MacBook Pro 16 inch vừa ra mắt đánh dấu một sự thay đổi lớn của Apple. Đó là một bàn phím mới khiến cho chiếc laptop trông ít phong cách, nhưng hữu dụng hơn. Thật khó tin rằng điều này sẽ xảy ra dưới thời Jony Ive, người đã từng đứng đầu bộ phận thiết kế tại Apple, và cũng là người đề cao yếu tố hình thức hơn là hiệu năng.
Khi Jony Ive rời công ty, chúng ta được thấy những sản phẩm của Apple trông ít kiểu cách hơn, ít bóng bẩy hơn, nhưng hoạt động hiệu quả hơn, đem đến trải nghiệm người dùng tốt hơn.
MacBook Pro 16 inch, dày hơn một chút tốt hơn rất nhiều
MacBook Pro 16 inch dày hơn một chút so với người tiền nhiệm MacBook Pro 15 inch. Nhìn từ bề ngoài thì điều đó có vẻ không phải một thay đổi lớn, nhưng nó lại là sự đảo ngược xu hướng đã từng kéo dài rất nhiều năm.
Quay trở lại năm 2012, chiếc máy tính MacBook hàng đầu của Apple dày 2,4cm. Một năm sau, chiều dày giảm xuống còn 1,8cm. Độ dày đó được duy trì trong 3 thế hệ, đến khi MacBook Pro 2016 ra mắt với chiều dày chỉ 1,55cm. Và đó cũng là lúc bánh xe bị trật khỏi đường ray.
Bàn phím Butterfly là một đặc trưng của chiếc MacBook Pro 2016, thiết kế đặc biệt của nó giúp chiều dày của chiếc máy có thể giảm xuống đáng kể, nhưng đồng thời nó cũng gây ra một rắc rối không hề nhỏ. Các phím dễ bị kẹt và dính, trong khi việc sửa chữa và thay thế rất tốn kém, vì bàn phím được dán chặt vào pin và nhiều linh kiện khác.
Bất chấp những phản hồi của người dùng, bàn phím Butterfly vẫn được sử dụng trên những mẫu MacBook Pro sau đó, nhằm đảm bảo thiết kế siêu mỏng của chiếc máy. Apple chỉ xoa dịu người dùng gặp phải lỗi, bằng chương trình bảo hành bàn phím mới.
Và quyết định sai lầm đó rõ ràng bị buộc tội cho đội ngũ thiết kế của Jony Ive. Chỉ đến khi ông rời công ty, Apple mới thực sự sửa sai bằng cách thiết kế chiếc MacBook Pro 16 inch dày hơn một chút. Tuy nhiên một chút đó lại mang ý nghĩa rất lớn.
Jony Ive - cựu giám đốc thiết kế Apple.
Đẹp không phải lúc nào cũng tốt
Đối với đội ngũ thiết kế của Jony Ive, dường như có một câu thần chú rằng “mỏng hơn thì tốt hơn” hay “đẹp hơn thì tốt hơn”. Gần như bất kỳ điều gì cũng có thể được hy sinh để một sản phẩm trở nên mỏng hơn và đẹp hơn.
Không chỉ có những chiếc MacBook, ngay cả iPhone cũng được áp dụng câu thần chú đó. Những chiếc iPhone trước đây đều rất mỏng, khiến cho dung lượng pin bị hạn chế. Nhưng iPhone 11 Pro Max mới đã dày hơn trước, và không phải ngẫu nhiên mà thời lượng pin được cải thiện đáng kể.
Không thể phủ nhận công lao của Jony Ive trong việc định hình diện mạo của những chiếc iPhone, iPad, MacBook, iMac và nhiều sản phẩm khác của Apple. Những thiết kế của ông đều rất thành công và khiến rất nhiều người dùng yêu thích.
Nhưng cái gì quá cũng không tốt. Sự ra đi của Jony Ive vào thời điểm này có lẽ là hợp lý, để Apple bước sang một trang mới thời hậu Jony Ive. Đó là khi những sản phẩm của Apple chú trọng tới sự hiệu quả, tính thực dụng. Tất nhiên vẫn phải đề cao thiết kế, nhưng nó không còn phải là tiêu chí quan trọng hàng đầu nữa.
Tham khảo: CultOfMac