Màn kịch bố địu con đi nhặt rác: Không thể bảo nhau lạnh lùng, mà chỉ nên bảo nhau đặt tình thương đúng chỗ hơn

Sứ Giao, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 25/12/2016

Bức tranh người bố "xứng đáng làm đàn ông khi xuống đường xin tiền nuôi con", rồi "làm lại cuộc đời chưa bao giờ là muộn" bỗng chốc bị lột bỏ, trơ lại cái khung với bản chất là một kẻ bất hảo không hơn không kém.

Màn kịch gà trống nuôi con, bế con đi nhặt rác

Cách đây vài ngày, câu chuyện về một "soái ca" từng là dân chơi khét tiếng khu vực Long Biên, vì làm ăn thua lỗ vỡ nợ bị vợ bỏ rơi, đã phải xuống đường mưu sinh nuôi 3 con nhỏ - tràn ngập mạng xã hội. Những hình ảnh mà người ta vẽ lại về cậu thanh niên sinh năm 1990 thật khéo lấy đi nước mắt của không ít độc giả, nhất là các chị em thương cảnh gà trống nuôi con của một kẻ từng ngang tàng, coi trời bằng vung trong "bản hùng ca" quá khứ, nay co cụm lại khổ sở vất vả nhường nào.

Câu chuyện về người cha 26 tuổi được tô lại một cách đầy nhân văn như thế này: "từng có biệt thự tiền tỷ, xe mui trần, đi bar, tiêu tiền như nước, cuộc sống sung túc giàu sang, vợ đẹp con ngoan. Nhưng tất cả biến mất chỉ sau một đêm, vì anh tin nhầm người, làm liên lụy đến cả gia đình mình", đấy, đã từng "lên voi" như thế, nay "xuống chó" vẫn "không dựa dẫm lừa đảo ai, từ một đại gia ăn chơi khét tiếng đất Long Biên, anh sẵn sàng đạp xe đi bới từng chiếc thùng rác, dọc Phố Huế, Bà Triệu chẳng có cái thùng nào sót dấu tay anh".

Màn kịch bố địu con đi nhặt rác: Không thể bảo nhau lạnh lùng, mà chỉ nên bảo nhau đặt tình thương đúng chỗ hơn - Ảnh 1.

Ông bố trẻ địu con đi nhặt rác mưu sinh ở Hà Nội gây xôn xao những ngày qua.

Tôi cá rằng, trên đời này, không có gì lấy đi nước mắt người dưng dễ hơn một kịch bản "đã từng ngạo nghễ đến thế", nay quy ẩn giang hồ và làm lại cuộc đời. Nó đánh vào từng centimet lòng trắc ẩn trong mỗi chúng ta, như một dạng câu hỏi "Ai cho tao lương thiện!". Chưa kể, kịch bản đó cắp nách theo hình ảnh 3 đứa trẻ con non bấy, được nuôi dưỡng bởi một người cha đang "quay đầu là bờ".

Ông bố trẻ tuyên bố không cầu xin lòng thương hại của ai, không ngửa tay xin tiền hay lợi dụng lòng tốt của ai. Nhưng lại khiến cánh phóng viên ngã ngửa khi nói thẳng với một phóng viên rằng "Đấy, báo lên rồi mà anh có được đồng nào đâu!". Có phải là "khôn lỏi" quá không, khi tuyên bố chẳng cầu xin ai, đấy là thiên hạ tự đến, tự dúi vào tay tôi đấy chứ?!

Thế rồi cho đến sáng ngày 24/12, nếu không có đoạn clip gã thanh niên dùng thắt lưng vụt liên tiếp vào đầu bé gái mặc cho cháu nhỏ van xin, khóc lóc, dù được mọi người can ngăn góp ý nhưng vẫn không hề dừng tay mà còn chửi con đẻ với lời lẽ kinh khủng – thì có lẽ, cư dân mạng vẫn cứ ngồi đó mà thương cảm cho ông bố này lắm.

Bức tranh người bố "xứng đáng làm đàn ông khi xuống đường xin tiền nuôi con", rồi "làm lại cuộc đời chưa bao giờ là muộn" bỗng chốc bị lột bỏ, trơ lại cái khung với bản chất là một kẻ bất hảo không hơn không kém. Thiếu tá Nguyễn Công Hưng, Phó trưởng công an phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội khẳng định, người bố chở con đi nhặt rác khiến cộng đồng mạng xôn xao mấy ngày qua là Đào Đức Khiêm (SN 1990), trước đây có hộ khẩu thường trú tại tổ 26, phường Ngọc Thụy.

Theo thiếu tá Hưng, đây là một nhân vật có quá khứ bất hảo, phá phách, còn thuộc diện Công an đang quản lý hồ sơ về việc có sử dụng ma túy.

"Mấy hôm nay, thông tin về người này ôm con khiến mọi người thương hại cho tiền lại xuất hiện. Nhiều anh em cho biết vẫn hay thấy Khiêm đèo vợ con và hai vợ chồng vẫn ở với nhau chứ không phải vợ bỏ con đi theo trai", Phó trưởng công an phường Ngọc Thụy cho biết.

Về thông tin Khiêm nói trước ở nhà biệt thự, đi siêu xe thiếu tá Hưng khẳng định: "Không có chuyện đi siêu xe, ngày đốt hơn 10 tỷ, nhà trước của bố mẹ nuôi của Khiêm chỉ là nhà cấp 4 nhưng nay anh ta cũng bán đi rồi".

Ngay cả chiếc xe đạp mà Khiêm dùng để lòe tình thương của thiên hạ, cũng chỉ là một màn kịch không hơn không kém. Rất nhiều người chứng kiến Khiêm đi lại bằng xe máy, đến đêm mới lôi xe đạp ra địu con chạy lòng vòng.

Không thể bảo nhau lạnh lùng, mà chỉ nên bảo nhau đặt tình thương đúng chỗ hơn thôi!

Trên một diễn đàn, khi admin tỏ ra nghi ngờ sự tử tế trong những hình ảnh đang phơi bày trên mạng của ông bố, thì lập tức bị số đông cư dân mạng "đàn áp" ngay. Họ lớn tiếng mắng admin thật chẳng có tâm khi cứ cố bới móc, dìm một người đã khổ tận cùng đến vậy, đã phải đi nhặt rác để nuôi con. Cũng chắc chắn rằng, đã nhiều người tin câu chuyện của gã thanh niên đến mức đứng ra quyên góp hộ.

Chỉ trong một buổi sáng ngày Giáng sinh, cư dân mạng trải qua đủ bậc cảm xúc, từ ngạc nhiên, phẫn nộ cho tới thất vọng. Mới cách đó vài ngày, phần lớn đều xót xa thương cảm cho người cha có quá khứ lẫy lừng, đang vật vã từng ngày làm lại cuộc đời, và trên vai là những đứa con khốn khổ. Việc Khiêm lôi con trẻ ra để lợi dụng lòng thương, làm công cụ kiếm tiền, đã thực sự đâm một vết đâm vào lòng tin của rất nhiều người. Chúng ta có thể mù quáng vội động lòng trắc ẩn với một hoàn cảnh sầu thảm, nhưng cái cách một ông bố rút thắt lưng ra để quất lia lịa vào người con, tuyên bố "tao đẻ ra được thì tao giết được", rồi chửi bới đứa trẻ đang khóc thét lên vì sợ hãi, vì đau đớn, thì ai cũng hiểu bản chất kẻ làm cha này thực sự là gì.

Màn kịch bố địu con đi nhặt rác: Không thể bảo nhau lạnh lùng, mà chỉ nên bảo nhau đặt tình thương đúng chỗ hơn - Ảnh 2.

Hình ảnh người đàn ông dùng thắt lưng đánh bé gái.

Trộm nghĩ rằng, trong chúng ta, ít nhất đã từng có lần cho nhầm tiền những kẻ chuyên câu kéo lòng thương hại của người khác. Không ai tiếc đồng tiền tình thương ấy, nhưng sự thất vọng, niềm tin về những khúc đẹp đẽ giữa người với người, lòng nhân ái, thì phải còn lâu lắm mới quay trở lại được. Tiếc, là tiếc điều ấy.

Thế nhưng, bởi vì vẫn là con người, vẫn cứ bao dung và trắc ẩn nên không thể bàng quan mà nhìn đồng loại khổ sở. Đó chính là cái tâm lý nuôi sống những đứa trẻ bán kẹo cao su trên phố ăn đêm, mặc dù biết thừa đồng tiền ấy chẳng đến tay chúng đâu, lại là một kẻ bảo kê cuỗm tay trên hết mỗi khi "tan ca" của lũ trẻ. Mặc dù biết những "con mẹ" ôm đứa trẻ con cứ ngủ từ ngày này sang ngày khác, thực chất là gì, là một lũ mẹ mìn, nhưng cũng vì trắc ẩn, vì 1 từ thương mà lại cho tiền kèm theo giọng vớt vát "Đừng tha lôi nó đi nữa, đừng bắt nó uống thuốc ngủ nữa". Bởi vì, trong sâu thẳm chúng ta vẫn tin vào một cuộc sống tốt đẹp, người với người sống không phải để lừa nhau.

Cư dân mạng không thể bảo nhau hãy lạnh lùng hơn trước những thông tin về số phận kém may mắn, mà chỉ có thể dùng lý trí, hãy đặt tình thương một cách có chọn lọc hơn mà thôi. Và cũng chỉ biết hy vọng rằng, những câu chuyện như Đào Đức Khiêm sẽ ngày càng ít đi, giữa một thế giới ảo đã vốn quá ồn ào, quá nhiều lừa lọc.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày