Khi chiếc xe đông lạnh này có mặt ở khu chợ tạm Phùng Khoang - thì cũng là lúc sạp thịt của 2 vợ chồng người đàn ông tên Kiên - bắt đầu sáng đèn.
Ngoài việc - bán chân giò đông lạnh tại chợ - thì sạp hàng của Kiên chủ yếu mua buôn từ đối tượng đầu nậu là Hợi cung cấp… để bán lẻ cho các khách mua.
Trên sạp thịt lúc nào cũng bố trí sẵn một chậu tiết lợn tươi rói. Nhưng ít ai biết - sẽ được sử dụng vào mục đích gì.
Thế nhưng, chủ sạp thịt chẳng hề hay biết, cảnh tượng này đã rất nhiều lần được chúng tôi bí mật ghi lại.
Người đàn ông tay nhanh thoăn thoắt, nhúng tay vào chậu tiết đỏ lòm rồi vần vò - xoa đều hết lên từng miếng thịt… rồi ném lên xe lạnh để đi tiêu thụ
Nhiều tảng thịt lợn chết đã trắng ởn - nên việc bôi tiết như vậy sẽ tạo màu cho thịt lợn- trở nên tươi hơn.
Đa phần các khách mua đều là chủ các quán kinh doanh thực phẩm đồ ăn.
Quán cơm này được xác định, đã nhiều lần mua thịt lợn kém chất lượng từ sạp hàng bán thịt lợn chết ở khu chợ tạm Phùng Khoang.
Theo tiết lộ của dân buôn, để khử mùi hôi thối của thịt lợn bệnh, lợn chết - các quán ăn sẽ phải tẩm ướp nhiều hương liệu, gia vị trước khi chế biến. Với mức giá dao động từ 25.000 đồng-30.000 đồng/ suất cơm, phù hợp với túi tiền của nhiều người nên khá đông khách.
Mở rộng điều tra, cơ quan công an xác định còn có quán cơm văn phòng ở số 72 Mễ Trì Thượng, phường Từ Liêm; Quán cơm ở số 22 Phú Lương, Phường Phú Lương và nhiều quán cơm bình dân, bánh mỳ khác trên địa bàn… thường xuyên nhập thịt lợn ở các sạp thịt ở chợ tạm Phùng Khoang.
Ngoài việc bán thịt tại chợ, trong quá trình mật phục ghi hình, nhóm phóng viên còn phát hiện, Kiên sử dụng xe đông lạnh của mình để đi giao chân giò đông lạnh… cho một quán bún bò Huế trên đường Nguyễn Xiển; và giao thịt nạc cho một công ty chuyên sản xuất khô gà, khô bò và khô heo cháy tỏi có địa chỉ ở xã Quang Minh, Hà Nội.
Trước khi giao hàng, người này xuống xe và dò xét rất kỹ xung quanh đề phòng bị theo dõi. Xe lạnh áp sát cửa, nhanh như cắt- cứ thế Kiên ném từng tảng thịt từ trên thùng xe vào bên trong.
Dựa vào số lần ném thịt ước tính có khoảng 2-3 tạ thịt lợn được Kiên chuyển vào xưởng sản xuất trong lần này…
Chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, việc giao hàng đã hoàn tất. Sau đó, Kiên nhanh chóng lên xe rời đi…
Tương tự, sau khi rời lò mổ lợn bệnh ở xã Thường Tín lên sạp hàng ở chợ đầu mối Phía Nam, thịt bẩn cũng được bán đi khắp nơi. Trong đó, chủ yếu là các quán cơm, nhà hàng… mua về chế biến. Sạp thịt này đắt hàng đến mức, dù còn ngổn ngang nhưng cũng không bán vì đã có người đặt trước.
Thịt bán chạy đã đành. Toàn bộ số nội tạng của những con lợn bệnh ở lò mổ cũng chẳng phải là thứ bỏ đi. Giá thu mua nội tạng ở lò mổ này rẻ hơn khoảng 20.000 đồng/kg so với giá thị trường- nên số lượng bao nhiêu cũng có người gom hết.
Theo lãnh đạo Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trong thịt lợn bệnh, lợn chết chứa vô số vi khuẩn, virus và ký sinh trùng khó có thể đảm bảo, các nguồn độc tố này bị tiêu diệt khi đã qua nấu chín. Vì thế, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm rất lớn. Nhẹ thì đau bụng, nhiễm trùng đường tiêu hóa… còn nặng có thể bị nhiễm trùng máu, có thể gây tử vong. Thực tế, thời gian qua, các bệnh viện tuyến trung ương đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân gánh hậu quả như vậy. Thế nên, việc tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết là hành vi bị nghiêm cấm, không được phép đưa vào chuỗi chế biến thực phẩm dành cho con người.