"Mẹ chồng": Dù ở thời nào thì người phụ nữ vẫn yêu cùng một cách

Bảo Anh, Theo Trí Thức Trẻ 18:00 08/12/2017

Xem “Mẹ chồng”, người ta dễ thấy những rắc rối giữa mẹ chồng và nàng dâu. Thế nhưng có một điều cốt lõi để có thể tạo dựng được mối quan hệ ấy, chính là cách mà người phụ nữ yêu.

Trong xã hội hiện đại, không còn nhiều những cảnh mẹ chồng o ép, nạt nộ con dâu như những gì các bộ phim diễn tả. Thế mới thấy may mắn, vì mình là một đứa con gái sinh ra trong giai đoạn này. Bởi lẽ, nếu là hẳn trong câu chuyện phong kiến, người con dâu có đúng cũng phải ngậm miệng nghe mẹ mắng. Nhịn đắng nuốt cay nhìn mẹ chồng tự tay cưới thêm vợ mới cho người đàn ông của cuộc đời mình như là Ba Trân (Thanh Hằng) hay cả Tư Thì (Lan Khuê). Rồi lại phải tiếp tục sống sao cho hòa thuận với người vợ lẽ kia để mẹ không phật lòng.

Mẹ chồng: Dù ở thời nào thì người phụ nữ vẫn yêu cùng một cách - Ảnh 1.

Ba Trân trong ngày cưới của chồng mình và vợ lẽ

Nhưng Ba Trân, nhờ có những mưu mô, tính toán mà có cuộc sống có phần "dễ thở" hơn Tư Thì. Ba Trân chỉ chịu đựng bà Hai Lịnh một thời gian ngắn, rồi sau đó bà Hai Lịnh ngồi một chỗ như cái xác không hồn, nhìn Ba Trân tự tung tự tác. Còn Tư Thì, cô nắm rõ những bí mật của mẹ chồng, biết rõ bà là người không chính chuyên, làm nhiều chuyện ác độc nhưng không thể nào không phục tùng. Bởi trong cái xã hội đầy rẫy những quy tắc ấy, nghe thì sống còn chống thì chết. Tư Thì không những phải sống đúng với phận làm dâu, mà còn phải tìm cách để giữ miệng của những người xung quanh như là bé gia nhân hay Tuyết Mai (Midu).

Mẹ chồng: Dù ở thời nào thì người phụ nữ vẫn yêu cùng một cách - Ảnh 2.

Tư Thì cùng chuỗi ngày làm gia nhân dưới mác con dâu

Thử hỏi, nếu là những đứa con gái đang sống trong thời đại này, những đứa con gái hiểu rõ về nhân quyền, về sự bình đẳng, thì liệu có cam chịu cuộc sống ấy hay không? Liệu có dám một mình đứng lên kêu gọi lật đổ những bất công hay sẽ đợi khi mọi thứ tự sụp đổ trước? Tư Thì rồi cũng mạnh mẽ, đủ dũng cảm để lãnh đạo toàn dân làng cướp lại những gì đáng lẽ thuộc về mình, nhưng tình yêu thì đã không còn hiện diện trong cuộc sống của cô nữa.

Và Tuyết Mai (Midu), chính là một phần nào đó hiện thân của những đứa con gái bây giờ. Một cô nàng còn rất trẻ, được tiếp xúc với những văn hóa tân thời, khá đỏng đảnh và cá tính mạnh.

Mẹ chồng: Dù ở thời nào thì người phụ nữ vẫn yêu cùng một cách - Ảnh 3.

Chính bởi còn trẻ, nên cô ý thức được việc phải tự biết bảo vệ bản thân, bảo vệ cuộc sống và bảo vệ tương lai của mình. Chính bởi được tiếp xúc với những văn hóa tân thời mà cô thấy cuộc sống phong kiến cổ hủ kia thật bí bách. Và cũng chính bởi sự đỏng đảnh và nét cá tính mạnh, cô đã dám lên tiếng, khơi tất cả mọi chuyện ra ánh sáng chứ không đành lòng ngồi nhìn mọi chuyện cứ tiếp tục trá hình dưới lớp mặt nạ tử tế và chính chuyên mà cả Huỳnh gia đang nâng niu.

Thế nhưng, dù là thời phong kiến, hay lúc cả xã hội đang trở mình giữa nhiều dòng văn hóa, thậm chí bây giờ khi đã thực sự trở nên hiện đại hơn, thì tình yêu không bao giờ chỉ đơn thuần là tình yêu. Trong tình yêu ấy, còn luôn chứa đựng tình thương và sự đồng cảm, mà dễ cảm nhận nhất ấy chính là giữa những người cùng cấp bậc.

