Điều hoà nhiệt độ là thiết bị tiêu tốn điện năng hàng đầu trong mỗi gia đình vào mùa hè. Chỉ cần sử dụng không đúng cách, hoá đơn điện có thể tăng vọt dù thời gian bật máy không nhiều. Vậy đâu là những sai lầm phổ biến khiến bạn vừa tốn tiền điện, vừa làm giảm tuổi thọ của máy và làm sao để dùng điều hoà hiệu quả mà vẫn tiết kiệm?
Cùng điểm qua những nguyên nhân thường gặp ngay sau đây.
1. Bật – tắt liên tục trong ngày
Bật - tắt điều hoà liên tục trong ngày tưởng như để giảm tiền điện nhưng kết quả thì ngược lại vì khiến máy phải khởi động lại từ đầu mỗi lần. Từ đó tiêu hao rất nhiều điện năng, nhất là khi phòng chưa đủ mát, máy lại phải làm lạnh lại từ đầu.
Giải pháp tốt hơn là thay vì để điều hoà quá lản rồi tắt giữa giữa chừng, bạn nên giữ nhiệt độ ổn định, cho máy chạy liên tục ở chế độ tiết kiệm (Eco/Inverter) và đảm bảo phòng kín gió.
2. Đặt nhiệt độ quá thấp
Thói quen vừa bật điều hoà đã hạ nhiệt độ xuống mức thấp nhất (thường là 16–18°C) với suy nghĩ “cho mát nhanh” chính là một trong những nguyên nhân khiến điện năng tiêu hao nhiều hơn mức cần thiết. Bởi máy nén phải hoạt động liên tục và hết công suất để đưa nhiệt độ trong phòng xuống mức đó, nhất là khi ngoài trời đang nắng nóng. Việc này không chỉ kéo dài thời gian làm lạnh mà còn khiến điều hoà tiêu thụ điện nhiều hơn bình thường, dẫn đến hoá đơn tăng lên.
Ngoài ra, chênh lệch nhiệt độ quá lớn giữa trong phòng và ngoài trời cũng dễ khiến cơ thể bị sốc nhiệt, ảnh hưởng đến sức khoẻ – đặc biệt với người già, trẻ nhỏ và người có bệnh lý hô hấp.
Nhiệt độ lý tưởng để vừa mát mẻ, vừa tiết kiệm điện thường nằm trong khoảng 26–28°C, kết hợp thêm với quạt gió hoặc quạt trần sẽ giúp không khí lưu thông tốt hơn, làm mát hiệu quả hơn mà vẫn không hao tốn quá nhiều điện năng.
3. Không đóng kín cửa khi bật điều hoà
Điều hoà hoạt động hiệu quả nhất khi không gian kín được giữ ổn định về nhiệt độ. Nếu cửa sổ hoặc cửa ra vào không được đóng kín, khí lạnh trong phòng sẽ dễ dàng thoát ra ngoài, đồng thời không khí nóng bên ngoài cũng tràn vào.
Kết quả là điều hoà sẽ phải "cày" thêm để bù lại phần nhiệt độ bị thất thoát, dẫn đến tiêu tốn nhiều điện hơn. Việc này không chỉ khiến tiền điện tăng mà còn rút ngắn tuổi thọ của thiết bị do máy nén và quạt phải vận hành quá tải trong thời gian dài.
Để tiết kiệm điện và giữ nhiệt độ ổn định, hãy đảm bảo rằng phòng được đóng kín hoàn toàn trước khi bật điều hoà. Có thể sử dụng thêm các dải chắn khe cửa hoặc rèm cách nhiệt nếu cần.
4. Không vệ sinh lưới lọc định kỳ
Lưới lọc trong máy điều hoà có nhiệm vụ giữ lại bụi bẩn, phấn hoa, vi khuẩn và các hạt nhỏ li ti trong không khí. Sau một thời gian sử dụng, lớp bụi này sẽ bám dày khiến luồng không khí không thể lưu thông trơn tru qua dàn lạnh. Kết quả là máy phải hoạt động mạnh hơn, lâu hơn để làm mát được phòng kéo theo lượng điện tiêu thụ tăng cao.
Không chỉ tốn điện, việc không vệ sinh định kỳ còn dễ dẫn đến hỏng hóc thiết bị, gây mùi hôi và làm giảm chất lượng không khí trong phòng. Thế nên bạn nên vệ sinh lưới lọc khoảng 1–2 lần/tháng, với máy đã sử dụng lâu năm thì bảo dưỡng tổng thể ít nhất mỗi năm một lần để đảm bảo điều hoà vận hành hiệu quả và tiết kiệm.
5. Mở điều hoà cùng lúc với nhiều thiết bị sinh nhiệt
Sử dụng điều hoà trong khi vẫn bật bếp điện, máy tính hoạt động liên tục, bàn là... khiến phòng càng nóng, điều hoà phải làm việc nhiều hơn để cân bằng nhiệt độ. Đó là lý do vì sao phòng mãi không mát, mà tiền điện thì cứ tăng.
Nếu muốn tiết kiệm điện, nên hạn chế sử dụng các thiết bị sinh nhiệt cùng lúc với điều hoà hoặc chuyển sang dùng vào thời điểm khác. Ngoài ra, nên ưu tiên sử dụng thiết bị có công nghệ tiết kiệm điện, tỏa ít nhiệt và bố trí ở nơi thoáng gió trong phòng.
6. Chọn sai công suất điều hoà so với diện tích phòng
Công suất điều hoà cần phải phù hợp với diện tích và đặc điểm của căn phòng. Nếu bạn chọn máy có công suất quá nhỏ so với diện tích phòng, điều hoà sẽ phải chạy liên tục ở mức tải cao để làm mát được cả không gian, tốn điện mà hiệu quả làm mát lại không như mong muốn.
Ngược lại, nếu chọn máy có công suất quá lớn thì không những gây lãng phí điện năng mà còn khiến phòng bị lạnh nhanh nhưng không đều, gây khó chịu và ảnh hưởng đến sức khoẻ, nhất là với người già, trẻ nhỏ.
Lời khuyên là nên tính toán đúng công suất điều hoà dựa theo diện tích phòng, trung bình khoảng 1HP (ngựa) cho phòng 15m².
7. Không dùng chế độ tiết kiệm điện (Eco/Inverter)
Ngày nay hầu hết điều hoà đều có chế độ Eco hoặc công nghệ Inverter giúp giảm điện năng tiêu thụ đến 30–60%. Nhưng vì ngại cài đặt, nhiều người vẫn chỉ bật – tắt bằng remote thông thường, bỏ qua tính năng quan trọng này.
Nếu điều hoà nhà bạn có chế độ tiết kiệm điện, hãy tận dụng triệt để để "cắt bớt" hoá đơn hàng tháng.
Nguồn: Tổng hợp