ThS.BS Thân Văn Thịnh, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, cho biết bệnh viện đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp mắc ung thư có liên quan tới rượu bia.
Trên thực tế, các bác sĩ đã rất nhiều lần cảnh báo về tác hại của rượu bia nhưng số người tới khám do các loại đồ uống có cồn này vẫn tăng lên hàng năm.
Số ca ung thư liên quan tới rượu bia tới khám thường tăng rất nhiều sau mỗi dịp lễ Tết. Có một điều đáng buồn là vào những ngày đầu năm mới, khi đi làm, có ngày BS Thịnh đã gặp 16 trường hợp mắc ung thư do liên quan tới rượu bia.
BS Thịnh kể đã tiếp nhận một trường hợp thanh niên trẻ, mới 26 tuổi bị ung thư lưỡi ở giai đoạn IV. Bệnh nhân tới khám trong tình trạng lưỡi bị áp xe, chảy máu rất nhiều.
Theo gia đình bệnh nhân, thời còn đi học, nam thanh niên không uống rượu bia. Tuy nhiên, sau khi nghỉ học, nam thanh niên bắt đầu có thói quen uống các loại đồ uống này. Sau đó, anh uống rượu bia với số lượng rất nhiều, uống đến "quên cả ăn".
Lúc đầu, bệnh nhân chỉ có một vết loét tại lưỡi và nghĩ là nhiệt miệng. Nhưng vết loét nhiều ngày không khỏi khiến bệnh nhân khó chịu. Bệnh nhân đã đi mua thuốc điều trị nhiệt miệng tại quầy thuốc.
ThS.BS Thân Văn Thịnh, ảnh L.P.
Tình trạng vết loét không đỡ, bệnh nhân có tới bệnh viện địa phương khám và được chẩn đoán áp-tơ miệng lưỡi. Bệnh nhân được cho thuốc kháng sinh, giảm đau tại nhà nhưng tình hình không thuyên giảm nhiều.
Trong thời gian điều trị kháng sinh, bệnh nhân còn dùng thêm thuốc Nam, thuốc lá vì nghĩ là do "nóng trong người". Điều trị được 3-4 tháng, vết loét ngày càng lan rộng, hoại tử, có mùi hôi thối. Bệnh nhân sút cân nhiều nên tìm tới Bệnh viện Ung bướu Hà Nội khám.
"Khi tôi khám cho bệnh nhân, toàn bộ lưỡi lở loét, mùi rất hôi thối, sinh thiếtđã khẳng định ung thư. Bệnh nhân ở giai đoạn muộn không có chỉ định phẫu thuật do ung thư xâm lấn rộng, di căn căn hạch cổ. Bệnh nhân điều trị giảm nhẹ được một năm thì mất", BS Thịnh chia sẻ.
BS Thịnh đang khám cho bệnh nhân, ảnh L.P
Đối với ung thư vùng khoang miệng - thực quản, cứ 10 người sẽ có 9 người có liên quan tới rượu bia. Theo BS Thịnh, đối với trường hợp bệnh nhân trẻ 26 tuổi trên, nguyên nhân mắc ung thư rất rõ ràng, bệnh nhân uống rượu bia quá nhiều.
Bác sĩ Thịnh cho biết rượu bia là nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư lưỡi, tiếp theo là hút thuốc lá, ăn trầu, ăn đồ quá nóng…
"Bản thân các tác nhân như cồn gây ra bỏng, tổn thương niêm mạc mạn tính kéo dài, dị sản, loạn sản và xuất hiện ung thư. Đối với đồ nóng cũng vậy, cũng gây ra bỏng niêm mạc. Còn đối với ăn trầu, do ăn kèm với vôi cũng gây nóng và bỏng niêm mạc, gây tổn thương. Ung thư có thể xuất hiện nếu duy trì các thói quen này thường xuyên", BS Thịnh phân tích.
BS Thịnh khuyến cáo nếu là một tổn thương bình thường trên da, niêm mạc sẽ hình thành tổ chức hạt và xơ trong 1- 2 tuần, người sức đề kháng yếu có thể là 3 tuần. Bất cứ vết loét gì trên cơ thể kéo dài trên 3 tuần thì có thể là bất thường.
Khi đó, người dân cần đi khám để loại trừ nguy cơ mắc ung thư, lao... Nếu không đi khám, bệnh có thể tiến triển tới giai đoạn muộn, mất đi cơ hội chữa khỏi.
Dấu hiệu ung thư lưỡi
Theo bác sĩ Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I (Bệnh viện K), ung thư lưỡi là căn bệnh ác tính do lưỡi là cơ quan có nhiều mạch máu nên dễ di căn xa. Đa phần các trường hợp mắc ung thư lưỡi có cảm nhận như tê bì, khó chịu, gai lưỡi, đau khi ăn và uống nước, vị giác thay đổi bất thường… ở vùng lưỡi có tổn thương. Các triệu chứng này không xuất hiện một cách dồn dập nên bệnh nhân có thể bỏ qua.
Ung thư lưỡi ở giai đoạn sớm có thể điều trị triệt căn bằng phẫu thuật. Nếu phát hiện ở giai đoạn muộn, bệnh nhân thường phải kết hợp phẫu thuật, xạ trị và hóa trị nhằm kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng sống.