Lũ quét tại Trung Quốc và Mỹ: Những lời cảnh tỉnh nghiêm khắc từ thiên nhiên

Ban Thời sự, Theo vtv.vn 08:09 23/07/2025
Chia sẻ

Bão Wipha gây lũ quét ở Trung Quốc, trong khi Mỹ hứng chịu thảm họa lịch sử tại Texas, làm nổi bật nguy cơ ngày càng tăng từ biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ít nhất 2 người thiệt mạng và 10 người mất tích trong trận lũ quét xảy ra sáng 21/7 tại thành phố Tế Nam, thủ phủ tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc. Lượng mưa trút xuống quận Lai Vu trong vòng 5 giờ đã vượt 360 mm, tương đương lượng mưa trung bình của 6 tháng tại khu vực này.

Trận lũ là hậu quả trực tiếp của bão nhiệt đới Wipha, cơn bão đã gây ra mưa lớn kéo dài và thiệt hại diện rộng ở các tỉnh ven biển đông nam Trung Quốc. Nhiều địa phương như Phúc Kiến và Quảng Tây chìm trong ngập lụt nghiêm trọng, sạt lở đất xảy ra tại các tuyến đường miền núi, cây xanh trong đô thị bị quật đổ, và hàng loạt hồ chứa phải xả lũ khẩn cấp do mực nước vượt ngưỡng cảnh báo. Cơ quan Khí tượng Trung Quốc dự báo mưa lớn sẽ còn tiếp diễn đến hết ngày mai.

Bên kia bán cầu, Mỹ vừa chứng kiến một trong những thảm họa thiên tai nghiêm trọng nhất thế kỷ khi trận lũ quét lịch sử xảy ra tại Texas đúng vào ngày Quốc khánh 4/7. Tại khu vực trại hè Mystic, nơi có khoảng 750 nữ sinh đang tập trung, mưa lớn dồn dập đã khiến sông Guadalupe dâng hơn 8 mét chỉ trong vòng 45 phút. Hơn 100 người thiệt mạng và 170 người vẫn mất tích.

Lũ quét tại Trung Quốc và Mỹ: Những lời cảnh tỉnh nghiêm khắc từ thiên nhiên- Ảnh 1.

Cây xanh đổ ngổn ngang tại Thâm Quyến sau bão Wipha ngày 21/7/2025. (Ảnh: AFP)

Những nhân chứng sống sót không giấu được cảm giác kinh hoàng. “Nước dâng lên quá nhanh, không ai kịp phản ứng”, anh Macedonio Olvera, con trai một nạn nhân, chia sẻ. Một người cha khác vẫn đang đi dọc hạ lưu trong vô vọng tìm kiếm con gái mất tích: “Chúng tôi chỉ hy vọng các cháu còn sống”.

Theo các chuyên gia khí tượng, thảm họa tại Texas là kết quả của sự cộng hưởng nhiều yếu tố như hoàn lưu của bão nhiệt đới Barry, độ ẩm kỷ lục và địa hình đặc thù khu vực miền Trung. Tuy nhiên, yếu tố khiến hậu quả trở nên khốc liệt chính là biến đổi khí hậu. Dữ liệu cho thấy nhiệt độ đại dương tăng đã làm gia tăng lượng hơi nước trong khí quyển, dẫn tới lượng mưa vượt mức tự nhiên 20% - 30%.

Ông Ken Kunkel, nhà khoa học khí quyển tại Đại học Bang North Carolina, nhận định: “Khi nước biển ấm lên, hơi nước trong không khí nhiều hơn, và khi bị cuốn vào một hệ thống thời tiết, nó như nhiên liệu tiếp sức cho cơn bão mạnh lên”.

Lũ quét tại Trung Quốc và Mỹ: Những lời cảnh tỉnh nghiêm khắc từ thiên nhiên- Ảnh 2.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm người mất tích dọc sông Guadalupe sau trận lũ quét tại Kerrville, Texas ngày 12/7/2025. (Ảnh: AP)

Trước thực tế đó, giới khoa học Mỹ đang phát triển các giải pháp công nghệ để cải thiện năng lực dự báo thiên tai. Tại Đại học Penn State, một nhóm chuyên gia đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xây dựng mô hình dự báo lũ theo thời gian thực, phân tích đồng thời dữ liệu mưa, địa hình và dòng chảy để đưa ra cảnh báo nhanh và chính xác hơn.

Giáo sư Chaopeng Shen, Đại học Penn State, cho biết: “Nếu ta có thể biết trước vùng có nguy cơ lũ 50 năm, ta có thể thiết kế hạ tầng hoặc lên kế hoạch ứng phó hợp lý”. AI không chỉ giúp dự báo sớm, mà còn có thể mô phỏng kịch bản thảm họa và lập kế hoạch ứng phó ngay từ trước.

Tuy nhiên, công nghệ chỉ là một phần của giải pháp. “Nếu thiếu nghiên cứu, thiếu nhân lực, chúng ta sẽ không có dự báo chất lượng. Và khi đó, thiệt hại sẽ càng lớn”, ông Rick Spinrad, cựu Giám đốc Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ cảnh báo.

"Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt qua những hiện tượng thời tiết cực đoan và khốc liệt. Trí tuệ nhân tạo có thể giúp dự báo sớm và hiệu quả hơn, nhưng giải pháp bền vững nhất vẫn nằm ở hành động quyết liệt của con người trong việc giảm phát thải, bảo vệ môi trường và nâng cao năng lực thích ứng với thiên tai" - ông Rick Spinrad, cựu Giám đốc Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ cảnh báo.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày