm nhiều trải nghiệm ngoài cuộc sống và thử thách sức chịu đựng của bản thân.
Hiện nay ở các cổng trường ĐH hay gần các khu trọ sinh viên, trên
các cột điện, tường nhà có dán rất nhiều các tờ rơi quảng cáo tuyển nhân viên với
công việc nhàn hạ, không cần kinh nghiệm mà tiền lương cao. Hầu hết trên những
tờ rơi kiểu như thế này, chỉ có số điện thoại và tên chủ cửa hàng để liên hệ chứ
không có bất kỳ một địa chỉ cụ thể hay sự đảm bảo chắc chắn nào.
Đối tượng hướng đến thường là các bạn trẻ năm thứ nhất, thứ 2 do đây là những "lính mới", thiếu kinh nghiệm "chinh chiến" với cuộc sống phức tạp ở thành thị.
"Bẫy lừa" thử việc - kế "độc" để rút tiền, bòn sức lao động của tân sinh viên
Các chiêu lừa đảo xuất hiện nhan nhản, ở khắp Hà Nội và dưới nhiều hình thức, mục đích khác nhau. Vì thế tránh được chiêu này, sinh viên lại gặp rắc rối với những "chiếc bẫy chuột" khác. Việc lừa tiền có vẻ đã cũ khi mới đây, chúng tôi liên tục nghe nhiều sinh viên kể về "cục tức" của mình khi bị "bòn rút" cả tiền bạc lẫn công sức lao động, sự hăng hái và "cuỗm" luôn rất nhiều lòng tin non nớt.
M.T.Thúy (tân sinh viên trường ĐH Thương Mại) kể cho tôi nghe một câu chuyện khá bi hài về lần đầu tiên đi làm thêm của mình. "Đó là một chiêu lừa đảo rất trắng trợn, nó làm mình tưởng rằng lỗi do mình nhưng hóa ra là chủ quán đó "khét tiếng" lừa sức lao động của sinh viên", Thúy ấm ức kể.
Chuyện là quán cafe gần nhà trọ của cô (trên phố Trần Bình) treo biển tuyển nhân viên phục vụ với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng. Công việc yêu cầu ngoại hình, giao tiếp khá, có kinh nghiệm làm part-time tại nhà hàng, quán ăn. "Tuy nhiên mình thấy lạ là mình không hề có những yếu tố đó nhưng vẫn được tuyển", Thúy kể. Tuy nhiên, vì rất vui khi kiếm được việc làm phù hợp với lịch học nên cô hoàn toàn bỏ qua những chi tiết này.
Một bạn SV đang nghỉ trưa tại cửa hàng tạp hóa, nơi bạn xin vào làm thêm theo ca.
"Đi làm thì bác chủ thông báo thử việc một tuần, nếu làm tốt thì mới được giữ lại. Hợp đồng sẽ kí sau khi thử việc xong xuôi, giao dịch lương thử việc hoàn toàn bằng miệng", Thúy kể.
Được nhận vào làm, ngày nào Thúy cũng đi làm chăm chỉ, chịu khó. Thế nhưng qua 1 tuần, Thúy vẫn không thấy bác chủ đề cập đến chuyện ký hợp đồng. "Sang đến ngày thứ 8, đúng vào ngày mình đi muộn 10 phút thì bác ấy bảo là mình chểnh mảng công việc. Mình có nói lại thì bác ấy lu loa lên bảo mình đăng đối với người lớn tuổi, mắng mình té tát không ra gì". Tuy nhiên, vì nghĩ mình cũng có chỗ sai nên Thúy bỏ qua. Ai ngờ, từ đó trở đi, chủ quán cafe mà Thúy làm việc luôn tìm cách soi mói, nói cạnh khóe khiến cô rất khó chịu.
"Mình quyết định xin nghỉ sau hơn 10 ngày làm tại đó nhưng khi hỏi đến tiền lương thì bác ấy bảo là do mình làm không tốt lại còn chủ động xin nghỉ nên không được trả lương. Mình thắc mắc là nếu đã làm không tốt thì tại sao sau tuần đầu bác không cho mình nghỉ luôn thì bác ấy lên giọng nói "chả lẽ phải đuổi thẳng mày đi mày mới chịu, tao nói ý thế là mày phải hiểu rồi". Bác ấy nói mỉa mai mình, giống như mình là đứa chẳng làm được gì và đang đi ăn xin bác ấy ít tiền vậy. Trong khi công việc ở quán cafe rất bận, nhân viên ca tối có một mình mình", Thúy ấm ức kể.
