Theo một phân tích mới được công bố ngày 3/12, thay vì sự suy giảm được chờ đợi từ lâu, lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu được dự đoán sẽ tăng trong năm 2019, đạt mức cao kỷ lục. Tổng lượng khí thải carbon từ nhiên liệu hóa thạch và công nghiệp là 36,8 tỷ tấn, tăng 0,6% so với năm 2018, tính đến nay đây là con số kỷ lục.
Tốc độ cắt giảm lượng khí thải chậm với 3% mỗi năm sẽ khiến Trái đất nóng lên khoảng 2 độ C vào năm 2100. Ảnh: Phys.org
Khí thải nhà kính trên toàn cầu đã tăng trong 3 năm liên tiếp, trong thời điểm mà đáng lẽ lượng khí thải phải giảm mạnh nếu thế giới muốn đáp ứng được các mục tiêu trong thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Vào tuần trước, báo cáo từ Chương trình Môi trường Mỹ cho biết lượng khí thải toàn cầu phải giảm 8% mỗi năm trong thập kỷ tới để phù hợp với mục tiêu hạn chế sự ấm lên toàn cầu.
Tốc độ cắt giảm lượng khí thải chậm với 3% mỗi năm sẽ khiến Trái đất nóng lên khoảng 2 độ C vào năm 2100. Mức độ nóng lên này sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như làm chết rạn san hô và mất sự ổn định của các tảng băng ở Greenland và Nam Cực.
Theo phát hiện được công bố bởi Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), toàn cầu đã nóng lên khoảng 1,1 độ C kể từ cuối thế kỷ 19.
Khí thải nhà kính tại Mỹ được dự đoán sẽ giảm 1,7% trong năm 2019 sau khi tăng 2 năm trước, bởi nước này đã thay thế than bằng khí tự nhiên và năng lượng tái tạo. Việc đốt than ở Mỹ sẽ giảm 11% trong năm 2019. Lượng khí thải tại các quốc gia Liên minh châu Âu dự kiến sẽ giảm với tốc độ tương tự do các nước này đã hạn chế sử dụng than đốt.
Trong khi lượng khí thải ở Mỹ và châu Âu giảm trong năm 2019, tại Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng 2,6% do đây là quốc gia tiêu thụ than lớn nhất trên thế giới, Ấn Độ tăng 1,8% và các nước còn lại trên thế giới tăng 0,5%.
Các nhà nghiên cứu cho biết, những xu hướng này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, trong có đó việc cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng và phương tiện giao thông ngày càng tăng, đặc biệt là ở Ấn Độ và Trung Quốc.
Phá rừng và các hình thức sử dụng đất khác trong năm 2019 cũng góp phần vào việc phát thải khí metan và khí nhà kính do con người gây ra. Dự án Carbon toàn cầu cho biết các vụ cháy rừng ở Amazon và nơi khác đã làm tăng lượng khí thải lên tới 6 tỷ tấn carbon dioxide./.
Theo The Washington Post