Trong một tháng có lẽ là ngập tràn các tín hiệu tích cực với các ông lớn công nghệ, Facebook đã ghi tên mình vào lịch sử theo một cách không thể thất vọng hơn. Với tuyên bố từ chính Mark Zuckerberg và giám đốc tài chính rằng tốc độ tăng trưởng của Facebook sẽ chậm lại, cổ phiếu của Facebook bay hơi 124 tỷ USD trong vòng 2 tiếng của cuộc họp cổ đông.
Kết thúc ngày 25/7 tại Mỹ, Facebook đã lập kỷ lục khi để mất tới 150 tỷ USD – khoản tiền thừa đủ để mua 3 Xiaomi một lúc.
Hết rồi kỷ nguyên tăng trưởng thần kỳ của Facebook (biểu đồ: mức tăng trưởng người dùng qua từng quý).
Thị trường đang phản ứng với cú sốc này theo hai chiều hướng trái ngược. Chỉ trong một ngày, có tới 119 triệu cổ phiếu Facebook được đổi chủ - có những người vẫn tin vào tương lai của Facebook và cũng có những người đã thôi đặt cược vào Mark Zuckerberg.
Dù là lạc quan hay bi quan, rõ ràng là các nhà đầu tư của Facebook đang trải qua một bước chuyển giao lớn: quá trình bùng nổ của mạng xã hội số 1 hành tinh đã kết thúc. Doanh thu sẽ ngừng tăng trưởng, và chi phí sẽ gia tăng.
Nhưng điều đó cũng không có nghĩa rằng chúng ta phải lo lắng cho tương lai của Facebook.
Tại sao ư? Đầu tiên, cần phải chỉ ra rằng không một công ty nào có thể tăng trưởng nóng vĩnh viễn. Facebook đã liên tục tăng trưởng, và nếu tính tất cả các sản phẩm của công ty này, hiện Facebook Inc. đang có tới 2,5 tỷ người dùng hàng tháng. Nếu con số này "chỉ" là 2 tỷ, hay 1 tỷ người dùng, Facebook vẫn sẽ là mạng xã hội số 1 thế giới, đè bẹp tất cả các đối thủ như Snapchat hay Twitter.
Facebook thậm chí còn từng "bóp chết" mạng xã hội do chính Google tạo ra. Quý vừa rồi, lợi nhuận của Facebook vẫn đạt mức 5,1 tỷ USD, tăng tới 30% so với cùng kỳ 2018.
Trừ các mạng xã hội Trung Quốc (nơi tách biệt Internet với nước ngoài), Facebook chẳng có đối thủ nào ngấp nghé tới gần cả.
Tức là, Facebook không hề gặp khó khăn nào cả. Facebook vẫn đang "vô đối" theo đúng nghĩa đen: trừ các mạng xã hội Trung Quốc (quốc gia này cấm tất cả các công ty Internet nước ngoài), đối thủ gần nhất của Facebook là Twitter chỉ có 330 triệu người dùng. Sản phẩm duy nhất có thể cạnh tranh với Facebook là Instagram cũng đang nằm trong tay Facebook.
Việc trị giá thị trường "bay hơi" khi Facebook công bố sẽ ngừng tăng trưởng chỉ có 1 ý nghĩa duy nhất: thị trường kỳ vọng quá lố vào mạng xã hội số 1 hành tinh. Tăng trưởng đến 1 tỷ người dùng đã khó, các mạng xã hội của Facebook nay đã có tới 2,5 tỷ người dùng.
Dĩ nhiên, con đường của Facebook không hề bằng phẳng. Scandal Cambridge Analytica cũng như các cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ là một vài scandal gần đây, buộc Mark Zuckerberg phải tung ra biện pháp cải thiện.
Nhưng những scandal này đều là những thử thách mà Facebook sớm hay muộn cũng sẽ phải đối mặt. Một khi đã khắc phục vấn đề, Facebook sẽ giảm thiểu được các nguy cơ tương tự trong tương lai. Bóng ma quá khứ sẽ không trở lại để kéo tụt giá cổ phiếu thêm một lần nữa.
Ngừng tăng trưởng là cơ hội để Facebook giải quyết các vấn đề nhức nhối sớm muộn gì cũng gặp phải.
Ngừng tăng trưởng nóng cũng là một cơ hội để Facebook cải thiện khả năng sinh lời. Hiện tại, phần lớn lợi nhuận của hãng này đến từ các thị trường phát triển như Bắc Mỹ và Châu Âu nhưng tăng trưởng doanh thu thì lại đến từ các thị trường mới như Ấn Độ hoặc Đông Nam Á. Tại các thị trường có lợi nhuận tốt, Facebook thường chọn mũi nhọn là quảng cáo video – một loại hình không phù hợp với các thị trường mới nổi do giới hạn hạ tầng hoặc chi phí cao. Nghiên cứu các biện pháp gia tăng lợi nhuận và doanh thu phù hợp với từng địa điểm sẽ là điều bắt buộc phải làm, nhất là khi Facebook đã đạt đến "đỉnh" về số lượng người dùng.
Dù bất cứ điều gì xảy ra, Facebook vẫn khác các đối thủ trong mảng xã hội ở chỗ không bao giờ phải đối mặt với các vấn đề sinh tồn. Snapchat hay Twitter vẫn lỗ khủng hàng quý và có thể phá sản bất cứ lúc nào, nhưng Facebook thì vẫn có lời và vẫn gần như độc quyền thị trường social. Bởi thế, 150 tỷ USD chẳng có ý nghĩa gì cả: dù có thế nào, Facebook cũng sẽ vươn lên mà thôi.