Điều đáng nói là sau khi nghỉ việc ở quán cafe này, Thúy mới biết đó là nơi chuyên lừa thử việc tân sinh viên. "Sau khi nghỉ việc, mình nghe nhiều anh, chị khóa trên kể lại rằng họ cũng từng làm ở đó và dính bẫy lừa y như mình. Có người chịu nhịn, làm hết cả tháng cũng chẳng được ký hợp đồng, tiền lương nếu có đòi được thì cũng bị trừ khoản nọ, khoản kia vì những lý do rất trên trời", Thúy nói thêm.
Các bạn sinh viên mong có một công việc làm thêm phù hợp để trang trải cho cuộc sống
Cùng mắc phải "mánh lừa" đảo giống như Thúy nhưng câu chuyện của B.C.N (tân sinh viên trường ĐH Ngoại Thương) có phần còn bi đát hơn khá nhiều. "Mình làm thêm ở một hiệu bán quần áo. Lương thỏa thuận là 1,2 triệu đồng/tháng, cam kết làm ít nhất 3 tháng. Thế nhưng sau 1 tháng làm việc, tự dưng chủ quán điều mình sang cơ sở tận bên Gia Lâm, khá xa so với nơi mình trọ và đi học nên mình không theo được. Lúc này bác chủ lấy lý do mình vi phạm hợp đồng, tự ý nghỉ việc và không trả lương".
Quá bức xúc khi cảm thấy công sức mình bỏ ra đã không được đền đáp xứng đáng, C.N đã lên mạng, chia sẻ câu chuyện của mình cho nhiều người cùng biết và tránh xa hiệu quần áo này. "Chiêu lừa phỉnh và đổ lỗi cho sinh viên của quán này rất lợi hại. Đến lúc đọc nhiều comment tố quán đó, mình mới biết là mình bị lừa một vố nặng như thế nào. Cách lừa và những lời nói mà bác chủ sử dụng để đối đáp với mình cũng y như với những người trước".
Không nuốt trôi "cục tức" này, B.C.N bèn rủ thêm mấy bạn nam thân thiết đến nói chuyện và đòi lại tiền lương. Ban đầu chủ quán cũng hăm dọa B.C.N nhưng sau khi cô đưa ra lý lẽ rằng trong hợp đồng đã thỏa thuận rằng B.C.N làm việc tại địa chỉ Chùa Láng, không phải ở Gia Lâm. Việc chủ quán tự ý thay đổi nơi làm việc khi không có thỏa thuận với nhân viên cũng là vi phạm hợp đồng.
Một bạn SV (áo đỏ) làm việc tại một shop thời trang đang tư vấn cho khách hàng.
"Mình dọa sẽ mang hợp đồng đi báo cáo công an nhưng bác chủ vẫn luôn miệng chửi bới mình rất thô tục. Bác ấy chẳng thèm nói lý nữa mà chỉ lăng nhục mình và thách đố mình dám gọi công an".
Nhận thấy thái độ "sửng cồ", ánh mắt hăm dọa của chủ quán, B.C.N bèn ra về và đến công an phương trình báo. "Mọi thứ cũng diễn ra mới đây nên sau khi mình trình báo vẫn chưa thấy có kết quả gì. Nghĩ lại hôm đó nếu không có mấy bạn nam đi cùng chắc bác chủ quán đã xông vào đánh mình một trận tơi bời rồi vì nhìn mắt bác ấy như kiểu tóe ra lửa vậy".
B.C.N cho biết, điều cô mong muốn nhất lúc này là cơ quan công an sẽ sớm vào cuộc điều tra, làm rõ và trả lại công bằng cho cô. "Mình rất buồn vì đó là lần đầu mình đi làm thêm, đó cũng là công việc mình rất yêu thích nên đã làm rất nhiệt tình. Mình cũng rất thất vọng khi nhận ra chủ quán là người hai mặt. Bình thường thì nói chuyện với mình rất ngọt nhạt, đến khi có chuyện thì như biến thành người khác".
