Mạo danh bác sĩ để bán thực phẩm chức năng chữa ''bách bệnh''

DƯƠNG LIỄU - THU HIẾN, Theo Tuổi Trẻ 13:05 13/10/2022
Chia sẻ

Xưng danh lương y, giả mạo bệnh viện và bác sĩ... để bán thực phẩm chức năng chữa ''bách bệnh'' đã được phát hiện nhiều.

Mạo danh bác sĩ để bán thực phẩm chức năng chữa bách bệnh - Ảnh 1.

Một bác sĩ bị “mượn gương mặt” để quảng cáo thực phẩm chức năng - Ảnh: Chụp màn hình

Gần đây có cả biến tướng lấy hình ảnh thợ sửa đồ điện giả thành bác sĩ để bán hàng, rồi lấy hình bác sĩ thật và gắn một cái tên giả cũng để bán thực phẩm chức năng...

Gần đây có cả tình trạng thực phẩm chức năng đã bị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo giả mạo giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm nhưng vẫn ngang nhiên chào bán với giá lên tới hàng triệu đồng/liệu trình.

Giả mạo giấy phép, giả hình ảnh...

Tháng 9-2022, thực phẩm chức năng "Hoàng Kim Giáp biệt dược" được Cục An toàn thực phẩm cảnh báo giả mạo giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm, người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm để tránh bị ảnh hưởng đến sức khỏe.

Thế nhưng, khi rà trên các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube... vẫn tràn đầy quảng cáo Hoàng Kim Giáp chữa bách bệnh, từ u xơ gan, u tuyến giáp, bướu cổ, xương khớp...

Chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm trên YouTube "thuốc Hoàng Kim Giáp", hàng loạt các kênh, clip được tạo ra với các tên gọi "Trung tâm xạ trị - điều trị u", "Cùng Hoàng Kim Giáp dứt điểm u tuyến giáp"... xuất hiện.

Các kênh này đều đăng clip ngắn bằng cách thuê diễn viên mạo danh bác sĩ, người dân, dân quân... thậm chí là clip cắt ghép từ bản tin thời sự để quảng cáo về loại "thần dược" này.

Qua số điện thoại được để lại, sáng 12-10 chúng tôi được tiếp xúc một người đàn ông tư vấn tự xưng là bác sĩ Nguyễn Đức Nam và làm việc tại khoa ung bướu, Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương. Khi được thắc mắc về việc người nhà bị u giáp ở giai đoạn muộn, "bác sĩ" này cho biết chỉ cần uống thuốc là có thể trị được dứt điểm bệnh.

"Đơn vị của chúng tôi là Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương, được Bộ Y tế cấp phép rồi, là thuốc nam đặc trị. Nếu uống khoảng 2 - 2,5 tháng đổ lại là dứt điểm u này, có thể quay trở lại đời sống như bình thường.

Với liệu trình này (sử dụng khoảng 4 hộp) phải trả 8 triệu đồng, nhưng nếu có bảo hiểm y tế chỉ cần trả 4 triệu đồng. Ngoài u tuyến giáp, loại này còn chữa luôn tất cả các loại u", người này khẳng định.

Khi được thắc mắc tại sao những ngày gần đây sản phẩm Hoàng Kim Giáp bị các cơ quan liên tục cảnh báo giả mạo, "bác sĩ" này nói với giọng gấp gáp: "Vấn đề đó là của đơn vị khác, tôi không nắm được làm ảnh hưởng đến uy tín của tôi. Cái này trực tiếp từ Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương nên không phải lo đâu".

Phóng viên đã liên lạc với Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương để tìm hiểu thông tin. Đại diện phòng giới thiệu sản phẩm nghiên cứu tại bệnh viện cho biết đơn vị không có sản phẩm nào mang tên Hoàng Kim Giáp. "Đây là giả mạo, giả danh bệnh viện. Bệnh viện hoàn toàn không có sản phẩm này", vị này nói.

Đại diện bệnh viện cũng cảnh báo hiện có nhiều sản phẩm giả mạo các sản phẩm nghiên cứu tại bệnh viện, nên người tiêu dùng cần cảnh giác để không bị lừa. Trước đó, cuối năm 2021 Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương cũng phát đi cảnh báo về hàng loạt các sản phẩm giả danh bệnh viện.

Các chuyên gia về ung bướu cũng khuyến cáo không có thuốc hay thực phẩm chức năng nào có thể trị được dứt điểm các loại khối u, đặc biệt là những khối u ở giai đoạn muộn. Để chẩn đoán cần nhiều biện pháp thăm dò ngoài sự tư vấn bác sĩ chuyên khoa, sau đó cần can thiệp phẫu thuật thậm chí xạ trị.

Diễn viên quen mặt, bác sĩ bị "mượn danh"

Trên một kênh YouTube chuyên đăng tải những bài thuốc nam, không khó để nhận ra một vài gương mặt "người bệnh" xuất hiện trong nhiều video quảng cáo các loại thuốc nam.

"Tôi làm nghề lái xe nên thường xuyên đau nhức"; cũng gương mặt "bệnh nhân" này ở một video khác lại giới thiệu: "Tôi làm nghề bưng bê, nên xương khớp đau mỏi". Những "diễn viên" mắc nhiều chứng bệnh là chiêu trò quảng cáo của nhiều loại thực phẩm chức năng muốn đánh vào tâm lý "việc thật, người thật" để lấy lòng tin của người tiêu dùng.

Với chiêu trò này, các "nhà cung cấp sản phẩm" đã mượn hình ảnh bác sĩ thật rồi gắn vào đó một cái tên giả để quảng cáo: bác sĩ Trương Hữu Khanh rất nổi tiếng về nhi khoa bị lấy hình ảnh để làm giả bác sĩ chữa bệnh tiểu đường.

Trên trang Facebook cá nhân của mình, bác sĩ Trương Hữu Khanh bức xúc: "Năm 2017, họ mạo tên tôi bán thuốc tăng chiều cao. Sau COVID-19 tình trạng mạo tên nhiều hơn, năm 2022 dùng cái hình 2017 quảng cáo chữa tiểu đường. Bó tay!".

Trong suốt đợt dịch COVID-19, bác sĩ Khanh đã tư vấn chuyên sâu và thường xuyên cho người dân về phòng chống dịch bệnh COVID-19, đặc biệt tư vấn giúp đỡ nhiều phụ huynh hiểu về các bệnh ở trẻ nhỏ.

Chính vì uy tín và ảnh hưởng lớn đối với người dân trong lĩnh vực sức khỏe mà tên và hình ảnh cá nhân bác sĩ Khanh bị mạo danh trên các trang quảng cáo để bán thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Gần đây, bác sĩ N.Đ.H. ở Bệnh viện Bạch Mai (rất nổi tiếng về hồi sức cấp cứu) cũng bị mạo danh thành bác sĩ chữa dạ dày. Bác sĩ Trần Minh Điển, giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, bị lấy hình ảnh để giả làm bác sĩ ở Bệnh viện Đà Nẵng cũng vì mục đích bán hàng.

Quản quảng cáo trên mạng, phải làm sao?

photo-1

Một "diễn viên" trong vai bác sĩ, trong khi sản phẩm đã bị cảnh báo là giả giấy phép - Ảnh: Chụp màn hình

Mới đây, trả lời kiến nghị của cử tri về vấn đề quản lý nội dung quảng cáo về thực phẩm chức năng, bộ trưởng Bộ Y tế cho biết trước khi tiến hành quảng cáo phải được thẩm định nội dung, cơ quan phát hành quảng cáo chỉ được phát hành quảng cáo đúng nội dung được thẩm định. Như vậy, về hệ thống pháp luật đã đầy đủ.

Tuy nhiên, những hình ảnh mạo danh, giả mạo vẫn xuất hiện nhiều trên mạng xã hội, hoặc sử dụng hình ảnh các bác sĩ và nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm chức năng trái quy định.

Từ tháng 1-2021, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn gửi các đơn vị trong phối hợp công tác quản lý về quảng cáo thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe.

Đồng thời, cục này cho biết đã đẩy mạnh xử lý vi phạm về quảng cáo, thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà đặc biệt là xử lý vi phạm quảng cáo trên môi trường mạng xã hội, công khai cơ sở và sản phẩm vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, những biến tướng như trên cho thấy hiệu quả còn hạn chế.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo không có thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào có tác dụng chữa bệnh. Trong trường hợp có nhu cầu chăm sóc sức khỏe, người dân cần tới cơ sở y tế hoặc liên hệ bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày