Năm ngoái, Apple đồng ý chi trả 35 triệu USD để giải quyết một vụ kiện tập thể ở Mỹ, liên quan đến lỗi âm thanh thường gặp trên iPhone 7 và 7 Plus do chip bị lỗi. Hiện tại, Apple đã bắt đầu gửi email thông báo tới những khách hàng đủ điều kiện nhận bồi thường.
Bạn có thể được Apple bồi thường nếu:
- Là cư dân Mỹ.
- Sở hữu iPhone 7 hoặc 7 Plus từ ngày 16/9/2016 đến 3/1/2023.
- Đã từng báo cáo sự cố âm thanh cho Apple theo các điều khoản của thỏa thuận.
- Tự chi trả để sửa chữa hoặc thay thế iPhone do lỗi âm thanh.
Số tiền bồi thường có thể lên đến 349 USD (8.5 triệu đồng) cho những người đã tự chi trả sửa chữa điện thoại, và 125 USD (3 triệu đồng) cho những trường hợp còn lại.
Nếu bạn không nhận được email thông báo nhưng tin rằng mình đủ điều kiện, hãy gửi email đến info@smartphoneaudiosettlement.com. Hạn chót để lựa chọn phương thức nhận bồi thường, phản đối thỏa thuận hoặc rút khỏi tham gia là ngày 3/6.
Chip âm thanh trên iPhone 7
Tháng 5/2018, trang MacRumors đã tiết lộ một tài liệu nội bộ của Apple thừa nhận lỗi ảnh hưởng đến một số mẫu iPhone 7 và 7 Plus. Lỗi này thường được gọi là "Lỗi IC âm thanh". Theo tài liệu, các nhà cung cấp dịch vụ có thể sửa chữa miễn phí lỗi này cho một số khách hàng, kể cả khi máy đã hết bảo hành.
Tuy nhiên, chính sách này đột ngột kết thúc vào tháng 7/2018 sau khi Apple xóa bỏ tài liệu. Kể từ đó, một số nhân viên Apple đã phủ nhận sự tồn tại của hướng dẫn nội bộ này, khiến nhiều khách hàng phải trả phí sửa chữa lên đến hơn $300 tại Mỹ.
Không thể bật được loa ngoài khi gọi điện là một trong những triệu chứng của lỗi âm thanh trên iPhone 7
Nguyên nhân chính dẫn đến lỗi âm thanh trên iPhone 7 là do thiết kế kém. Theo đó, khung nhôm của iPhone 7 được làm từ vật liệu không đạt chuẩn, cho phép điện thoại bị bẻ cong ngay tại vị trí bộ điều khiển âm thanh trên bo mạch chủ. Mối hàn nối chip IC âm thanh với bo mạch chủ bị hỏng, dẫn đến một loạt vấn đề, bao gồm cả lỗi IC âm thanh.
Apple bị kiện về vấn đề này tại nhiều bang của Mỹ vào năm 2019, với cáo buộc vi phạm luật bảo vệ người tiêu dùng và phá vỡ bảo hành. Mặc dù đồng ý bồi thường, Apple vẫn phủ nhận mọi sai phạm và tòa án chưa đưa ra phán quyết chính thức.