Trước xu hướng "bỏ phố về quê" ngày càng trở nên phổ biến, Minh Lan (24 tuổi, quê ở Hà Tĩnh) có mức thu nhập 8 triệu/tháng vẫn muốn ở lại Hà Nội. Cô bạn chia sẻ rằng đây là một mức thu nhập khá thấp so với những người tuổi này tại Hà Nội. Tuy nhiên, cô bạn đang làm trong một công ty khởi nghiệp khá thú vị, học được rất nhiều điều từ sếp và đồng nghiệp nên chấp nhận đánh đổi. Bên cạnh đó, Minh Lan cho rằng học hành vất vả để đậu đại học tại Hà Nội, nỗ lực 4 năm ra trường với tấm bằng giỏi không phải để về quê.
Mặt khác, xét trên khía cạnh cuộc sống, Minh Lan cảm thấy khá bó buộc. Tức là lựa chọn công việc không có quá nhiều, không thể trải nghiệm cũng như tích lũy kinh nghiệm nhanh như ở Hà Nội. Cuộc sống ở thành phố dù vội vàng nhưng lại tự do hơn, và Minh Lan thích nhịp sống như vậy.
"Mình còn trẻ, không phải chịu trách nhiệm tài chính với bất kỳ ai. Bố mẹ mình đều là những người chủ động trong tài chính, chỉ cần mình có thể tự sống tốt. Với bối cảnh như vậy, mình vẫn quyết định tiếp tục bám trụ tại thành phố lớn này để tìm kiếm thêm nhiều cơ hội".
Bên cạnh đó, là một người trẻ độc thân, Minh Lan có thể chấp nhận ở nhà thuê cả đời, 8 triệu/tháng cũng là mức thu nhập đủ sống.
Ảnh minh hoạ: Pinterest
Nhật Linh, 27 tuổi, hiện đang là nhân viên văn phòng với thu nhập 20 triệu/tháng chia sẻ rằng cho dù lúc vừa mới ra trường đi làm với mức lương còn thấp, hay là bây giờ thu nhập cao hơn, mua nhà chưa bao giờ nằm trong kế hoạch cuộc đời của cô.
Lý do đầu tiên ngăn cản Nhật Linh chính là giá nhà hiện tại quá cao, muốn mua cũng phải vay nợ mới đủ. "Để mua được 1 căn hộ chung cư hay căn nhà nhỏ ở thành phố lớn bây giờ cũng là con số quá khổng lồ với thu nhập bình quân nhiều người. Nếu muốn sở hữu nhà, mình sẽ phải tiết kiệm, trả góp vài chục năm mới 'thoát nợ'. Bản thân mình không muốn sống một cuộc sống áp lực lúc nào cũng treo món nợ trên đầu. Mua nhà trả góp sẽ khiến việc chi tiêu, tận hưởng cuộc sống của mình bị ảnh hưởng hàng tháng".
Mặt khác, dù là trước đây hay bây giờ, việc có 1 tài sản là bất động sản mới có cảm giác an toàn, mới có "chỗ dựa" vẫn là suy nghĩ phổ biến. Tuy nhiên, theo quan sát của Nhật Linh, việc ở nhà thuê cả đời vẫn ổn. "Mình có tham khảo một số bài báo ở nước ngoài, cũng như các nghiên cứu đều cho thấy rằng, số tiền tổng thuê nhà cả đời so với tiền mua nhà có thể ngang bằng hoặc thấp hơn, tất nhiên điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố", Nhật Linh chia sẻ.
Bên cạnh đó, cô bạn cho rằng, còn nhiều mục tiêu khác trong cuộc đời thú vị và thiết thực hơn việc đứng tên 1 cuốn sổ đỏ. Thuê nhà giúp Nhật Linh thấy bớt đau đầu hơn việc nợ tiền trả góp. "Khi nào thu nhập thấp, bấp bênh, mình chỉ cần đơn giản là dọn đến một căn nhà nhỏ hơn, tiền thuê thấp hơn là có thể cân bằng tài chính. Nếu đến cuối đời, lúc đã 50, 60 tuổi mới sở hữu một căn nhà, trả hết nợ thì cũng không quá nghĩa lý với mình. Mình sẽ có cảm giác giống như dành cả tuổi trẻ để mua nhà vậy".
Ảnh minh hoạ: Pinterest
Giống như Minh Lan chấp nhận đánh đổi ở thuê cả đời cũng muốn "bám trụ" tại thành phố để có được nhiều cơ hội hơn trong công việc, nhiều người trẻ hiện nay không còn xem nhà là tài sản bắt buộc phải có. Mỗi người sẽ có những ưu tiên riêng trong cuộc sống, trong mỗi thời điểm, do vậy Minh Lan nhấn mạnh rằng người trẻ không nhất định phải bó buộc bản thân với những quan điểm phổ biến từ thế hệ trước.
Theo Nhật Linh, trong thời đại ngày nay, tâm lý "an cư lạc nghiệp" không còn đúng 100%. Nhà là nơi để ở, để phục vụ con người, không phải một thứ có thể đảm bảo bạn sống hạnh phúc. Miễn đó là nơi cho chúng ta sự thoải mái sau 1 ngày dài thì dù là nhà thuê hay nhà riêng đều được.