Mất tiền tỷ vì sập bẫy “lừa đảo tâm linh”, làm sao để tránh?

Nguyễn Hiền/VOV.VN, Theo vov.vn 11:36 13/02/2025
Chia sẻ

Lợi dụng lòng tin của một bộ phận người dân, thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện không ít những chiêu thức lừa đảo thông qua tên gọi “dịch vụ tâm linh”.

Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, những năm gần đây, hàng loạt hội nhóm, fanpage, livestream xem bói trực tuyến cũng nở rộ, thu hút hàng trăm nghìn lượt người theo dõi.

Nhiều đối tượng tự xưng là cô đồng, thầy bói cao tay, tuyên bố là có thể luận giải vận hạn, se duyên, cắt tiền duyên hay hóa giải nghiệp chướng, dẫn dắt người dùng tin vào những điều vô căn cứ.

Trước thực tế này, thời gian qua, mặc dù lực lượng công an đã tích cực, quyết liệt triển khai các biện pháp nghiệp vụ, bắt giữ một số đối tượng, kết hợp với đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhưng vẫn có nhiều nạn nhân bị “sập bẫy” lừa của các đối tượng.

“Không nhìn mặt trực tiếp nhưng vẫn phán được tướng số”

Câu chuyện của chị Đ.T.T.O ở thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh là một ví dụ điển hình. Theo chia sẻ của chị, khoảng tháng 4/2024, qua quan sát trên mạng xã hội, chị trò chuyện với địa chỉ facebook với nick name “Triệu Phương Mai” ở Thanh Hóa và có nhờ người này xem bói giúp.

Lợi dụng tâm lí nhẹ dạ, cả tin của chị O., Mai đã bịa ra các câu chuyện tâm linh không có thật nhằm thao túng tâm lý khiến chị O. lo sợ, phải làm các thủ tục giải hạn.

Mất tiền tỷ vì sập bẫy “lừa đảo tâm linh”, làm sao để tránh?- Ảnh 1.

Đối tượng Triệu Thị Mai tại cơ quan công an.

Theo lời kể của chị O., khi làm lễ, để lấy tiền của chị, Triệu Thị Mai đã đưa ra nhiều thông tin và lý do khác nhau, như: "trong khi làm lễ thấy có vong nhi theo nên cần tiếp tục làm lễ để vong đi”; quá trình làm lễ do chị ăn thịt chưng mắm tép nên lễ không thành, hoặc đưa ra một số hình ảnh về các vụ tai nạn giao thông rồi nói chị O. có điềm xấu, đi lại phải cẩn thận khiến nạn nhân hoang mang lo lắng và tiếp tục chuyển tiền để làm lễ giải hạn.

Với thủ đoạn trên, từ tháng 7/2024 đến khi bị bắt, Triệu Thị Mai đã dụ dỗ, buộc chị O. chuyển số tiền hơn 1 tỷ đồng để cúng giải hạn, giải bùa, giải vong.

Sau nhiều lần đòi tiền không được, biết mình bị lừa, chị O. đã làm đơn tố giác gửi đến công an TP. Thanh Hóa. Đến ngày 6/2/2025, đơn vị đã bắt giữ Triệu Thị Mai (SN 1988, trú tại phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

Mai được xác định là đối tượng đã lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của khách hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người với thủ đoạn coi bói, trục vong, giải hạn online.

Việc bói toán, nếu như trước đây phải gặp mặt, dâng lễ, nhưng hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng online, "thầy bói" và người xem bói không hề gặp nhau, chỉ trao đổi thông qua tin nhắn hoặc điện thoại. Sau khi trao đổi các thông tin cần thiết, "thầy bói" sẽ cung cấp các gói dịch vụ xem bói kèm theo báo giá cụ thể để người xem chuyển tiền. Chính việc giao dịch quá dễ dàng nên đã có không ít người tự “rơi” vào bẫy tâm lý do các "thầy bói” giăng ra và mất tiền sau khi bấm nút chuyển khoản.

Thời gian qua, lực lượng công an ở một số tỉnh thành cũng đã triệt phá, khởi tố nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua chiêu trò mê tín, xem bói, hóa giải vận hạn... Số nạn nhân lên đến hàng nghìn người với số tiền bị lừa hàng tỷ đồng.

Người dân không nên quá sa đà vào yếu tố tâm linh

Qua quan sát các vụ việc, Trung tá Đỗ Thị Phương Thanh, Học viện Cảnh sát nhân dân phân tích, xu hướng tìm hiểu các vấn đề liên quan đến tâm linh với nhu cầu cúng bái, dâng sao giải hạn, hoặc mua những vật phẩm phong thủy mang lại bình yên, may mắn,… thời gian gần đây, đặc biệt là sau Tết Nguyên đán được người dân quan tâm rất nhiều.

Mất tiền tỷ vì sập bẫy “lừa đảo tâm linh”, làm sao để tránh?- Ảnh 2.

Trung tá Đỗ Thị Phương Thanh, Học viện Cảnh sát nhân dân

Tuy nhiên, lợi dụng lòng tin này, một số đối tượng thực hiện các hành vi sai phạm, trái quy định của pháp luật. Đặc biệt, là các vấn đề liên quan đến lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trong đó, nổi lên nhiều nhất là bán vật phẩm, bùa chú liên quan đến các yếu tố tâm linh và có thể tạo ra sự liên kết rộng rãi trong quần chúng nhân dân khi người dân sử dụng mạng xã hội ngày càng nhiều.

“Qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng, các đối tượng có rất nhiều phương thức, thủ đoạn có thể tiếp cận những người có nhu cầu liên quan đến việc mua bán vật phẩm. Thứ nhất, bằng hình thức liên quan đến các trang mạng xã hội, như trang cá nhân. Thứ hai, liên quan đến các hội nhóm mang tính chất riêng tư hoặc công khai có nhiều yếu tố để các đối tượng tiếp cận. Ví như, liên quan mệnh, ngày sinh, các yếu tố mang lại may mắn… từ đó họ sẽ nghe theo những rao giảng của các đối tượng trên mạng xã hội mà không có sự kiểm chứng rõ ràng” – Trung tá Thanh phân tích.

Vụ việc điển hình tại TP. Thái Nguyên, Trung tá Thanh cho rằng, thiệt hại đối với hành vi phạm tội của các đối tượng là rất nghiêm trọng và số lượng người cổ súy, có thể đi theo hoạt động này rất đông đảo. Từ vụ việc này, Trung tá Thanh đưa ra cảnh báo với người dân, không nên mang những yếu tố liên quan đến tâm linh, đặc biệt là những người có yếu tố về tâm lý, khi nghe theo những đối tượng này và ngay lập tức tin theo. Sau đó, bị các đối tượng chi phối về mặt tâm lý và làm theo tất cả các yêu cầu của các đối tượng.

Theo Trung tá Thanh, nhu cầu tìm kiếm may mắn trong những ngày xuất hành đầu năm là phong tục tập quán đáng khích lệ của người Việt. Tuy nhiên, có một bộ phận người dân có suy nghĩ và tâm lý đi theo một chiều hướng khác, liên quan đến tín ngưỡng, liên quan đến tâm linh, niềm tin…

"Chúng ta không nên quá sa đà vào yếu tố này. Đối với những người đóng vai trò quan trọng trong gia đình cũng nên có cách thức, phương pháp tiếp cận, giúp các thành viên trong gia đình có thể nhìn nhận lại và hướng đến một phong tục đẹp của người Việt", Trung tá Đỗ Thị Phương Thanh nói.

Trước thực trạng này, công an nhiều tỉnh thành phố trên cả nước cũng đưa ra khuyến cáo người dân cần nâng cao nhận thức, phân biệt rõ tín ngưỡng chân chính với mê tín dị đoan, không nên quá mù quáng tin vào hình thức bói toán, giải hạn, trục vong.

Bởi, các đối tượng thường lợi dụng những vấn đề tâm linh chưa thể lý giải được rồi đưa ra những lời “phán” chung chung dễ gây hoang mang như: “Bạn đang có hạn lớn”, “Duyên âm theo quấy phá”; “Sắp có công việc trắc trở”, “Gia đình đang cói vong theo”, “Năm nay là năm hạn cần làm lễ giải hạn kẻo gặp đại hạn”… từ đó đưa ra những lời đường mật để dụ dỗ nạn nhân bỏ tiền ra để làm lễ giải hạn.

Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cũng khuyến cáo người dân, cần nâng cao cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn lừa đảo này; đồng thời lưu ý tuyệt đối không chuyển tiền và cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, tránh mắc bẫy lừa đảo của các đối tượng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày