Trong ví có thể không có đồng tiền mặt nào nhưng không thể không có thẻ ngân hàng là thực tế quen thuộc của nhiều người trẻ bây giờ. Lúc học đại học, bố mẹ chuyển tiền sinh hoạt hàng tháng cũng qua tài khoản ngân hàng, học phí cũng trừ trực tiếp qua thẻ, đến khi đi làm lương “ting ting” hàng tháng về thẻ. Từ đó, bằng 1 cách tự nhiên thẻ ngân hàng trở thành vật bất ly thân của giới trẻ - thế hệ sinh ra và lớn lên trong thời đại công nghệ “lên ngôi”.
Tuy nhiên, không chỉ có 1-2 cái, có nhiều người trẻ thậm chí còn mở đến chục cái thẻ ngân hàng. Trong khi đó, một chiếc thẻ đã khó kiểm soát, tại sao thế hệ trẻ vẫn lựa chọn mở nhiều thẻ đến như vậy? Có những câu chuyện “dở khóc dở cười” nào khi sử dụng nhiều thẻ ngân hàng hay không?
Khi liên lạc và trò chuyện với một nhóm nhỏ người trẻ về chủ đề dùng nhiều thẻ ngân hàng, có 1 điều khá phổ biến chính là người trẻ thường sẽ mở rất nhiều thẻ vì lời nhờ vả từ bạn bè giúp chạy chỉ tiêu. Khi làm tại ngân hàng, nhân viên thường sẽ bị áp là phải mở bao nhiêu thẻ ngân hàng mới mỗi tháng, từ đó dẫn đến tình trạng “nhờ vả” họ hàng và người quen.
“Mình có tận 8 cái thẻ nhưng chỉ dùng 2-3 cái thôi. Có 3 lý do chính mình mở nhiều thẻ như vậy là người quen làm ngân hàng nhờ mở tài khoản. Công ty và trường học yêu cầu mở để trả lương và đóng học phí. Còn nhu cầu thật sự mình chỉ chủ động đi mở 2 thẻ”, Đàm Hồng Thanh (26 tuổi) chia sẻ.
Cô bạn 26 tuổi cho rằng việc được nhờ vả cũng khiến bản thân gặp bất tiện nhưng ngại từ chối. Sau khi mở xong, Hồng Thanh hay nhận được các cuộc gọi hoặc tin nhắn từ ngân hàng mời mở thẻ tín dụng dù không có nhu cầu.
Đàm Hồng Thanh
Cũng thường xuyên nhận được những lời nhờ vả từ việc mở tài khoản là Nam Anh (23 tuổi), tuy nhiên cậu bạn lại cảm thấy điều đó bình thường. “Mình đang làm trong ngành đầu tư, thường xuyên phải nhờ bạn bè chạy chỉ tiêu, nên cũng hiểu được cái khó của việc này. Với bạn bè thường bảo mở thẻ không mất phí gì nên cũng kệ, và có vẻ không trừ phí thật”.
Có 1 số ý kiến cho rằng, việc sử dụng nhiều thẻ ngân hàng là đang “đóng tiền miễn phí” cho ngân hàng vì luôn phải trả phí cũng như có 1 số tiền duy trì thẻ. Cũng là 1 người có giai đoạn dùng tới 4-5 thẻ ngân hàng cùng lúc, tuy nhiên Trương Thành Công (30 tuổi) lại cảm thấy điều đó đưa đến nhiều lợi ích cho mình, khác hẳn với suy nghĩ của nhiều người.
“Mình hay được các ngân hàng chào mời mở thẻ tín dụng ưu đãi 1 năm đầu không phải trả phí thường niên, có thời điểm còn có quà nữa. Mình thường mở 1 năm để nhận được những ưu đãi này, sau đó không thích nữa thì đóng thẻ lại. Hiện tại, mình chỉ dùng 1 thẻ tín dụng và 1 thẻ ghi nợ thôi”.
Trương Thành Công
Cùng quan điểm trong câu chuyện dùng thẻ tín dụng của Thành Công là Nam Anh. Cậu bạn 23 tuổi cho rằng khi sử dụng thẻ tín dụng sẽ giúp tận dụng được nguồn tiền hàng tháng, “mua ngay trả sau”, chỉ cần thanh toán đúng hạn là được. Chẳng hạn, như đặt trước khách sạn, hay mua vé máy bay thường sẽ có rất nhiều ưu đãi. Các công ty hoặc ứng dụng công nghệ cũng thường xuyên kết hợp với ngân hàng để tung ra rất nhiều chương trình với voucher rất “hời”.
“Có đợt, mình thường đi xe công nghệ 0 đồng bởi vì nếu liên kết trả bằng thẻ ngân hàng mình đang dùng sẽ được giảm giá siêu mạnh. Từ đó, mình cũng có thói quen, trước khi mua sắm hay dùng dịch vụ gì thường coi thanh toán bằng thẻ ngân hàng có lợi hơn không”.
Đàm Hồng Thanh chia sẻ rằng cô bạn từng đọc được từ 1 bài viết rằng việc sử dụng thẻ tín dụng thường sẽ có nhiều chương trình ưu đãi hơn thẻ ghi nợ, và người dùng đã tiết kiệm được rất nhiều tiền từ điều đó. Song, nó cũng có 1 nhược điểm rất lớn chính là khó quản lý dòng tiền vào và dòng tiền mình đang nợ. Bởi vì bản chất của thẻ tín dụng là mượn tiền trước để sử dụng sau đó đến kỳ phải trả lại. Nếu chi tiêu quá đà có thể thành nợ xấu, không có khả năng hoàn trả.
Bên cạnh đó, Ngọc Quỳnh (24 tuổi) hiện nay đang dùng 4 thẻ ngân hàng cho rằng nhược điểm lớn nhất là khó quản lý thẻ, thỉnh thoảng bị mất thẻ này, không tìm thấy thẻ kia là chuyện bình thường. “Mình đã từng bị trừ phí dịch vụ thẻ ngân hàng mà không biết. Tất cả các thẻ của mình đều liên kết để thanh toán trực tuyến, tin nhắn thông báo số dư về điện thoại, do vậy trước đó mình bị trừ kha khá phí”.
Ngọc Quỳnh
Từ đó, cô bạn đã phân loại các loại thẻ, xem ưu nhược điểm của chúng là gì để ưu tiên dùng thẻ ngân hàng đúng mục đích và vẫn đem lại hiệu quả tốt nhất. Ví dụ, thẻ ngân hàng A sẽ chuyên dùng để thanh toán online vì không mất phí. Còn thẻ ngân hàng B là tài khoản lương và hiện tại cũng không mất phí giao dịch chuyển tiền.
Còn với Thành Công, sử dụng nhiều thẻ tức là ví ngày càng… dày lên do phải chứa quá nhiều thứ. “Mình còn phải nhớ thẻ nào tiêu gì, ngày sao kê là ngày nào, ngày tất toán nợ là ngày bao nhiêu, không trả đúng hạn sẽ bị tính lãi cao ngất ngưởng”.
Trước câu hỏi trên, quan điểm của Thành Công là nếu không kinh doanh đa kênh thì 2 thẻ là đủ bao gồm thẻ ghi nợ để nhận giao dịch và lương, thẻ tín dụng để ứng trước các khoản cần mua ngay nhưng mà chưa có tiền sẵn. “Mình hơi ngại vấn đề bị đánh cắp thông tin khi mở quá nhiều thẻ, do đó có càng ít thẻ, khả năng bị đánh cắp cũng giảm đi”.
Câu chuyện có nhiều thẻ ngân hàng không còn xa lạ gì với người trẻ. Đi cùng đó là ưu và nhược điểm riêng, tuy nhiên cân bằng được dù nhu cầu và số lượng thẻ, phù hợp với cuộc sống cá nhân sẽ tốt nhất.
“Việc có nhiều thẻ ngân hàng mình thấy cũng tuỳ theo nhu cầu sử dụng của mỗi người. Còn đối với mình hiện tại không dùng thẻ tín dụng mà chỉ mở thẻ ghi nợ dựa trên mục đích cá nhân. Mình không muốn mở tràn lan, vì nhiều lúc khó mà kiểm soát được tổng tiền đang có là bao nhiêu, giống như cách mình để quên tiền trong túi quần lúc giặt đồ mới phát hiện vậy. Mở tài khoản ra có tiền cũng vui đó, nhưng đồng nghĩa là mình đang không kiểm soát được dòng tiền của bản thân”, Ngọc Quỳnh chia sẻ suy nghĩ về câu chuyện mở nhiều thẻ ngân hàng.
Ảnh: NVCC