"Ly hôn, sao phải buồn?" - Tâm sự của người mẹ trẻ Sài Gòn từng đổ vỡ hôn nhân khiến người ta nhận ra nhiều điều

Thục Hạnh, Theo Helino 06:54 28/06/2019
Chia sẻ

"Họ yêu nhau, họ cưới nhau vì ngay thời khắc đó họ thấy họ phù hợp. Cuộc sống luôn thay đổi mỗi ngày, mình của ngày hôm nay khác với ngày hôm qua. Cái cốt lõi nhất vẫn là niềm vui, sự hạnh phúc, an lạc trong tâm hồn mỗi con người".

Tháng 10 năm 2017, cả châu Á thổn thức và ngưỡng mộ trước đám cưới thế kỷ và câu chuyện tình yêu đẹp như cổ tích của cặp đôi diễn viên người Hàn Quốc Song Joong Ki và Song Hye Kyo.

Đến hôm qua 27/6, 1 năm 8 tháng sau đám cưới đẹp như mơ ấy, cái tên của cặp đôi lại tràn ngập các mặt báo thế nhưng lại là những tin tức đầy tiếc nuối khi hôn nhân của họ đã đổ vỡ, chấm hết một câu chuyện tình cổ tích đi từ trong phim ra đời thực.

Ly hôn, sao phải buồn? - Tâm sự của người mẹ trẻ Sài Gòn từng đổ vỡ hôn nhân khiến người ta nhận ra nhiều điều - Ảnh 1.

Cặp đôi Song - Song ly hôn gây nhiều tiếc nuối - Ảnh: Internet.

Tin tức này đã khiến rất nhiều người thất vọng, tiếc nuối, hoài nghi về hôn nhân và cả coi ly hôn như một hồi kết đầy khổ đau của hạnh phúc. Thế nhưng liệu ly hôn có thực sự đáng sợ như nhiều người nghĩ?

Từng 1 lần đổ vỡ, chị Nguyễn Phương Anh (TP.HCM) lại cho rằng ly hôn đơn giản là một sự kết thúc cho những điều đã không thể cố gắng, không thể sửa chữa được nữa trong hôn nhân. Ly hôn không phải là kết thúc như nhiều người nghĩ, mà chính là khởi đầu của hạnh phúc.

Tâm sự của chị được đăng tải trên Facebook đã nhận được sự đồng cảm và đồng tình của nhiều người:

Ly hôn, sao phải buồn? - Tâm sự của người mẹ trẻ Sài Gòn từng đổ vỡ hôn nhân khiến người ta nhận ra nhiều điều - Ảnh 2.

"Ly hôn, sao phải buồn?"

"Sáng nay thấy báo chí, cộng đồng mạng xôn xao vì tin cặp vợ chồng nổi tiếng Song Jong Ki - Song Hye Kyo ly hôn. Nhiều người bày tỏ sự nuối tiếc ngẩn ngơ cho cặp đôi đẹp 1 thời, rất nhiều bạn cảm thấy thất vọng, buồn bã, cảm thán: "Không còn niềm tin vào hôn nhân".

Hôm qua, cô bạn đồng nghiệp sau khi đọc báo, cảm thán với mình: "Thấy người ta ly hôn, bỏ nhau hà rầm. Chán quá, tui hết dám lấy chồng bà ơi!".

Chi cho nhọc tâm vậy nè. Sao lại mất niềm tin vào hôn nhân vì những chuyện ly hôn của người khác chứ, phải không?

Mình đừng nhìn cuộc đời màu hường, hãy cảm nhận nó với chánh niệm, với đúng bản chất của nó đi. Cưới nhau là chuyện thường và nếu có bỏ nhau thì cũng là chuyện bình thường mà.

Ly hôn, sao phải buồn? - Tâm sự của người mẹ trẻ Sài Gòn từng đổ vỡ hôn nhân khiến người ta nhận ra nhiều điều - Ảnh 3.

Họ yêu nhau, họ cưới nhau, vì ngay thời khắc đó họ thấy họ phù hợp, họ có thể chia sẻ niềm vui nỗi buồn, họ muốn sống mỗi ngày cùng nhau, họ muốn ngủ với nhau, họ thấy không thể sống thiếu nhau ngay tại thời điểm đó, họ muốn có trách nhiệm với nhau. Thì cưới.

