Các cuộc khai quật thăm dò được tiến hành ở làng Île-Rousse, nơi từng có vài phát hiện khảo cổ trước đó đã giúp phát hiện ra khu mộ cổ nói trên. Khu nghĩa trang được xác định có từ thế kỷ thứ 1 sau Công Nguyên, nằm phía sau giáo xứ của thị trấn.
Một "ngôi mộ bình gốm" được khai quật (Ảnh: INRAP)
Theo các nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu bảo tồn khảo cổ Quốc gia Pháp (INRAP) loại bình gốm khổng lồ được dùng làm quan tài trong các ngôi mộ 2.000 năm tuổi này gọi là amphorae, với phần cổ bình hẹp và 2 quai, khá phổ biến trong nhiều nền văn minh cổ đại trong khu vực. Dường như chúng được tái sử dụng từ những bình đựng rượu vang, dầu ô liu, nước muối… mà người dân đảo Cosrica đã mua từ các thương gia người Carthage với số lượng lớn.
Bình gốm chắc chắn giúp bảo quản hài cốt rất tốt (Ảnh: INRAP)
Tờ Acient Origins cho biết đáng chú ý nhất là một số ngôi mộ đá được bao phủ hoặc gia cố bằng các phiến đất nung, cũng là vật liệu tái sử dụng từ các mái ngói theo kiến trúc Hy Lạp - La Mã. Xét lại lịch sử, quả thật người La Mã đã chiếm hòn đảo này vào khoảng thời gian trùng khớp với niên đại của những ngôi mộ cổ. Có vẻ dân đảo đã tái sử dụng vật liệu từ các ngôi nhà La Mã chứ không phải mộ này thuộc về người La Mã.
Ảnh: INRAP
Đây được coi là điều bất ngờ bởi khu vực phát hiện ra nghĩa trang được cho là rất hoang vắng trong suốt lịch sử hòn đảo. Nhưng một chuỗi mộ phần được chôn cất phức tạp, số lượng lớn nhưng không cách nhau nhiều về thời gian như thế này cho thấy ngôi làng này có mật độ dân số vào giữa thế kỷ thứ 1 sau Công Nguyên lớn hơn nhiều so với tưởng tượng.
Theo INRAP, hiện vẫn chưa rõ lý do của tập tục chôn cất kỳ lạ này. Các cuộc khảo cổ quanh khu vực vẫn được tiếp tục bởi việc phát hiện ra khu mộ cổ độc đáo củng cố thêm niềm tin rằng Corsica thực sự là "đảo kho báu" của giới khảo cổ, với rất nhiều di tích, hiện vật đang chờ được khai phá. Vị trí đặc biệt của hòn đảo có thể giúp nó trở thành một thương cảng trù phú trong quá khứ chứ không hoang vắng như ngày nay.