7 triệu đồng/tháng là mức lương phổ biến với nhiều người trẻ mới ra trường. Có nhiều người cho rằng, với đồng lương không cao này thì sẽ khó khăn cho các bạn trẻ để chi tiêu ở các thành phố lớn, nếu không có sự giúp đỡ từ gia đình.
Ở diễn biến ngược lại, có những người lại chung nhận định, dù 7 triệu đồng/tháng không phải mức thu nhập dư dả, nhưng nếu biết chi tiêu khéo léo, họ vẫn có thể sống tốt ở thành phố đắt đỏ, thậm chí dư vài triệu đồng/tháng. Hãy cùng gặp 2 người trẻ dưới đây để lắng nghe cách họ chi tiêu khéo léo với lương bình quân 7 triệu đồng/tháng mà không cần dựa dẫm vào tài chính của gia đình. Đó là:
- Khánh Huyền (23 tuổi, Hà Nội): Thực tập sinh khối Ngân hàng với mức lương 6-8 triệu đồng/tháng.
- Duy (24 tuổi, Hà Nội): Nhân viên văn phòng với mức lương 7-8 triệu đồng/tháng.
Khánh Huyền chia sẻ, với mức lương văn phòng 7 triệu đồng/tháng thì chỉ đủ để cô “sống ổn" tại thành phố lớn, chứ tiền lương đó sẽ không phù hợp để “sống tốt" và theo đuổi các nhu cầu xa xỉ như đi chơi, ăn uống đắt đỏ cùng bạn bè.
Từ khi còn nhỏ, Khánh Huyền đã biết cách sống tiết kiệm. Do đó, giờ đây dù nhận đồng lương ít ỏi, cô vẫn học cách thoải mái được với mức chi tiêu này, không cần vay mượn thêm từ người thân, bạn bè.
Khánh Huyền cho biết: “Với lương 7 triệu đồng, mình phân chia thu nhập như sau: 2 triệu đồng tiền nhà, 3 triệu đồng dành cho tiền ăn, 1 triệu dành cho xăng xe, mua mỹ phẩm và phụ kiện. Còn lại khoảng 1 triệu đồng thì mình dành để mua quần áo hoặc phòng ngừa lúc ốm đau, bệnh tật, hỏng xe.
Do mình mới đi làm nên bố mẹ không kỳ vọng con cái phải gửi tiền về. Cũng vì thế, trừ dịp lễ Tết có phong bao lì xì nhỏ tặng bố mẹ thì hầu như tiền kiếm được của mình sẽ dành cho chi tiêu cá nhân".
Ảnh minh hoạ
Một trường hợp khác, Duy cho biết do vừa chuyển ngành nên anh chàng chấp nhận đi làm với mức lương dành cho thực tập sinh là 7 triệu đồng/tháng. Trước đó, Duy đã tích góp được khoản tiết kiệm là 60 triệu đồng, tuy nhiên chàng trai chưa có ý định động vào chúng, trừ trường hợp khẩn cấp.
Với chi tiêu hàng tháng, Duy dùng hết mức lương văn phòng 7-8 triệu đồng để trang trải chúng. Anh chàng nhận định: “Mình là sinh viên mới ra trường nên tự nhận thức không nên đặt nhu cầu quá cao cho cuộc sống. Với những bạn có mức lương 7 triệu như mình, mình nghĩ quan trọng là nên tìm cách chi tiêu hợp lý.
Với mình, đây là đồng lương thấp nhưng nếu biết chi tiêu thì sẽ thấy bản thân không quá khó khăn hay dè xẻn đâu. Hiện, mình ở trọ cùng với bạn cùng tuổi, tiền nhà đã bao gồm tất cả chi phí là 1,7 triệu đồng. Tiền ăn uống là khoảng 2,5 triệu và đồ ăn do mình tự nấu. Mình đi làm cách nhà 4km nên tiền xăng để đi làm và về quê là 1 triệu đồng. Còn lại bao nhiêu là dành cho tiền tiêu vặt và quỹ riêng gửi về cho gia đình".
Duy nói thêm, với cách chi tiêu hiện nay thì khoảng vài tháng, anh có thể gửi bố mẹ 3-5 triệu đồng tuỳ tình hình tài chính và mức chi tiêu cá nhân. Về riêng mức lương 7 triệu đồng/tháng, anh chàng cho rằng nếu thu nhập cứ đứng im thì gần như không thể mơ đến tài sản lớn. Do đó, Duy vẫn đang nỗ lực để nhanh chóng tăng lương, song song với đó là chi tiêu khôn khéo để sống ở thành phố lớn mà không cần dựa vào gia đình.
Ảnh minh hoạ
Khánh Huyền cho biết, hiện cô đang sống một mình nên thấy vẫn ổn với mức sống khi đồng lương chỉ có 7 triệu/tháng. Tuy nhiên, để mà tính chuyện mua nhà với đồng lương này thì gần như… “không thể".
“Với mình, 7-8 triệu đồng/tháng mang lại cuộc sống thoải mái nếu chỉ ở một mình. Do vậy, mình nghĩ bản thân cần nỗ lực hơn để gia tăng thu nhập. Mục tiêu của mình là kiếm được 40 triệu đồng/tháng để tích góp tiền mua nhà, hoặc chuyển về vùng ven sinh sống nhằm sở hữu bất động sản rẻ hơn.
Tuy nhiên, mình nghĩ dù kiếm được lương 7 triệu hay 40 triệu thì quan trọng mọi người vẫn cần học cách tiết kiệm. Chứ kiếm được lương cao mà tiêu xài hoang phí thì mục tiêu mua nhà, mua xe cũng luôn trở nên xa vời".
Còn về phía Duy, anh chàng cho biết ngay cả khi chỉ nhận lương 7 triệu đồng/tháng thì chàng trai vẫn ấp ủ giấc mơ mua được nhà. Nhiều người cho rằng, để người trẻ mua được nhà nhanh chóng thì cần có ít nhất 2 nguồn thu nhập hoặc biết cách đầu tư, chứ không chỉ nên phụ thuộc vào lương nhân viên văn phòng. Còn Duy thì có những góc nhìn khác biệt.
Chàng trai chia sẻ: “Với mình, mình lại chọn nỗ lực theo đuổi ‘một nghề cho chín còn hơn chín nghề’. Vì mình tin vào tiềm năng phát triển của ngành và cơ hội kiếm được mức thu nhập tốt trong tương lai. Đó cũng là lý do mình quyết định nghỉ việc, rẽ sang theo đuổi ngành khác ở tuổi 24, dù đồng lương sụt giảm.
Tất nhiên, song hành với gia tăng thu nhập thì bản thân cần biết chi tiêu hợp lý. Và làm được điều đó, bước đầu tiên là mình đang học cách sống tốt với đồng lương 7 triệu đồng/tháng mà không cần phụ thuộc vào ai".