Khoảng 11h32 buổi tối đầu tháng 3 năm 2015, Adam Hoover - một nhà hoạt động 22 tuổi đến từ thành phố Cincinnati, ban Ohio (Mỹ) - đã đỗ chiếc Ford Escort bên lề đường cao tốc, tự nhốt mình trong cốp xe và cập nhật dòng trạng thái Facebook đầy gay cấn: "Xin hãy giúp tôi. Họ nói rằng họ sẽ giết gia đình tôi".
"Họ" ở đây hóa ra là những kẻ bắt cóc "hư cấu" mà Hoover đã tự nghĩ ra. Và bản thân Hoover sau đó bị buộc tội "báo động sai" - một tội nhẹ thôi. Thế nhưng điều khiến người ta băn khoăn là tại sao mọi người lại cố tình tạo ra những pha nguy hiểm khó hiểu để gây chú ý như thế?
Chỉ vài giờ trước khi tên của Hoover lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, một blogger tên Lacey Spears đã bị kết tội đầu độc con trai mình. Có lẽ nào cô ta muốn thu hút sự chú ý của mọi người rồi lên mạng "bốc phét" viết về "căn bệnh giả" của đứa trẻ. Còn trước đó nữa là trường hợp của Dave on Wheels - người bị cụt tứ chi, người đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người (bao gồm cả Kim Kardashian) trước khi bị vạch mặt một con người… mưu mô.
Blogger Lacey Spears tại phiên tòa xét xử ngày 2 tháng 3 năm 2015 vì đầu độc con trai 5 tuổi của cô. Mục đích của cô là để có đề tài viết blog và thu hút sự chú ý
Thế mới thấy, Internet hóa ra lại là một "thiên đường" cho những người thích giả vờ bệnh tật và cố tình tạo ra các thảm kịch chỉ để gây sự chú ý.
Thực tế thì hiện tượng "giả bệnh" không phải là điều mới mẻ, lạ lẫm. Ngay từ thời La Mã cổ đại, các thầy thuốc đã nhiều phen nhăn mặt vì bệnh nhân nói dối. Vào thế kỷ 19, các nhà tâm lý học bắt đầu nói về một thứ bệnh tâm lý mà họ gọi là “rối loạn phân biệt” (Hội chứng Munchausen), một loại bệnh tâm thần trong đó bệnh nhân giả bị bệnh (hoặc nói dối rằng con cái/ người thân bị bệnh) mà không nhận được bất kỳ lợi ích rõ ràng nào, như tiền bạc hoặc nghỉ ốm. Nhiều người phụ nữ thì tự tuyên bố là mình đang mang thai hoặc từng sảy thai nhiều lần. Thậm chí, có người đang rất khỏe mạnh, tự cạo trọc đầu rồi lại than vãn về việc mình đau đớn khổ sở như thế nào khi phải hóa trị chữa ung thư.
Đến năm 1980, Hiệp hội Tâm thần Mỹ đã công nhận rối loạn phân biệt là một căn bệnh chính thức - một tình trạng mãn tính, thậm chí khó có thể chữa khỏi và ảnh hưởng đến 1% tổng số người nhập viện.
Vào cuối những năm 90, các nhà nghiên cứu bắt đầu nhận thấy điều gì đó khác biệt về căn bệnh "rối loạn phân biệt" diễn ra trên Internet.
Năm 1998, bác sĩ tâm thần Marc Feldman đưa ra quan điểm rằng danh tính trên Internet có thể điều chỉnh được, điều này càng giúp người ta dễ dàng giả bệnh mà không bị nghi ngờ. Và bởi vì có rất nhiều hội nhóm trên mạng được lập ra để thảo luận về sức khỏe nên những kẻ giả mạo như vậy dễ dàng tìm thấy "con mồi". Nói cách khác, Internet càng khiến tình trạng "rối loạn phân biệt" trở nên trầm trọng hơn - khó phát hiện và cũng khó điều trị hơn nhiều.
Feldman đã đặt cho hiện tượng một cái tên mới: “Munchausen của Internet”. Cần phải định nghĩa rõ Hội chứng Munchausen là một chứng bệnh về tâm thần. Người bệnh giả vờ ốm đau để được chăm sóc y tế. Họ thường làm cho mình mắc những triệu chứng kinh khủng bằng cách tự gây thương tích cho bản thân hoặc tự tiêm chất độc vào cơ thể để liên tục đến bệnh viện chữa trị. Điều họ muốn chủ yếu là tìm kiếm sự chú ý và chăm sóc.
Và trong gần 2 thập kỷ kể từ khi xác định được nó, Feldman cho biết chứng rối loạn này đang ngày càng gia tăng.
Vụ bà mẹ tên Dee Dee hành hạ con gái và bắt con phải giả bệnh để tìm kiếm sự thương hại của người đời từng gây chấn động nước Mỹ. Sau cùng, người phụ nữ này đã bị chính con gái thuê người yêu giết mẹ để trả thù cho những tháng ngày sống như địa ngục
Năm 2001, cộng đồng mạng vô cùng đau lòng trước sự ra đi đột ngột của cô gái trẻ xinh đẹp Kaycee Nicole Swenson (19 tuổi) vì căn bệnh ung thư. Trước đó, trong 2 năm liền, Kaycee đã trở thành nguồn truyền cảm hứng cho hàng trăm ngàn người thông qua những bài viết trên trang blog cá nhân kể về hành trình cô chiến đấu với căn bệnh ung thư máu. Trong gần một năm, đã có hàng nghìn lượt truy cập vào trang web của Kaycee để theo dõi hành trình chiến đấu giành giật sự sống của cô.
Nhiều người cảm thấy như thể họ biết cô, và một số người còn thường xuyên nói chuyện với cô qua điện thoại. Một số người đã gửi quà cho Kaycee, coi cô như nguồn truyền cảm hứng. Vào ngày 15 tháng 5 năm 2001, khi những người theo dõi Kaycee vào weblog của cô đã vô cùng sốc khi thấy một bức ảnh bông hồng nhỏ kèm theo thông báo về cái chết của cô: ''Cảm ơn vì tình yêu, niềm vui, tiếng cười và cả những giọt nước mắt. Chúng tôi sẽ yêu bạn luôn luôn và mãi mãi".
Người phụ nữ này đã "lấy nước mắt cả thế giới" khi kể câu chuyện buồn của cô gái trẻ tên Kaycee Nicole Swenson nhưng tất cả chỉ là hư cấu
Hàng trăm người, không ai trong số họ từng gặp Kaycee, đã đau lòng trước tin cô qua đời. Saundra Mitchell, một nhà biên kịch ở Indianapolis, cho biết: “Rất nhiều người đã tìm đến cô gái xinh đẹp". Nhưng bà Mitchell là một trong những người đầu tiên nghi ngờ về cô gái này. Vài ngày sau khi thông báo về cái chết, Debbie Swenson, một bà nội trợ 40 tuổi, thú nhận chính bà đã tạo ra "sự sống và cái chết" của cô gái trẻ không có thật Kaycee. Bà Swenson, có 2 đứa con tuổi vị thành niên và cuộc sống êm đềm ở thị trấn Peabody.
Hoặc trường hợp của một phụ nữ 22 tuổi ở bang Ohio. Trong suốt 11 năm, người phụ nữ này đã duy trì một loạt các tài khoản giả kể về cuộc sống một gia đình "ảo" đang phải vật lộn với căn bệnh ung thư của một đứa con và sau đó là vụ tai nạn xe hơi khủng khiếp xảy ra với người mẹ.
Không có gì ngạc nhiên khi nghiên cứu của Feldman cho biết nhiều người rơi vào tình trạng đó là do lòng tự ái và lòng tự trọng thấp. Họ muốn được chú ý. Họ muốn được bạn bè, người lạ quan tâm, thậm chí họ có thể làm bất cứ điều gì để gia tăng sự chú ý.
Hiện nay, nhiều cư dân mạng đang vô tình bị cuốn hút vào những câu chuyện bi thảm, đặc biệt là trong thời đại mạng xã hội bùng nổ với những dòng #hashtag và những kẻ lừa đảo biết cách "đánh trúng" vào tâm lý cộng đồng: Ai cũng quan tâm đến nạn hiếp dâm, nạn phân biệt chủng tộc và những cuộc đâm chém ghê rợn.
Ảnh minh họa.
Các nền tảng, chẳng hạn như YouTube, từ lâu đã phải vật lộn để giữ cho cảnh bạo lực và các hành động tàn bạo không lan truyền trên nền tảng của họ. Những người dùng Tumblr (một nền tảng kiểu blog và mạng xã hội được thành lập bởi David Karp và thuộc sở hữu của Yahoo! Inc.) gần đây đã chứng kiến ba bức thư tuyệt mệnh được lan truyền mạnh mẽ.
Cây bút công nghệ Mat Honan đã viết gần đây: "Cứ hình ảnh đầy máu me là gây sự chú ý, tò mò và khiến người ta không thể cưỡng nổi mà nhấp chuột vào xem".
Tất nhiên, tất cả những điều trên không có nghĩa là Internet phải "đổ lỗi" cho Hội chứng Munchausen. Hội chứng Munchausen là một căn bệnh y học thực tế, và phần lớn các tài liệu khoa học cho rằng những người mắc chứng bệnh này là "con mồi" của lòng tốt và sự cảm thông của mọi người. Nhưng chúng ta có lẽ nên nhận ra, như Feldman đã làm trong những năm 90, rằng thường có rất nhiều tác động qua lại giữa văn hóa Internet và hội chứng này.
Feldman viết vào năm 1998: "Các hội nhóm trên mạng vô tình "cung cấp" một diễn đàn rẻ tiền, thuận tiện và dễ tiếp cận cho những người muốn gây chú ý".
Quả thực, nếu không có ai quan tâm thì những câu chuyện hư cấu, bệnh hoạn này cũng không nảy sinh ra nhiều. Bởi đơn giản, không có cầu thì làm gì có cung...
Nguồn: WP