Nữ sinh chia sẻ, cô muốn đẩy chuyện này đi xa như vậy không chỉ bởi số tiền lương 1,2 triệu đồng cho một tháng làm việc vất vả. "Quan trọng hơn đó là sự công bằng. Nếu không ai làm gì, chẳng lẽ mọi người cứ bị lừa rồi ấm ức cho qua và chủ quán lại cứ dùng chiêu cũ, lừa hết sinh viên này đến sinh viên khác", B.C.N chia sẻ.
Sinh viên cần làm gì để tránh những bẫy lừa thử việc?
Anh Lê Anh Đức (chuyên viên phân tích nghiệp vụ phần mềm) người từng trưởng thành từ chương trình thực tập tài năng khi còn là sinh viên tâm sự: "Theo mình đi làm khi còn là sinh viên rất tốt vì nó mở ra cho mình nhiều cơ hội. Thế nhưng các bạn cũng nên tinh ý để tránh bị lừa. Ví dụ là tìm hiểu kỹ nơi mình đến làm, nhìn ngắm cơ sở vật chất của nơi đó để nhìn nhận phần nào về tiềm lực tài chính".
Theo anh Đức, để tránh bị lừa, tân sinh viên nên nắm rõ luật lao động. "Theo mình tốt nhất là các bạn không nên apply vào các công việc bắt nộp tiền khi đi làm. Làm việc gì cũng cần có hợp đồng rõ ràng và trước khi ký, các bạn phải đọc kĩ các điều khoản, đặc biệt là liên quan đến thù lao, thời hạn hợp đồng và điều khoản chấm dứt hợp đồng", anh Đức nói thêm.
Ngoài ra theo anh, khi ký xong hợp đồng lao động, sinh viên nên giữ lại một bản để tiện đối chứng và sẽ sử dụng đến khi bị chủ thuê lật giọng.
Trong khi đó, bạn Thảo, sinh viên năm cuối ĐH Ngoại Thương cũng chia sẻ một số bí kíp để giúp các bạn tân sinh viên tránh sập bẫy lừa đảo việc làm thêm.
Bạn Nguyễn Phương Thảo - Sinh viên năm cuối chuyên ngành tài chính quốc tế trường ĐH Ngoại Thương.
"Theo mình các bạn bị lừa thử việc như trên chủ yếu là do quá trình giao kèo đã không được hợp thức hóa bằng hợp đồng chi tiết, cụ thể nên dễ bị chủ quán lật giọng".
Theo Thảo, khi làm bất cứ một công việc gì, với mức lương ra sao, tân sinh viên cũng nên yêu cầu chủ quán lập hợp đồng, có chữ ký của cả hai bên. "Vì chủ quán mà làm ăn chân chính thì sẽ không bao giờ ngại làm hợp đồng", Thảo phân tích.
"Các bạn cũng chú ý là lương thử việc, thời gian thử thách và các điều khoản không vi phạm trong lúc thử việc cũng nên được nêu ra chi tiết trong hợp đồng, như vậy chủ quán cũng sẽ khó lật bài ngửa hơn".
Ngoài ra Thảo cũng cho rằng, các bạn trẻ nên tìm việc làm thêm tại các công ty uy tín để tránh gặp rắc rối. "Các bạn nên tìm kiếm việc làm qua những nguồn đáng tin cậy, có thể check soát trên mạng được".
Tương tự, Vân Anh (sinh viên năm cuối Học viện Tài chính, một người từng đi làm thêm rất nhiều) cũng chia sẻ: "Nếu gặp sự cố, mình nghĩ các bạn không nên ấm ức mà giữ yên trong lòng. Mình biết nhiều bạn sinh viên sợ bị ném đá, sợ bị thương hại nhưng theo mình, nếu bị lừa tốt nhất mọi người cũng nên trình báo với cơ quan công an giống bạn B.C.N hoặc nếu không có căn cứ gì như Thúy thì hãy đưa lên mạng để cảnh báo các bạn tân sinh viên khác".