Ngày 21-5, Thủ tướng Chính phủ có Công điện 601/CĐ-TTg yêu cầu tập trung ứng phó với nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên. Bên cạnh việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên cũng đang dồn sức phòng chống cháy rừng trước tình hình nắng nóng dự báo kéo dài đến tháng 8.
Hàng trăm ngàn hecta rừng bị đe dọa
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa đang phối hợp cùng công an và chính quyền thị xã Ninh Hòa điều tra, xem xét khởi tố vụ án cháy rừng quy mô lớn, xảy ra ở khu vực rừng căm xe thuộc Tiểu khu 77, xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa, vào ngày 12-5. Qua đo đạc, kiểm đếm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa xác định diện tích bị cháy khoảng 97 ha.
Ngoài vụ cháy rừng vừa diễn ra, trên địa bàn thị xã Ninh Hòa có gần 3.906 ha đứng trước nguy cơ cháy rất cao, gồm 1.393 ha rừng trồng và 2.513 ha rừng tự nhiên. Các xã có nhiều khu vực rừng trọng điểm như Ninh Tây, Ninh Tân, Ninh Sơn, Ninh Phú… cảnh báo có nguy cơ cháy rất cao.
Theo báo cáo của UBND huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện xảy ra 5 vụ cháy rừng keo trồng, gây thiệt hại trên 22 ha. Trong đó, 3 vụ cháy rừng gần đây nhất xảy ra trong tháng 5, gây thiệt hại 3,5 ha ở xã Khánh Thành và 2 ha ở xã Sông Cầu.
Ông Trần Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa, cho biết do thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài, toàn tỉnh hiện có 67.000 ha rừng tiềm ẩn nguy cơ bị cháy rất cao. Trong đó, có 3 địa phương ở mức cực kỳ nguy hiểm là Vạn Ninh, Ninh Hòa, Cam Lâm. Trước tình hình này, chi cục tăng cường các biện pháp kiểm ra, ứng phó; đề nghị các lực lượng chức năng của xã, huyện tổ chức tuần tra, canh gác rừng nghiêm ngặt 24/24 nhằm kịp phát hiện, dập tắt sớm các đám cháy, hạn chế tối đa thiệt hại do cháy rừng gây nên.
Toàn tỉnh Gia Lai có 270.000 ha rừng thuộc diện có nguy cơ dễ xảy ra cháy, trong đó có 50.000 ha rừng trồng nguy cơ cháy rất cao. Khu vực rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ có khoảng 8.200 ha nằm trong phạm vi cảnh báo này. Việc người dân vào khu vực rừng này đốt lửa lấy mật ong có thể gây cháy rừng bất cứ lúc nào. Riêng tại huyện Krông Pa có khoảng 84.000 ha đất lâm nghiệp có rừng rất dễ cháy, đã được địa phương này lên phương án bảo vệ.
Ông Trương Văn Nam, Trưởng Phòng Quản lý bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, cho biết diện tích có nguy cơ cao nhất là rừng trồng. Ngay từ đầu mùa khô, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai đã thông báo cấp dự báo cháy rừng 2 lần/tuần, bố trí lực lượng thay phiên trực 24/24 giờ nhằm sẵn sàng ứng phó, xử lý tình huống. UBND tỉnh Gia Lai cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị chủ rừng thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng.
Lực lượng kiểm lâm tập huấn chữa cháy rừng cho dân quân địa phương tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa (TP Đà Nẵng).Ảnh: QUANG LUẬT
Đoàn công tác của tỉnh Thừa Thiên - Huế kiểm tra công tác phòng chống cháy rừng ở thị xã Hương Thủy. Ảnh: QUANG NHẬT
Dồn lực ứng phó
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, vừa dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh này đi kiểm tra thực địa công tác phòng cháy chữa cháy rừng tại một số diện tích rừng ở thị xã Hương Thủy, một trong những địa phương có nguy cơ cháy rừng cao.
