Mark Zuckerberg vừa sa thải 3.600 nhân viên vì ‘không cảm thấy tiếc khi mất đi’, giới công nghệ lo sợ đây là khởi đầu của làn sóng mất việc hàng loạt mới

Phương Linh, Theo Nhịp sống thị trường 18:42 16/01/2025
Chia sẻ

Lý giải cho quyết định sa thải hàng nghìn nhân viên mới đây, Mark Zuckerberg cho biết Meta đang bước vào một "năm đầy căng thẳng".

Như tin đã đưa, Meta – công ty sử hữu loạt ứng dụng gồm cả Facebook, Instagram vừa thông báo kế hoạch cắt giảm 5% lực lượng lao động, tập trung vào những nhân viên có hiệu suất thấp nhất. Dựa trên báo cáo tài chính gần nhất của Meta, số lượng cắt giảm này sẽ tương đương khoảng 3.600 vị trí.

Trong một bản ghi nhớ gửi nhân viên, CEO Mark Zuckerberg cho biết công ty đang bước vào một "năm đầy căng thẳng" và quyết định này được đưa ra nhằm "loại bỏ những nhân viên hiệu suất thấp nhanh hơn".

Mark Zuckerberg vừa sa thải 3.600 nhân viên vì ‘không cảm thấy tiếc khi mất đi’, giới công nghệ lo sợ đây là khởi đầu của làn sóng mất việc hàng loạt mới- Ảnh 1.

Vậy Meta dự định thực hiện kế hoạch này như thế nào?

Theo báo cáo mà tờ BI ghi nhận được, một bản ghi nhớ nội bộ từ bộ phận nhân sự đã giải thích chi tiết về cách thức cắt giảm nhân sự sẽ diễn ra.

Trọng tâm là đạt được tỷ lệ "tổn thất không đáng tiếc" (non-regrettable attrition) ở mức 5% trong năm nay. Nói một cách dễ hiểu, đây là tỷ lệ nhân viên mà Meta “không cảm thấy tiếc nuối khi mất đi”.

Để đạt được mục tiêu này, các quản lý tại Meta sẽ phải xác định từ 12-15% nhân viên có đánh giá hiệu suất ở mức "Đạt hầu hết kỳ vọng" (Met Most Expectations) hoặc thấp hơn. Những nhân viên được đánh giá "Đạt một phần kỳ vọng" (Met Some) hoặc "Không đạt kỳ vọng" (Did Not Meet) chắc chắn sẽ bị sa thải, trong khi những người đạt mức "Đạt hầu hết kỳ vọng" sẽ được đánh giá thêm bởi giám đốc và phó chủ tịch trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Thời gian thực hiện cũng rất gấp rút. Những nhân viên tại Mỹ sẽ được thông báo về đợt cắt giảm trước ngày 10/2.

Một số nhân viên ủng hộ ý tưởng này. Trên một diễn đàn nội bộ, một nhân viên viết: "Cần phải nâng cao tiêu chuẩn và tôi hoàn toàn ủng hộ điều này". Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan. Một số người bày tỏ nghi ngờ về mức độ “ hiệu quả” như đã tuyên bố của quy trình này.

Đáng nói, một số nguồn tin tiết lộ, rất có thể chiến lược này sẽ trở thành quy định thường niên tại Meta. Một tài liệu FAQ nội bộ, được Business Insider tiếp cận, ám chỉ rằng việc sa thải liên quan đến hiệu suất có thể trở thành truyền thống hàng năm của công ty.

Được biết, kế hoạch cắt giảm nhân sự này nằm trong chiến lược lớn hơn nhằm tái cấu trúc lực lượng lao động và nâng cao hiệu quả của Meta, đặc biệt trong bối cảnh công ty đang đầu tư mạnh mẽ vào trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), và tương lai của mạng xã hội.

Tuần trước, Meta cũng đã rút lại các sáng kiến về đa dạng, công bằng, và hòa nhập ( DEI ), đồng thời giải thể chương trình kiểm tra thông tin do bên thứ ba vận hành.

Một số nhân viên bày tỏ hoài nghi về tính chính xác của hệ thống đánh giá hiệu suất. Trên kênh nội bộ, một nhân viên đặt câu hỏi liệu các thay đổi có áp dụng cho cả các quản lý hiệu suất kém hay không.

Cũng có ý kiến thắc mắc về cách quy trình này ảnh hưởng đến những người đang nghỉ thai sản hoặc nghỉ phép do sức khỏe tâm lý. Một nhân viên hỏi: "Chúng ta sẽ cân bằng thế nào giữa nguy cơ sa thải sai người – những người có kiến thức sâu về sản phẩm nhưng đang trải qua giai đoạn khó khăn – và chi phí đào tạo những người mới, vốn có nguy cơ không đạt kỳ vọng cao hơn?"

Một nhân viên đặt câu hỏi liệu các đánh giá hiệu suất có mang yếu tố thiên vị hoặc ảnh hưởng không cân xứng đến những nhân viên thuộc cộng đồng LGBTQ+. Họ viết: "Khi công ty hướng tới việc xây dựng sự đa dạng nhận thức, liệu có yếu tố nào ảnh hưởng không tương xứng đến những nhân viên LGBTQ+ trong đánh giá hiệu suất hoặc quyết định hỗ trợ thôi việc không?"

Trước những phản ứng như vậy, bà Janelle Gale, Phó Chủ tịch phụ trách nhân sự của Meta đã trả lời:
"Hoàn toàn không. Điều này không nhằm mục tiêu vào cộng đồng LGBTQ+ hay bất kỳ nhóm nào khác. Tính khách quan và liêm chính là các yếu tố cốt lõi của quy trình. Chúng tôi làm việc hết sức để loại bỏ thiên vị trong hệ thống và không dung thứ bất kỳ hành vi phân biệt đối xử nào. Chấm hết".

Câu hỏi lớn hơn đặt ra bây giờ là liệu cách tiếp cận này có lan sang các công ty khác hay không?

Chỉ mới 2 năm trước thôi, nhằm thực hiện nỗ lực “hiệu quả năm 2023”, Zuckerberg đã khởi xướng một xu hướng sa thải rộng hơn trong toàn ngành công nghệ.

Trong ngành công nghệ, việc sa thải thường xuyên dựa trên hiệu suất không phổ biến như ở các ngành khác, nhưng cũng không phải chưa từng có. Amazon, chẳng hạn, đã dựa vào các kế hoạch cải thiện hiệu suất trong vài năm gần đây.

Theo: BI

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày