Mẹ phi công lái Su-22 vừa hy sinh: "Thằng bé chịu khổ từ nhỏ, ngoài đi học còn cầm phích bán nước"

Hoàng Hải, Theo Trí Thức Trẻ 09:20 28/07/2018
Chia sẻ

Mẹ Thượng tá Phạm Giang Nam đang ngóng chờ từng phút thi thể con trai được đưa về quê hương.

Mẹ phi công lái Su-22 vừa hy sinh: Thằng bé chịu khổ từ nhỏ, ngoài đi học còn cầm phích bán nước - Ảnh 1.

Bức ảnh chụp gia đình thời điểm Thượng tá Nam còn trẻ.

Rạng sáng 27/7, ông Phạm Văn Mỹ (trú tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình) - bố Thượng tá Phạm Giang Nam (SN 1972 - Chủ nhiệm bay Trung đoàn 921, hi sinh trong khi làm nhiệm vụ ngày 26/7 tại Nghệ An) cùng với một số người thân trong gia đình và đơn vị anh Nam đang công tác lên TP. Hà Nội để bàn bạc kế hoạch tang lễ cho con trai.

Đến đầu giờ chiều cùng ngày, ông Mỹ và một số người từ Hà Nội vào trong TP. Vinh, tỉnh Nghệ An để làm tang lễ cho Thượng tá Nam tại đây, dự kiến sẽ diễn ra vào sáng mai (28/7).

Cùng thời điểm này, ô tô của lực lượng quân đội cũng về thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình) để đón người thân gia đình anh Nam và gia đình bên vợ vào Nghệ An.

Theo thông tin từ gia đình, có thể vào khoảng 6h ngày 28/7 sẽ bắt đầu làm lễ khâm liệm tại Nghệ An, đến 7h cùng ngày sẽ làm lễ truy điệu, 8h30 sẽ đưa thi thể Thượng tá Nam và đồng đội về Hà Nội để hoả táng rồi đưa về quê nội (ở thị trấn Diêm Điền, tỉnh Thái Bình) để tổ chức tang lễ.

Sau gần một ngày được nhiều người thân trong gia đình, hàng xóm động viên, bà Bích (Mẹ Thượng tá Nam) đã dần ổn định hơn về tinh thần.

Mẹ phi công lái Su-22 vừa hy sinh: Thằng bé chịu khổ từ nhỏ, ngoài đi học còn cầm phích bán nước - Ảnh 2.

Vợ chồng ông Mỹ cùng con rể là anh Chiến.

Tuy nhiên, sức khoẻ của bà Bích rất yếu, đi lại đều có người thân bên cạnh trông coi.

Thời điểm nhận tin con trai hi sinh trong quá trình làm nhiệm vụ vào tối 26/7, bà Bích như ngã quỵ, nhiều lúc không nhận ra người thân trong gia đình đã khiến mọi người rất lo lắng.

Bà Bích hôm nay (27/7) đã tỉnh táo hơn rất nhiều và muốn đi cùng gia đình vào Nghệ An nhưng do sức khoẻ còn rất yếu nên mọi người không dám cho đi cùng. Từ sớm nay, bà Bích luôn mong ngóng thi thể con trai được đưa về gia đình.

Bà kể rằng, ngày chào đời, anh Nam đã phải chịu khổ, thiệt thòi khi gia đình đang phải đi tản cư vì giặc càn quét địa phương.

Lúc sinh anh Nam, ông Mỹ (chồng bà Bích - PV) đang trong chiến trường miền nam.

Sinh anh Nam được một thời gian ngắn, bà Bích nhận một người bố nuôi ở xã Thuỵ Bình, (huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình) rồi hai mẹ con ở tạm ngôi chùa của xã Thuỵ Bình.

"Từ nhỏ thằng bé đã phải chịu khổ khi suốt ngày phải đi chạy loạn hết nơi này đến nơi khác với tôi...", bà Bích khóc nghẹn nói.

Bà chia sẻ, khi lớn lên, ngoài việc đi học, anh Nam còn cầm bát, phích nước đi bán nước cho các bệnh nhân ở Bệnh viện Thái Thuỵ.

Năm lên 16 tuổi (đang học lớp 10), anh Nam được tuyển vào học phi công lái máy bay.

Biết công việc tương lai của con nhiều khó khăn, nguy hiểm, vất vả nhưng vì đam mê và quyết tâm của anh Nam, hai vợ chồng bà Bích luôn ủng hộ con trai.

"Mới hôm trước, nó gọi điện về cho tôi bảo lần này được nghỉ phép mấy ngày, con sẽ đưa vợ con về chơi với bố mẹ.

Mấy hôm nay, tôi cứ ngóng gia đình nó, vậy mà...!", bà Bích khóc nghẹn nói không lên lời.

Ông Phạm Văn Mỹ tâm sự, con trai rất yêu thương bố mẹ và lo cho mọi người trong gia đình.

"Mỗi lần gọi điện, nó (Thượng tá Nam - PV) lại nhắc, bố mẹ có cần gì không để con mua gửi về.

Vợ chồng tôi đều có lương hưu cũng không cần đồ đạc gì giá trị trong nhà nên chỉ trả lời con trai: "Vợ chồng tôi già rồi, chỉ cần anh chị hay về nhà là được"..., ông Mỹ nói.

Mẹ phi công lái Su-22 vừa hy sinh: Thằng bé chịu khổ từ nhỏ, ngoài đi học còn cầm phích bán nước - Ảnh 3.

Ông Phạm Văn Phước

Ngồi thất thần chờ đoàn xe của quân đội đến đón gia đình vào Nghệ An, ông Phạm Văn Phước (anh họ Thượng tá Nam) buồn rầu nói: Vào chiều ngày hôm qua (26/7), khi ông và gia đình nhận được thông tin anh Nam gặp tai nạn trong quá trình làm nhiệm vụ, mọi người vô cùng lo lắng.

"Lúc nhận tin, tôi chỉ hi vọng Nam sẽ bật dù nhảy ra ngoài được và an toàn nhưng điều đó đã không xảy ra...", ông Phước buồn rầu chia sẻ.

Ông Phước kể, Thượng tá Nam mỗi lần về quê mà được nghỉ phép nhiều ngày đều đi thăm anh em, họ hàng.

Mặc dù là phi công lái máy bay nhưng anh Nam sống rất giản dị, điềm đạm và chan hoà với mọi người.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày