Mẹ tôi ép em gái học nhiều đến nỗi hàng xóm phải chạy sang xin hộ

Tiểu Ngạn, Theo Phụ nữ Việt Nam 21:00 09/12/2022

Dù lý do “muốn các con sau này có cuộc sống tốt đẹp” của mẹ nghe thật chính đáng, nhưng tôi cũng khó chấp nhận cảnh mẹ cứ ép em học đến kiệt quệ.

5h dậy vệ sinh cá nhân, ăn sáng, xếp sách vở. Nếu đi thi thì phải đọc thêm sách, ngày cuối tuần cũng phải dậy sớm đến lớp múa. 5h chiều phụ đạo với gia sư đến 7h. Ăn cơm xong tối lại học bài từ 8h - 10h mới ngủ.

Đó là lịch sinh hoạt 4 mùa của em gái tôi, 365 ngày chỉ ngoại lệ mỗi dịp Tết.

Nghỉ lễ cũng phải đọc thêm sách. Nếu nó dám chểnh mảng ngồi xem phim hoặc nghịch điện thoại là kiểu gì mẹ cũng quát mắng ầm nhà.

Ngày xưa tôi bé mẹ cũng nhắc học lắm, nhưng so ra thì không đến mức “còng lưng” như bé Sam bây giờ. Em kém tôi tận 10 tuổi nên chương trình học rất khác. Tôi chỉ dạy được em từ mẫu giáo đến lớp 5, còn cấp 2 trở lên là tôi chịu. Được cái Sam cũng ngoan và chịu khó nên quanh năm chỉ cắm mặt vào học hành.

Đôi khi tôi ước Sam được trở về như hồi anh nó còn bé. Tuổi thơ tôi còn được chơi nhiều thứ hơn em, bố mẹ bận đi làm kiếm tiền nên chẳng ai bắt ép tôi gì cả. Còn Sam thì tội lắm. Nó bộc lộ trí nhớ siêu phàm từ nhỏ nên mẹ tôi cứ kỳ vọng con gái sẽ trở thành thần đồng, ép em vào khuôn khổ học tập từ khi mới 2 tuổi. 3 tuổi Sam đã thuộc hết bảng chữ cái và số. 4 tuổi đọc được truyện cổ tích, 5 tuổi đọc được quyển sách dày. Thấy em nói tiếng Anh vanh vách, mẹ tôi lại bắt nó học cả tiếng Pháp với Trung.

Mặc cho gia đình tôi can ngăn và nhiều người xung quanh tỏ ra choáng ngợp, mẹ tôi vẫn kiên quyết bắt bé Sam học tối tăm mặt mũi. Mẹ nghĩ ra đủ thứ để nhồi nhét vào đứa em bé xíu của tôi. Hết văn hóa trên lớp lại đến môn năng khiếu nọ kia, em gái tôi chẳng khác gì cỗ máy…

Lên lớp 3 thì Sam cận nặng. Em còn bị thấp bé nhẹ cân do không ăn ngủ đầy đủ. Cầm tờ khám sức khỏe ở trường của Sam mà bố tôi giận tím mặt, ông bà nội cũng trách mẹ tôi gây ảnh hưởng đến sự phát triển của em. Mẹ cương quyết bảo vệ quan điểm “lùn sau này cải thiện được còn tri thức phải rèn ngay từ bé”. Vậy là gia đình tôi bó tay, đành để Sam đi theo khuôn phép của mẹ.

Mẹ tôi ép em gái học nhiều đến nỗi hàng xóm phải chạy sang xin hộ - Ảnh 1.

Thực sự nhiều lúc tôi cũng thấy ngột ngạt thay cho em. Nó không dám than thở gì cả vì biết chắc mẹ sẽ mắng. Gần như lúc nào mẹ cũng kè kè bên cạnh, thi thoảng mẹ đi tắm hoặc ra ngoài có việc tôi mới lén mang đồ ăn đồ chơi cho Sam. Nghe em kêu mệt mỏi buồn ngủ, tôi ngồi canh cho em đến lúc mẹ về.

Khổ cái là thành tích học của Sam rất tốt, nên mẹ tôi luôn tin rằng nhờ mình kèm cặp nên con mới chăm chỉ giỏi giang như thế. Nhiều lúc tôi thấy lố nhưng không thể nhắc khéo mẹ được. Động đến chuyện học hành của em là mẹ tôi nhạy cảm lắm. Bà dựng lên cứ như con nhím xù lông, luôn cho là cách dạy của mình đúng còn người khác can thiệp đều sai cả.

“Con tôi tôi hiểu”, “Tôi đẻ tôi nuôi”. Đó là những lý lẽ quen thuộc mà mẹ tôi thường nói với mọi người.

Cho đến hôm nay thì một chuyện xảy ra khiến mẹ tôi sốc nặng. Sáng thấy trời khá lạnh, Sam lại có hiện tượng cảm cúm nên ông bà tôi bảo cho em nghỉ 1 buổi. Mẹ tôi như thường lệ vẫn mặc kệ, bảo cúm vặt không ảnh hưởng gì, sợ Sam nghỉ 1 hôm sẽ thua kém bạn học. Nay nghỉ làm nên tôi tranh phần đưa em tới lớp, mua cho Sam món cháo em thích và nhét vào cặp em thêm một chai trà gừng.

Nhìn em thất thểu bước đến trường mà tôi thương Sam quá. Tự nghĩ không biết đến bao giờ mẹ mới để Sam thoải mái tự do sống như một đứa trẻ thì đùng cái buổi trưa cô hàng xóm chạy sang.

- Ông Quang bà Quy chị Tú ơi! Con Sam nó ngất ở trường đi cấp cứu kìa!

Tôi vùng dậy lao ra cửa, thấy mẹ tôi vẫn đang lên mạng nghiên cứu mua sách mới về bắt Sam học khi nghỉ Tết. Bà nội run lẩy bẩy túm lấy cô hàng xóm hỏi đầu đuôi lý do, cô ấy lắc đầu thở gấp.

- Sam đang chạy thể dục thì chảy máu mũi. Lên phòng y tế nó kêu đau đầu dữ dội, uống thuốc xong lên lớp ăn cơm trưa thì nó ngã lăn ra ngất. Cô giáo bế đi cấp cứu rồi. Em đến trường đón thằng Bin mới biết. Sao gọi về nhà không ai nghe máy thế?

Tôi lục tung sofa lên tìm điện thoại của mẹ thì thấy sập nguồn từ bao giờ. Mẹ ngồi cứng đờ như tượng, tôi đành lấy áo khoác rồi chạy ra viện trước. Thấy em gái bé bỏng nằm im lìm, tay cắm dây truyền dịch mà tôi ứa nước mắt.

- Bác sĩ bảo Sam chịu quá nhiều áp lực nên con bé bị stress. Và hình như em tôi còn bị thiếu máu não hay tiền đình gì đó. Vài bệnh nhân trong phòng ngạc nhiên nói rằng Sam bé tí teo đã mắc bệnh người già.

Tôi gọi về báo tin em đã ổn cho gia đình yên tâm. Ông nội bảo bố tôi giận lắm, đang cãi nhau ầm ĩ với mẹ ở nhà. Bố không muốn cho mẹ vào viện đón Sam. Và bố cũng quyết định sẽ cho em nghỉ ngơi 1 tuần, hủy toàn bộ lịch học thêm học nếm. Dĩ nhiên mẹ tôi sẽ gồng lên phản đối. Nhưng giờ này thì cả nhà tôi đều không cho mẹ có quyền ép buộc nữa, Sam cần được ăn ngủ và vui chơi đúng với tuổi lên 10.