Người ta đều có thể khẳng định, Ba Trân là người xấu, là người ích kỉ, vì yêu bản thân và yêu con trai nên đã làm tất cả những gì bỉ ổi nhất để hai mẹ con có cuộc sống tốt đẹp. Mặc dù rất thấu hiểu nỗi buồn trước việc mẹ chồng lấy vợ mới cho chồng mình, nhưng Ba Trân vẫn đối xử như vậy với Tư Thì. Ban đầu, tưởng như Ba Trân đã cạn tình với Tư Thì rồi. Nhưng không!

Mẹ chồng: Dù ở thời nào thì người phụ nữ vẫn yêu cùng một cách - Ảnh 4.

Nếu để ý thì cách đối xử của Ba Trân thực sự rất quan tâm tới cảm nhận của con dâu, và cũng vì bất đắc dĩ, không muốn con trai mắc tội bất hiếu nên mới làm vậy. Bà Hai Lịnh coi Ba Trân như con rắn độc, tống Ba Trân ra dãy nhà ngang, không thèm nói chuyện, không thèm nhìn mặt, và thậm chí sỉ vả Ba Trân không hết lời vì không thể có con. Tư Thì cũng không thể sinh nở, nhưng may mắn không bị mẹ chồng đối xử như vậy.

Hiểu cảm giác của con dâu, nên trong ngày cưới của con trai, Ba Trân nói với con hãy thông cảm cho bà, bản thân bà cũng không hề muốn làm vậy. Dẫu cho trong cuộc sống thường nhật, Tư Thì bị mẹ chồng cư xử như gia nhân, nhưng chỉ với đoạn nói chuyện ngắn ngủi ấy, thì trái tim đang thổn thức vì cô đơn cũng phần nào được vỗ về.

Thời nay ấy mà, mấy cô con gái mà thấy mẹ chồng có động thái hỏi người con gái khác cho chồng mình, chưa cần cưới, có khi đã nhảy dựng lên cả rồi. Cũng có lẽ vì thời nay, những cô con dâu muốn công bằng nhiều quá, muốn quyền lợi nhiều quá, nên mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu càng thêm căng thẳng, chứ giờ thì mẹ chồng cũng đều văn minh và biết thấu hiểu cả rồi. Ai chẳng từng một thời làm con dâu rồi mới có thể là mẹ chồng !

Một tình cảm rất đẹp nữa, được nảy nở giữa những người hoàn toàn xa lạ, những người lần đầu gặp nhau, ấy là tình thương giữa hai người vợ lẽ của gia tộc họ Huỳnh.

Mẹ chồng: Dù ở thời nào thì người phụ nữ vẫn yêu cùng một cách - Ảnh 5.

Cuộc hội thoại được diễn ra tại gian phòng nhỏ, giữa Tuyết Mai và Bảy Loan. Đó là những lời căn dặn để có thể có một cuộc sống yên ổn tại gia đình này. Nó xuất phát hoàn toàn từ tâm ý của người đi trước và đã chịu đựng nhiều đắng cay. Thế nhưng căn bản, hai người này vốn không có điểm gì chung ngoài việc cùng ở vai vợ lẽ. Cho nên khán giả có hiểu được sự đồng cảm, nhưng lại không thấy có tác dụng của cuộc hội thoại.

Bởi Tuyết Mai tân thời, không cam chịu, lại hiếu thắng làm sao có thể ngậm bồ hòn làm ngọt khi bị chèn ép? Tình thương trao đi, được chấp nhận, còn bài học thì không. Nó chỉ khiến cho Tuyết Mai càng thêm bức bối với gia đình mới, tự dựng lên một bức tường và thách thức Ba Trân phá bỏ nó, không khí lại càng thêm căng thẳng.

Trailer Mẹ chồng

Soi vào thực tại, điều này vẫn hoàn toàn đúng. Thế nhưng người dặn dò ở đây, lại là chồng, là những bà cô bà dì trong họ hàng. Người con dâu chân ướt chân ráo rời bỏ gia đình, đến với một tổ ấm mới. Nhưng thay vì tất cả cùng thay đổi để hòa hợp, mọi người lại bắt chỉ cô gái bé nhỏ kia phải vặn mình cho vừa với lối sống của họ.

Có thể nói, thời nào chuyện tình yêu cũng đẹp, nhưng để nó được đẹp một cách hoàn hảo, thì tất cả những nhân tố có mặt trong câu chuyện đó cần phải biết đặt mình vào vị trí người khác, để dễ thấu hiểu, dễ thông cảm và dễ thở hơn trong cuộc sống vốn đã quá nghiệt ngã.