Ông Thọ đánh giá tình hình nắng nóng gay gắt trong mùa khô năm nay tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao tại thị xã Hương Thủy cũng như nhiều địa phương khác. Do đó, các cấp, ngành chức năng, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Lực lượng kiểm lâm phải khẩn trương rà soát lại phương tiện chữa cháy rừng, tăng cường xuống các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng để kiểm tra, hướng dẫn việc sử dụng lửa, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng. Các địa phương sớm xây dựng phương án huy động lực lượng, vật tư, trang thiết bị, hậu cần thường trực sẵn sàng ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra. Trong đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Theo thống kê, TP Đà Nẵng có hơn 63.596 ha đất có rừng, mật độ che phủ hơn 47%. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 44.497 ha và rừng trồng 19.099 ha. Trước tình hình nắng nóng kéo dài nhiều ngay qua, với nhiệt độ cao nhất phổ biến 34-37 độ C, có nơi trên 37 độ C, TP Đà Nẵng đã nâng mức báo động cháy rừng lên mức báo động cấp V (có khả năng xảy ra cháy rừng trên diện rộng) từ ngày 21 đến hết ngày 24-5.
Ông Trần Viết Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng - khẳng định thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo phòng chống cháy rừng TP Đà Nẵng chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp với địa phương xuống tận nhà người dân để tuyên truyền. Đối với những khu vực rừng có mức cảnh báo nguy cơ cháy từ cấp III trở lên, các chủ rừng không được đốt thực bì; hộ nào vi phạm sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.
"Bên cạnh đó, chúng tôi chỉ đạo lực lượng địa phương thực hiện phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, dụng cụ phương tiện tại chỗ, con người tại chỗ, hậu cần tại chỗ); lập đội phản ứng nhanh 24/7, chốt chặn các khu vực rừng như: bán đảo Sơn Trà, Nam Hải Vân, Đà Sơn - Khánh Sơn, Bà Nà - Núi Chúa, dốc Kiền… để kịp thời ngăn chặn không để lửa cháy lan cháy lớn" - ông Phương nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phương, toàn TP Đà Nẵng có 586 hộ dân tham gia đề án chi trả "Dịch vụ môi trường rừng", triển khai từ 4 năm qua. Đây là lực lượng hỗ trợ đắc lực trong việc bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng trong đợt nắng nóng kéo dài hiện nay.
Bảo vệ bán đảo Sơn Trà
Khu vực rừng bán đảo Sơn Trà đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy cao, nhất là việc du khách lên tham quan đốt lửa. Về việc này, Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng cho biết sẽ tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng của địa phương để ngăn chặn các hành vi tác động vào rừng ở bán đảo, yêu cầu ký cam kết với các hàng quán kinh doanh ở khu vực Sơn Trà, quản lý chặt du khách, tuyệt đối không đốt lửa trại khi tham quan, dã ngoại.
Lo ngại người dân đốt rẫy
Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 252.000 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 140.000 ha, rừng trồng gần 120.000 ha. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận vụ cháy rừng nghiêm trọng nào xảy ra. Tuy nhiên, trước tình hình nắng nóng kéo dài như hiện nay, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao. Trong đó, đáng lo ngại nhất là việc người dân tranh thủ mùa khô vào đốt nương rẫy, phát dọn thực bì lấy đất sản xuất, đe dọa các cánh rừng tự nhiên và rừng trồng lâu năm.
Ông Trần Đại Đức, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông, cho biết trên địa bàn hiện có hơn 71.000 ha rừng tự nhiên. Các khu rừng tự nhiên thường nằm gần khu đất sản xuất nên khi bà con đốt rẫy, xử lý thực bì rất dễ xảy ra tình trạng cháy lan sang rừng. Chính vì vậy, đơn vị này đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm địa bàn phải túc trực, bám sát từng thôn bản để kiểm tra, ngăn chặn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Công Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông, cho hay những ngày này đã triển khai lực lượng túc trực 24/24 giờ tại các chòi canh lửa để bảo vệ hơn 23.000 ha rừng do đơn vị quản lý. Hiện trên địa bàn 2 huyện miền núi này có 5 chòi canh lửa với hàng chục cán bộ, nhân viên tham gia bảo vệ.
Theo ông Trần Văn Tý, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Quảng Trị, đến nay, tỉnh Quảng Trị đã củng cố, kiện toàn 279 tổ/đội quần chúng bảo vệ rừng với 2.499 người tham gia để chủ động đối phó với các tình huống khi xảy ra cháy rừng theo phương châm "4 tại chỗ".