Nhưng đến một lúc nào đó, khi người ta nhận ra việc chung sống không vui, không thể hòa hợp, không mang lại cho người ta hạnh phúc, người ta đã cân nhắc kĩ lưỡng, thì người ta ly hôn. Cuộc sống luôn thay đổi mỗi ngày, mình của ngày hôm nay khác với ngày hôm qua. Tình cảm bản chất của nó cũng sẽ thay đổi theo thời gian. Nhưng cái cốt lõi nhất vẫn là niềm vui, sự hạnh phúc, an lạc trong tâm hồn mỗi con người. Nếu việc sống chung không hạnh phúc và bình an nữa, thì ly hôn là điều tốt chứ. Sẽ có 2 gia đình hay 2 cặp đôi hạnh phúc từ quyết định này. Sao phải buồn làm chi? Sao phải mất niềm tin vào tình yêu và hôn nhân làm chi?

Khi người ta buông tay nhau ra, tình yêu giữa họ có thể đã không còn, nhưng sao chúng ta chỉ thấy cái tình yêu, cái hạnh phúc đã chết đó để mà thương vay khóc mướn dùm người ta? Sao mình không thấy điều tích cực: là vẫn còn 2 tình yêu lớn hơn vẫn đang tồn tại, là tình yêu của 2 người họ dành cho chính bản thân mình. Cái gì không còn mang lại cho bạn niềm vui sống, hãy buông bỏ nó đi, để bản thân mình nhẹ nhàng, an ổn. Khi chúng ta sống thật với cảm xúc của mình, trân trọng bản thân mình, thì đó mới là hạnh phúc bền vững chứ!" - những tâm sự của chị Phương Anh trên Facebook.

Ly hôn không phải là quyết định chóng vánh

Theo chị như thế nào là không còn hạnh phúc trong hôn nhân? Và việc không còn hạnh phúc sẽ khiến hôn nhân gặp phải tình trạng như thế nào?

Theo mình không còn hạnh phúc trong hôn nhân là khi ở bên cạnh người chồng/ người vợ của mình, mình không còn tìm thấy tiếng nói chung nữa, không còn cảm thấy có thể vị tha cho nhau nữa.

Khi mình kết hôn, mình kì vọng điều gì? Đó là mình sẽ được chia sẻ, được nâng niu, có người ngủ cùng, có người chia sẻ kinh tế, có người để thư giãn cùng nhau, cùng mua nhà, phụ giúp chăm lo cho gia đình mình, cùng đẻ con đẻ cái, chăm sóc nuôi nấng dạy dỗ chúng nó, cùng đi du lịch năm châu bốn biển,... Nói chung có cả tá hi vọng người ta có thể làm cho mình. Và ngược lại mình sẽ làm cho người ta giống như vậy.

Nhưng khi mình không thể làm cùng người ta những chuyện như thế nữa, mỗi ngày nhìn thấy nhau đã thấy stress là biết... xong phim rồi đó!. Mỗi người đi theo một con đường riêng, mình nói người ta hết hiểu, người ta nói mình thấy hoang đường, hoang tưởng,...

Ly hôn, sao phải buồn? - Tâm sự của người mẹ trẻ Sài Gòn từng đổ vỡ hôn nhân khiến người ta nhận ra nhiều điều - Ảnh 4.

Có nhiều bạn nói rằng nếu chỉ vì bất chợt cảm thấy chán đối phương rồi ly hôn là vô trách nhiệm với nhau, bởi là vợ chồng có nhiều ràng buộc hơn là một đôi yêu nhau. Chị nghĩ như thế nào về ý kiến này?

Đương nhiên, chuyện ly hôn không phải là quyết định chóng vánh, không phải thấy chán là ly hôn, cãi nhau là ly hôn. Sống chung thì phải có va chạm, tâm trạng lúc lên lúc xuống, những lúc khủng hoảng như thế đương nhiên mình phải tìm cách giải quyết.

Nhưng để đến khi người ta quyết định ly hôn thì đã là 1 quá trình rồi, cũng phải đắn đo cân nhắc, có khi phải trải qua quá trình ly thân rất lâu, rồi khi đưa đơn ra tòa còn phải hòa giải đôi ba bận. Tức là người ta đã có đủ thời gian để suy nghĩ cân nhắc, không có quyết định ly hôn nào đưa ra hôm trước mà hôm sau giải quyết xong đâu.

Nên khi đã ly hôn tức là người trong cuộc họ đã đấu tranh, cân nhắc rất nhiều với câu chuyện và quyết định của họ. Cả đàn ông lẫn đàn bà, đối diện với việc ly hôn, đều không dễ dàng.

Mình có hạnh phúc, thì mới cho con được hạnh phúc

Ngày nay tỷ lệ ly hôn nhiều hơn thời của ông bà, cha mẹ ngày trước. Theo chị nguyên nhân là do đâu?

Một phần có lẽ vì quan điểm ly hôn không còn nặng nề như trước nữa, người ta nhìn chuyện ly hôn nhẹ nhàng, tử tế hơn.

Trước kia, ly hôn không dễ vì phải đối mặt với miệng lưỡi hàng xóm, họ hàng hỏi ra hỏi vào: "Sống sao để chồng bỏ vậy!" "Cái đồ đàn bà bị chồng bỏ...".

Bây giờ vẫn còn những chuyện như vậy nhưng ít hơn, khả năng tự vệ của chúng ta cũng cao hơn. "Đời tui tui sống, mắc chi đến ai". Ai sống được giùm cuộc đời mình phải không?

Ly hôn, sao phải buồn? - Tâm sự của người mẹ trẻ Sài Gòn từng đổ vỡ hôn nhân khiến người ta nhận ra nhiều điều - Ảnh 5.

Có con cái, việc ly hôn sẽ trở nên khó khăn hơn?

Hồi trước có lẽ người ta cũng ngại ly hôn vì nghĩ con cái sẽ khổ, sẽ tổn thương, sẽ thế này thế kia, họ cố gắng níu kéo vì con cái. Nhưng ngày nay nhiều người nghĩ khác rồi.

Cha mẹ dù không sống với nhau nữa cũng không có nghĩa là con cái mất cha hay mất mẹ, tụi nhỏ vẫn có đủ cha, mẹ quan tâm chăm sóc nó nếu 2 người chia tay một cách đàng hoàng, tử tế. Ly hôn văn minh thì con cái không bị ảnh hưởng.

Văn minh nghĩa là mình làm tròn trách nhiệm và tình thương với con, người đàn ông cũng vậy, để con không thiệt thòi. Cha mẹ đừng nói xấu nhau, gia đình hai bên đừng coi nhau như kẻ thù, đừng tiêm vào đầu con cái những tư tưởng vớ vẩn, sai lệch thì bản thân đứa trẻ sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực.

Còn hơn là cha mẹ sống với nhau không hạnh phúc, không khí gia đình u ám, đè nặng thì tâm lý của con càng bị phát triển lệch lạc hơn. Mình phải có cái gì, thì mình mới cho người khác cái mà mình có. Bố hoặc mẹ có hạnh phúc, thì mới cho đứa con sự hạnh phúc.

Còn về gia đình 2 bên thì sao ạ, theo chị việc ly hôn có sợ khiến cha mẹ đôi bên phiền lòng, lo lắng không ạ?

Ban đầu, hiển nhiên gia đình 2 bên sẽ phiền lòng, họ cũng sợ điều này, điều kia. Nhưng quan trọng là con cái họ, cháu họ ra làm sao.

Ly hôn, sao phải buồn? - Tâm sự của người mẹ trẻ Sài Gòn từng đổ vỡ hôn nhân khiến người ta nhận ra nhiều điều - Ảnh 6.

Mẹ chị thấy chị vui vẻ hạnh phúc, cháu bà không bị ảnh hưởng thì về sau bà cũng chẳng việc gì phải phiền muộn nữa. Mà nếu gia đình có không vui, phiền lòng thì từ từ rồi họ cũng sẽ hết. Người ảnh hưởng nhiều nhất trong cuộc hôn nhân là chính mình chứ không phải cha mẹ mình, ông bà hai bên. Nên nếu thực sự không sống được với nhau thì mình phải cứu mình trước.

Mình sống vì sự phiền muộn của gia đình, sợ gia đình mang tiếng,... thì họ cũng đâu sống giùm mình được.

Cảm ơn chị về những chia sẻ này!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày