Quả măng cụt là loại cây bản địa được trồng nhiều ở các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và được nhiều người tiêu dùng yêu thích nhờ hương vị thơm ngon, kết cấu đẹp mắt. Khi chín, quả măng cụt có màu tím đen, các múi bên trong màu trắng, khi ăn có vị ngọt thanh, thơm dịu.
Hằng năm, cứ tới mùa hè, măng cụt được bày bán khắp các chợ, siêu thị và cửa hàng hoa quả với giá từ 45.000 - 65.000 đồng/kg khi đã chín. So với nhiều loại hoa quả mùa hè, giá măng cụt ở mức trung bình, không rẻ. Tuy nhiên, ít ai biết rằng măng cụt xanh đang được lùng mua với giá cao hơn cả măng cụt chín, lên tới 60.00 - 80.0000 đồng/kg quả. Chưa hết, măng cụt xanh sau khi gọt bỏ vỏ thậm chí sẽ được bán với mức giá từ 350.000 đồng lên 550.000 đồng/kg. Nguyên nhân được cho là vì sơ chế măng cụt sống rất tốn thời gian, khó làm.
Khoảng 2 năm trở đây, măng cụt xanh (chưa chín) được người tiêu dùng tìm mua để chế biến thức ăn, ban đầu phổ biến tại các tỉnh miền Nam, sau lan rộng ra các tỉnh thành khác. (Ảnh minh hoạ)
Theo khảo sát tại 1 số người bán măng cụt xanh trên "chợ mạng", mức giá trung bình của loại quả này dao động từ khoảng 60.000 - 80.000 đồng/kg chưa gọt vỏ còn sau khi đã sơ chế sạch sẽ là từ 350.000 - 550.000 đồng/kg. Tuy vậy, nhiều tiểu thương cho biết, mức giá của măng cụt xanh vẫn đang tăng liên tục, trở nên đắt đỏ và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Mặc dù có mức giá khá cao nhưng măng cụt xanh vẫn đang là loại quả cực kỳ "hot" và được nhiều người tìm kiếm. (Ảnh chụp màn hình)
Chị Thương (ở quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) - người đã bán được cả trăm cân măng cụt xanh chỉ trong gần 2 tuần vừa qua cho biết, mặc dù giá cao nhưng loại quả này vẫn đang được rất nhiều người đặt mua, thậm chí còn không đủ hàng để bán.
"Mọi năm tôi chỉ bán măng cụt chín thôi nhưng thấy loại quả này "hot" quá nên tôi cũng nhập về bán thử. Không ngờ bán rất chạy dù giá cao. Thế nhưng vì sơ chế cầu kỳ, tốn thời gian mà hầu như mọi người đều mua loại đã gọt sẵn nên 1 ngày tôi cũng khó đáp ứng được hết nhu cầu của khách",chị Thương nói.
Chị Thương cũng cho biết thêm, mỗi ngày chị chỉ có thể gọt được khoảng 15kg, ngày nào năng suất lắm mới sơ chế được 20kg. Hiện tại, chị phải nhờ thêm người nhà làm cùng để có thể bán được số lượng nhiều hơn.
"Nhựa măng cụt xanh rất nhiều, quả khi chưa chín cũng khá cứng, khó gọt bỏ vỏ. Trong quá trình sơ chế cần phải gọt dưới nước để không bị thâm. Để lấy được 1kg ruột măng cụt xanh phải gọt khoảng 6-8kg quả. Bởi thế mà giá của măng cụt xanh còn nguyên vỏ và sau khi sơ chế chênh lệch nhau rất nhiều", chị Thương chia sẻ.
Là loại quả đang được nhiều người tìm mua, chị Thủy (ở quận 7, TP. HCM) chia sẻ, mùa măng cụt năm nay chị chỉ bán hàng sống vì số lượng khách hàng hỏi rất nhiều.
"Từ năm ngoái, tôi đã bắt đầu loại măng cụt xanh, dù số lượng bán ra cũng được nhiều nhưng năm nay thấy bán chạy hơn hẳn. Lợi nhuận ổn định nhưng lại khá tốn thời gian sơ chế nên năm nay tôi chuyển hẳn sang bán loại này, không bán măng cụt chín nữa.
Nếu tình hình vẫn tiếp tục như thế này, tôi nghĩ giá măng cụt xanh sẽ còn tiếp tục tăng", chị Thủy cho biết thêm.
Cũng theo chị Thủy chia sẻ, nguyên nhân khiến măng cụt xanh trở nên "hot" như vậy có lẽ phần lớn là bởi sức hút của món măng cụt gỏi gà và trào lưu kinh doanh.
Giá bán gỏi gà măng cụt trên các shop online. (Ảnh chụp màn hình)
Món măng cụt gỏi gà khiến măng cụt xanh được nhiều người tìm kiếm và tăng giá mạnh. (Ảnh minh hoạ)
Tuy vậy, theo khảo sát của chúng tôi, tại các chợ đầu mối ở Hà Nội, ở chợ đầu mối không bán măng cụt xanh. Hiện, loại măng cụt đang được nhiều người lùng mua này chỉ bán online. Bên cạnh đó, các khu chợ thường bán măng cụt chín vì dễ bán, dễ nhập hơn.
Ở thời điểm này, măng cụt chín có 2 loại, gồm hàng Thái Lan và Việt Nam. Trong đó, măng cụt chín của Thái Lan có giá 70.000-100.000 đồng/kg, còn hàng Việt 100.000-120.000 đồng/kg và dự kiến giá sẽ giảm dần khi vào chính vụ.