Thường xuyên xuất hiện trong chiếc áo sơ mi hoa lá mang phong cách Hawaii, quần jean rách và cặp kính râm Aviator, ít ai có thể hình dung Paige Mycoskie đang điều hành một trong những thương hiệu thời trang đắt giá nhất nước Mỹ, với những sản phẩm vô cùng phổ biến với thế hệ trẻ trên nền tảng video TikTok. Nổi tiếng với những chiếc quần in hình mặt cười (giá 160 USD) và những chiếc áo hoodie sọc cầu vồng (giá 190 USD), công ty Aviator Nation của Paige Mycoskie đã cất cánh trong thời gian đại dịch khi giới trẻ muốn thay thế những những bộ đồ công sở cứng nhắc sang các loại quần áo mặc nhà thoải mái và mềm mại.
Doanh thu của Aviator Nation đã tăng từ 70 triệu USD vào năm 2020 lên 110 triệu USD vào năm 2021 và dự kiến tăng ít nhất gấp đôi vào năm 2023. Tỷ suất lợi nhuận gộp ước tính là hơn 70%. Mycoskie sở hữu toàn bộ cổ phần tại Aviator Nation. Hoạt động kinh doanh thuận lợi cho phép người phụ nữ 42 tuổi này tự trả cho mình 47,5 triệu USD cổ tức vào năm ngoái. Forbes ước tính tổng tài sản cô nắm giữ đạt khoảng 350 triệu USD (song Mycoskie cho rằng con số thực tế phải lên đến 700 triệu USD).
Nguồn vốn khởi nghiệp của Mycoskie không đến từ các khoản đầu tư bên ngoài mà chủ yếu dựa vào các khoản vay từ những ngân hàng như Wells Fargo and Frost Bank. “Nếu tôi nhận tiền từ người nào, tôi sẽ phải nợ họ thứ gì đó, và công ty sẽ không nằm trong tầm kiểm soát của tôi", Mycoskie nói. “Tôi sẽ không cảm thấy tự do khi thiết kế sản phẩm nữa. Bạn không thể sáng tạo khi phải gánh chịu áp lực".
Mỗi bộ quần áo ở Aviator Nation đều do Mycoskie phác thảo và được may thủ công, thậm chí ngay cả logo thương hiệu cũng được thêu tay toàn bộ. “Tôi từng thuê trợ lý thiết kế, nhưng tôi không thích lắm", Mycoskie chia sẻ. “Việc duy trì hoạt động sản xuất tại địa phương cũng giúp Aviator Nation tránh được khủng hoảng chuỗi cung ứng vốn đang làm khó rất nhiều đối thủ khác của công ty".
Mỗi bộ quần áo ở Aviator Nation đều do Mycoskie phác thảo và được may thủ công, thậm chí ngay cả logo thương hiệu cũng được thêu tay toàn bộ. Ảnh: Forbes
Với mức giá cao gấp 3 lần một chiếc quần thể thao của thương hiệu Adidas, giá các sản phẩm của Aviator Nation có thể khiến nhiều người kinh ngạc. Theo Alixandra Barasch, phó giáo sư marketing tại Trường Kinh doanh Stern, mức giá kỳ lạ này đã góp phần không nhỏ cho thành công của thương hiệu. “Từ quan điểm của những cá nhân có đủ khả năng chi trả, nó cho phép họ thể hiện sự giàu có theo cách riêng của mình", Barasch nhận định.
Về phần mình, Mycoskie khẳng định mức giá này là xứng đáng bởi các sản phẩm của Aviator Nation sử dụng vải chất lượng cao, quá trình sản xuất phức tạp và được sản xuất hoàn toàn tại Mỹ.
Paige Mycoskie sinh ra và lớn lên ở Texas, trong một gia đình có truyền thống vận động viên. Mẹ cô là một cựu huấn luyện viên thể dục nhịp điệu trong khi bố là bác sĩ của đội bóng chày Texas Rangers.
Mãi đến năm 22 tuổi, Mycoskie mới đặt chân đến California nhờ tham gia chương trình truyền hình thực tế "Cuộc đua kỳ thú" của đài CBS. Cô nhanh chóng nhận ra đây là "miền đất hứa" và bỏ học Đại học bang Arizona để chuyển đến Hollywood. Tại đây, cô nhận việc ở CBS trong vai trò một nhân viên tuyển người chơi cho các chương trình thực tế.
Tuy nhiên, rất nhanh, Mycoskie cảm thấy chán nản và bắt đầu thử sức với nhiều công việc mới như nhiếp ảnh, biểu diễn đám cưới, làm nhân viên bán hàng tại cửa hàng bán ván lướt sóng... Đây cũng là lúc Mycoskie nhận ra cô thích công việc buôn bán, kinh doanh.
Sử dụng món quà sinh nhật 200 USD từ ông bà, Mycoskie mua chiếc máy may đầu tiên, sau đó tái chế các trang phục mua sẵn từ các cửa hàng thành những bộ đồ mới mang phong cách của riêng mình. Các trang phục ban đầu rất đơn giản, nhưng Mycoskie luôn nhận được lời khen mỗi khi cô mặc chúng đến nơi đông người.
Từ đó, cô quyết tâm thành lập Aviator Nation. Sau nhiều tháng phải may vá trong nhà bếp chật chội, tháng 9/2006, cô thuê một gian hàng tại hội chợ đường phố Venice Beach với giá 500 USD. Ngay ngày đầu mở cửa, toàn bộ quần áo được bán hết và Paige Mycoskie thu về 8.000 USD. Cô lập tức bỏ việc tại cửa hàng bán ván lướt sóng và chuyên tâm vào công việc kinh doanh.
Năm 2009, khi nhận thấy các sản phẩm quần áo của mình liên tục cháy hàng trong các khu triển lãm, Mycoskie tính đến việc mở cửa hàng chính thức đầu tiên. Ban đầu, cô phải thuê tòa nhà nằm trên trục chính đại lộ Abbot Kinney. Thế nhưng đến tháng 4 vừa rồi, cô đã chính thức mua đứt tòa nhà với giá 5 triệu USD.
Khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020, Mycoskie rất hoảng sợ. Cô vừa mới mở thêm 6 cửa hàng mới trong năm 2019. Một ngày sau khi khai trương cửa hàng mới nhất tại Las Vegas, cô nhận được thông báo mọi thứ sẽ phải đóng cửa do quy định phòng dịch.
Khi đó, Mycoskie hành động hoàn toàn theo bản năng. “Tôi gọi điện nói chuyện với người đứng đầu bộ phận thương mại điện tử của công ty và bảo rằng chúng ta phải kiếm được nhiều tiền nhất có thể trong 24 giờ tới", Mycoskie nhớ lại. Với việc không có cửa hàng và nhà máy nào được hoạt động, Mycoskie sẽ sớm không còn tiền để trả lương cho 300 nhân viên - nhiều người trong số đó đã gắn bó với cô trong nhiều năm.
Blake và Paige Mycoskie, khi đó 25 và 22 tuổi tham gia chương trình "Cuộc đua kỳ thú". Ảnh: CBS
Mycoskie đưa tất cả hàng tồn kho tại các cửa hàng mới lên trang web, sau đó gửi email cho bất kỳ ai từng tiếp xúc với Aviator Nation để quảng cáo về một đợt khuyến mãi hiếm có — giảm giá 20% cho tất cả các mặt hàng — tất cả tiền thu được sẽ thuộc về nhân viên công ty. Chiến dịch này giúp Aviator Nation kiếm về khoảng 30.000 USD tiền hàng trên website một ngày trước khi mở bán. Khi hàng chính thức lên kệ, họ thu được 1,4 triệu USD chỉ trong 24 tiếng.
Theo Mycoskie, chiến dịch đó không chỉ giúp Aviator Nation có được một khoản tiền tức thời để hỗ trợ nhân viên mà còn mang lại nhiều lợi ích khác. Thực tế, nó còn được coi là bàn đạp cho sự tăng trưởng vượt bậc của công ty thời gian qua. “Nhờ hiệu ứng truyền miệng, tất cả sản phẩm đều được đón nhận, bởi thời điểm đó, nhiều người ở nhà và không có việc gì để làm, nên họ bắt đầu đăng ảnh mặc đồ của chúng tôi lên mạng xã hội", Mycoskie cho biết. “Tôi thực sự nghĩ rằng đây là một lợi ích rất lớn cho công ty.”
Dù Mycoskie khẳng định công ty của cô không có đối thủ cạnh tranh, nhưng không thể phủ nhận, có rất nhiều đối thủ đang bước vào phân khúc đồ thể thao sang trọng. Ví dụ, thương hiệu thời trang đường phố Supreme đang bán những chiếc áo Hoodie giá 150 USD hay FREECITY cũng chuyên về quần áo thể thao may thủ công và bán sản phẩm với giá 250 USD.
Ngoài ra, Aviator Nation cũng gặp không ít rắc rối về mặt thiết kế. Công ty từng bị hãng thể thao Adidas kiện do các mẫu quần áo sử dụng chi tiết 3 sọc dọc trên sản phẩm của mình, hay bị các nhóm người bản địa kiện vì sử dụng các họa tiết truyền thống trong thiết kế sản phẩm.
Dẫu vậy, Aviator Nation đã vượt qua được những khó khăn này và đang tiếp tục phát triển. Mycoskie hiện đang tập trung vào việc mở rộng, với các sản phẩm sắp ra mắt như giày, kính râm, đồ gia dụng, cùng với vợt tennis và gậy đánh golf.
Ngoài ra, công ty cũng đang thử nghiệm với việc mở rộng “trải nghiệm” mua bán trực tiếp tại các cửa hàng của Aviator Nation, như biểu diễn nhạc sống, kết hợp giữa không gian hòa nhạc và quán bar hay ra mắt phòng tập thể dục kết hợp đạp xe, đấm bốc và yoga.
Dù bất ngờ với tốc độ phát triển của Aviator Nation thời gian qua, song Mycoskie khẳng định cô luôn trung thành với chiến lược “tăng trưởng chậm”, phương châm giúp cô đạt được thành công hiện nay.
“Tôi đã mất 15 năm để tìm ra nó và tôi dần dần học được cách làm đúng. Vì vậy, ở một số khía cạnh, tôi tin rằng chúng tôi có khả năng chống chọi với nhiều khó khăn trong chặng đường phát triển của mình", nữ doanh nhân tự tin khẳng định.