Bên cạnh những niềm vui, thì câu chuyện về những nỗi buồn và… bất hạnh dịp Tết cũng được chia sẻ nhiều sự quan tâm của netizen. Một câu chuyện ở Thâm Quyến, Trung Quốc đăng tải cách đây 1 năm - vào năm 2024 trên Weibo lại viral trở lại trong những ngày cận Tết Nguyên Đán 2025.
Một người phụ nữ cho hay cô như đã “đi đến bước đường cùng” và muốn chia sẻ câu chuyện của chính mình trong một hội nhóm trên mạng xã hội, đồng thời cũng mong muốn nhận được lời khuyên của mọi người.
"Tôi thấy đời mình bất hạnh, tận cùng của tuyệt vọng và thất bại khi phải viết ra những dòng này trên mạng xã hội. Tôi có một cuộc hôn nhân tính đến nay đã 15 năm, chúng tôi quen nhau từ thời học đại học, anh ấy là mối tình đầu của tôi. Sau 2 năm ra trường, chúng tôi kết hôn và có với nhau 3 đứa con chung, đứa đầu năm nay đã 14 tuổi, đứa nhỏ nhất năm nay 8 tuổi. Tính ra, cả quãng thời gian yêu, chúng tôi cũng đã gắn bó được 20 năm.
Ban đầu, sau khi ra trường, tôi làm giáo viên ở một trường mầm non, anh ấy làm chuyên viên bất động sản. 10 năm đầu khi lấy nhau, gia đình tôi phải nói là trên cả yên ấm, sự nghiệp của anh ấy cũng lên như diều gặp gió.
Từ nhân viên, anh ấy đã lên đến chức giám đốc, thu nhập cũng vì thế mà tăng lên gấp bội. Tôi cũng đã nghỉ đi dạy, chuyển hướng sang kinh doanh quần áo. Gia đình tôi tích cóp được một số tiền kha khá, đủ mua 1 căn nhà lớn ở Thượng Hải mà vẫn còn dư.
Song, lúc này chồng tôi bảo có một người bạn quen, rủ mở công ty. Người này cũng uy tín, cả hai có nhiều mối quan hệ trong thị trường nên chắc chắn sẽ phất lên. Tôi thì rất tin tưởng chồng vì mấy năm qua anh ấy làm ăn rất tốt, gia đình tôi cũng khá giả.
Tôi còn nhớ vào khoảng cuối năm 2018, đầu năm 2019, anh ấy cùng một người bạn nữa mở công ty. Gia đình tôi gần như trút toàn bộ số tiền tiết kiệm được vào công ty này, thậm chí thời gian đầu còn phải vay thêm tiền của bố mẹ tôi.
Khoảng 2 năm đầu, công ty làm ăn phát triển, chúng tôi cũng có đồng ra đồng vào. Tuy nhiên, từ năm cuối năm 2021, đầu năm 2022 do ảnh hưởng của Covid19, thêm vài vấn đề phát sinh nữa công ty bắt đầu đi vào gồng lỗ.
Chóng vánh lắm, được 1 năm thì phá sản. Lúc này, tôi mới vỡ lẽ ra chồng mình không chỉ mất đi công ty cùng người bạn kia mà còn đang gánh một khoản nợ khá lớn, lên đến vài triệu tệ, lãi mẹ đẻ lãi con. Hóa ra, người bạn làm chung chỉ góp một phần, 2 phần 3 trong công ty chồng tôi gánh cả, nên trước đó, anh ấy cũng đã vay một khoản tiền kha khá. Thời gian công ty đi vào thua lỗ nặng nề, anh ấy cũng phải đứng ra chi trả là chính.
Từ ngày vỡ nợ, vợ chồng tôi phải bán nhà, chuyển về nhà bố mẹ tôi sống. Song, số tiền quá lớn nên hàng tháng vợ chồng tôi vẫn phải chắt bóp chi tiêu, anh ấy từ một doanh nhân giờ cũng phải đi lao động chân tay, các con từ học trường quốc tế chuyển về trường làng,...
Từ ngày nợ nần, khoảng 2 năm trở lại đây, chồng tôi dần thay tính đổi nết. Anh ấy thường xuyên nhậu nhẹt, gắt gỏng, thậm chí còn đánh đập vợ con. Anh ấy cũng sa vào cờ bạc và những trò may rủi với hi vọng “1 lần thắng trả hết nợ”.
Và tất nhiên, nợ càng thêm nợ. Tôi đã quá mệt mỏi với cuộc hôn nhân này rồi. Có lần, anh ấy còn chửi luôn cả bố mẹ tôi, nói các con đi học chỉ tốn tiền,... Tôi gần như mất hết hy vọng vào người chồng, người cha này.
Mọi chuyện lên đến đỉnh điểm vào chính đêm giao thừa. Chồng tôi đã không về nhà suốt 4 hôm, gọi điện lúc nào cũng đang trong tình trạng say xỉn. Chưa bao giờ anh ấy như vậy, nhưng vì gọi điện vẫn nghe máy nên tôi không báo cảnh sát.
Nhiều lần nói các con đi tìm bố nhưng đều không thấy anh ấy ở đâu, tôi cũng bất lực. Vừa loay hoay với việc kinh doanh dịp Tết, vừa bận việc nhà nên tôi cũng không có nhiều thời gian bận tâm tìm kiếm nhưng cũng sốt ruột chứ, mình là vợ, là mẹ mà.
Đúng tối đêm giao thừa, khi tôi đang tất bật chuẩn bị mâm cỗ Tết thì thấy một bóng đen từ cổng đi vào nhưng kỳ lạ là chó không sủa. Tôi thậm chí còn phải gọi bố chạy ra xem ai, bật đèn lên và tiến lại gần thì hóa ra là chồng tôi. Trời ơi không nhận ra luôn đó, người anh ấy nồng nặc mùi rượu, tóc tai thì bết, áo quần rách tả tơi, chân thì bên đi giày, bên không đi, mặt mũi dính đầy đất cát,... không cong giống con người nữa.
Tôi biết bất hạnh của mình lại đến nữa rồi. Anh ấy còn không để cho mọi người đỡ vào nhà, khi tôi lên tiếng cằn nhằn, anh xô ngã tôi xuống đất, liên tục chửi rủa, nói rằng gia đình tôi và tôi khinh anh vì bất tài vô dụng.
Vào đến nhà, mâm cơm đang chuẩn bị để cúng giao thừa bị anh ném thẳng xuống đất, tiếp đến là đập luôn cả bát, bình nước trên bàn. Căn nhà trong phút chốc tan hoang. Mẹ tôi thì ngồi khóc, bố bất lực.
Tôi cản nhưng không được, cả ba đứa con cũng đứng nép bên tôi vì quá sợ hãi bố nó. Chồng tôi như biến thành một người khác, một con thú dữ quả không sai,...
Ảnh minh họa.
Sau 30 phút quậy phá, có lẽ là đã kiệt sức, anh ta nằm gục xuống nền. Lúc này, có một nhóm vào tận nhà tôi, gọi tên chồng tôi. Hóa ra anh ấy không chỉ say xỉn mà còn bỏ nhà đi, vay tiền để đánh bạc mà thua lỗ, giờ người ta đến nhà đòi gần 300 nghìn nhân dân tệ (hơn 1 tỷ đồng), suốt mấy tháng qua, lãi mẹ đẻ lãi con.
Nhận phiếu nợ có dấu lăn tay đỏ của chồng tôi mà tôi như muốn ngã quỵ. Đời tôi đi đến tận cùng của sự cay đắng.
Tiền vay vì vỡ nợ công ty cũ vẫn đang còn, giờ lại thêm số tiền này nữa. Tôi lấy ở đâu mà trả đây. Tôi ôm con gào khóc, tuyệt vọng đến cùng cực….
Tôi cũng đã sẵn sàng để ly hôn nhưng bây giờ cũng phải trả nợ chứ đâu thể xù nợ người ta được, mà trả thì lấy tiền ở đâu, chỉ còn nước tôi sang nhượng luôn cửa hàng, bán luôn nhà bố mẹ đang ở,... Thế mẹ con tôi ở đâu, gia đình tôi ra đường hay sao. Trời ơi, tôi như phát điên khi nghĩ đến hoàn cảnh của mình nhưng cũng phải cố gắng gồng gánh vì con.
Cái Tết buồn nhất đời tôi sau 40 năm cuộc đời,...".
Thời điểm đó, câu chuyện sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội đã nhanh chóng viral, có nhiều lời động viên, ủng hộ gửi đến người phụ nữ. Nhiều người cũng chia sẻ bản thân từng, thậm chí là đang trong hoàn cảnh tương tự.
Tết, giao thừa... với nhiều gia đình là thời khắc sum họp đầm ấm, nhưng đâu đó ngoài kia, vẫn có những nỗi bất hạnh cùng cực xảy ra vào thời điểm đáng ra phải vui vẻ, hạnh phúc ấy. Đối với một số người, càng đến Tết họ càng sợ, vì món nợ năm cũ chưa trả xong, vì chưa tìm ra hướng đi thoát cái khó trong năm mới, vì... thiếu tiền để tiếp tục trang trải.
Hình ảnh của gia đình trên có thể cũng sẽ làm ám ảnh in sâu trong ký ức của những đứa trẻ đã trải qua nó. Tết quá nhiều mâu thuẫn, cãi vã, người thân xô xát... Tất cả biến Tết thành nỗi bất hạnh. Khi gia đình không đồng nghĩa với bình yên thì Tết cũng sẽ không còn hạnh phúc.
Mong tất cả chúng ta không ai phải sống trong hoàn cảnh này!