“Lương dư là tích vàng, bao giờ già thì lấy 2 chỉ mỗi tháng tiêu” - quan điểm để có quỹ dự phòng của nhiều chị em hiện nay liệu có khả thi?

Nguyễn Khánh An, Theo Trí Thức Trẻ 19:07 28/03/2022
Chia sẻ

Lương chưa tăng nhưng xăng tăng và vật giá leo thang, cần làm gì tiếp theo trong thời kỳ "bình thường mới" hậu Covid?

Tuy đã bước vào cuộc sống "bình thường mới" được gần nửa năm nhưng nếu được hỏi rằng đã thực sự "bình thường" chưa? Thì câu trả lời chắc chắn là chưa. Nhiều chị em đã phải sống trong sự hồi hộp, lo sợ khi thời thế trở nên khó khăn hơn, công việc bị trì trệ, lương không hề tăng nhưng các khoản chi tiêu cứ tăng chóng mặt.

Để đối mặt với thực trạng hiện tại, việc tìm đến quỹ dự phòng đang được nhiều chị em quan tâm và chia sẻ khá nhiều. Quỹ dự phòng được biết là khoản tiền tiết kiệm dự phòng rủi ro trường hợp bạn mất khả năng chi trả trong tương lai (trường hợp không đầu tư vào các loại Bảo hiểm). Nó không những thể hiện sức khỏe tài chính cá nhân mà còn giúp bạn chi trả các chi tiêu cần thiết, đảm bảo cho cuộc sống không bị thiếu thốn khi có chuyện ngoài dự kiến diễn ra.

Có rất nhiều cách để thiết lập quỹ dự phòng được chị em "truyền tay" nhau để vun vén cho gia đình một cách hợp lí và trọn vẹn. Và đây là một số cách chị em áp dụng để tích luỹ quỹ dự phòng cho gia đình của mình.

Mua vàng chiếm 30% sự lựa chọn của chị em

Người Việt Nam đã có truyền thống mua vàng làm của để dành. Vàng vẫn luôn thu hút sự quan tâm của mọi người và được xem là tài sản an toàn nhất, đặc biệt là dựa trên quan điểm chống lại lạm phát, sự mất giá của tiền Đồng và qua 8 lần đổi tiền.

“Lương dư là tích vàng, bao giờ già thì lấy 2 chỉ mỗi tháng tiêu” - quan điểm để có quỹ dự phòng của nhiều chị em hiện nay liệu có khả thi? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Chị Phạm. N chia sẻ: "Tích đủ 4 cây vàng cho quỹ khẩn cấp. 10 năm trước lương mình được 2 chỉ vàng. 10 năm sau lương vẫn là 2 chỉ vàng. Và giờ lương vẫn là 2 chỉ vàng. Mình giờ vẫn học bài cũ là cứ lương dư là tích vàng. Bao giờ già thì cứ lấy 2 chỉ mỗi tháng tiêu". Có thể nhìn nhận một cách tương đối rằng trong dài hạn và theo xu hướng đã xảy ra tại các thị trường đã phát triển, vàng sẽ trở thành một công cụ phòng thủ và tích lũy hơn là phương tiện đầu tư công chúng.

Tất nhiên ở thời điểm hiện tại còn có yếu tố chiến tranh nhưng nên lưu ý giá tăng nhanh mà lực mua thấp là bất ổn. Vùng giá người dân nắm giữ vàng nhiều nhất là 54 - 55 triệu đồng/lượng, do vậy một khi tình hình xoay chuyển họ sẽ tung ra bán chốt lời. Những ngày qua lực bán chốt lời đã lác đác, do vậy chị em nên lưu ý.

"Ăn chắc mặc bền" với 20% tiền mặt trong két sắt

Theo quan điểm của chị Hoàng. M: "Đã khẩn cấp (emergency) thì nên là khoản sờ phát có ngay vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Không cần mất thời gian đi rút, cũng ko cần gọi điện hỏi vay ai (vì giả như nửa đêm gà gáy mọi người tắt điện thoại đi ngủ hết thì sao)".

Dù chọn giữ tiền trong ví hay tài khoản ngân hàng, bạn luôn cần lường trước khoản chi tiêu cần cho một ngày hoặc một tuần để tránh trường hợp ‘chi quá đà’ hoặc phụ phí ngân hàng quá cao do giao dịch nhiều lần.

Sinh hoạt phí hàng ngày là khoản chi tiêu cố định, cần thiết để duy trì những nhu cầu cơ bản. Giữ tiền mặt trong ví được xem là cách giữ tiền hiệu quả vì có thể dùng "ngay và luôn" để ăn uống, đi lại.

Nhanh chóng và thuận tiện nhất với 50% gửi tiết kiệm ngân hàng hoặc sổ tiết kiệm online

Được ví von là một hình thức tích lũy có tính an toàn cao và mang đến thu nhập ổn định từ lãi suất ngân hàng mỗi tháng. Gửi tiết kiệm là hình thức tích lũy truyền thống mà mỗi gia đình đều nghĩ đến khi có tiền nhàn rỗi.

Chị em cũng có lưu ý đặc biệt rằng hãy sử dụng chính ngân hàng bạn hay rút tiền để lựa chọn gửi online cho món tiền này, đảm bảo việc rút tiền từ quỹ này được thuận tiện và nhanh chóng nhất, bất kể thứ 7, chủ nhật hay ngoài giờ giao dịch.

Một trong những cách gửi tiết kiệm ngân hàng có lợi nhất là bạn nên mở ít nhất hai sổ tiết kiệm thay vì một sổ. Trong đó, một sổ có thời hạn ngắn, thuận tiện rút khi có nhu cầu đột xuất, sổ còn lại có thời hạn dài để được hưởng khoản lãi trọn vẹn và tối đa.

Chẳng hạn, bạn có thể chia một khoản gửi kỳ hạn dài 18 tháng, một khoản gửi 12 tháng hay gửi 1-6 tháng. Thường thì gửi với kỳ hạn dài sẽ có lãi suất cao hơn. Trong trường hợp cần dùng đến tiền, bạn rút sổ có kỳ hạn ngắn một tháng thì sẽ mất ít lãi suất hơn. Tốt nhất, hãy cố gắng không tất toán trước hạn để hưởng trọn khoản lãi.

Chị N chia sẻ thêm, về việc sử dụng quỹ dự phòng cho những việc khẩn cấp như ốm đau bất ngờ, khi cần đầu tư gì đó mà dòng tiền gửi ngân hàng chưa đến ngày rút (rút sớm sẽ mất lãi), khi cần mua đồ đạc mà tiền trong nhà chưa đủ, đặc biệt là khi chị sinh con không đi làm được thì có quỹ dự phòng giúp chị chủ động hơn trong thời gian chờ bảo hiểm y tế chi trả.

Việc chia nhỏ quỹ dự phòng thành nhiều hình thức khác nhau để tiện sử dụng hơn và cũng có được lãi suất gia tăng thêm tài sản cho bản thân và gia đình.

https://kenh14.vn/luong-du-la-tich-vang-bao-gio-gia-thi-lay-2-chi-moi-thang-tieu-quan-diem-de-co-quy-du-phong-cua-nhieu-chi-em-hien-nay-lieu-co-kha-thi-20220328165151341.chn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày