Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) thông báo xét tuyển chứng chỉ kết hợp với kết quả học tập bậc THPT, áp dụng với học sinh theo học tại các trường THPT thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc học sinh hệ chuyên của các trường THPT chuyên cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Đồng thời, thí sinh phải có kết quả học tập cả 3 năm cấp THPT được đánh giá mức tốt (học lực xếp loại giỏi trở lên) và đạt tối thiểu 8 điểm môn Toán hoặc điểm 2 môn (Toán, Ngữ văn) đạt tối thiểu 15 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Thí sinh sử dụng chứng chỉ quy đổi sang thang điểm 10 tính hệ số 2 kết hợp với kết quả học tập 6 học kỳ bậc THPT của 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển, sau đó quy về thang 30 và cộng điểm ưu tiên theo quy định.
Công thức tính điểm như sau: Điểm xét tuyển = [(Điểm môn 1 + Điểm môn 2 + (Điểm quy đổi chứng chỉ sang thang điểm 10 x 2))/4 x 3] + điểm thưởng + điểm ưu tiên (nếu có).
Nhiều trường đại học top đầu đào tạo ngành Ngôn ngữ thông báo sử dụng phương thức xét học bạ. (Ảnh minh hoạ)
Trường Đại học Ngoại thương năm nay tuyển sinh bằng các phương thức: xét học bạ, sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét chứng chỉ đánh giá năng lực trong nước và quốc tế, xét tuyển thẳng.
Trong đó, phương thức xét học bạ áp dụng cho ba nhóm thí sinh, gồm: tham gia kỳ thi học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật quốc gia; đạt giải ba trở lên kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố; là học sinh trường chuyên. Điều kiện cụ thể với từng nhóm khác nhau, song yêu cầu chung là tổng ba môn thi tốt nghiệp từ 24 trở lên.
Học viện Ngoại giao xét tuyển kết hợp học bạ và chứng chỉ quốc tế. Thí sinh cần có điểm trung bình 6 học kỳ lớp 10, 11, 12 đạt từ 8, kèm một trong các chứng chỉ ngoại ngữ Anh, Pháp, Đức, Trung, Nhật, Hàn hoặc điểm bài thi SAT/ACT.
Điều kiện chứng chỉ tiếng Anh là IELTS Academic 6.0 (hoặc TOEFL iBT 60, PTE-A 46 điểm, Cambridge English Qualifications 169 điểm) trở lên. Với các ngoại ngữ khác: tiếng Pháp và Đức tương đương B1, tiếng Trung tối thiểu 260 điểm HSK4, tiếng Hàn TOPIK 3, tiếng Nhật N3 trở lên. Với các mức tối thiểu, điểm quy đổi ngoại ngữ là 8. Ở mức 8.0 IELTS hoặc tương đương trở lên, thí sinh được tính 10 điểm.
Nếu sử dụng điểm SAT/ACT, điểm cần đạt tối thiểu lần lượt là 1200/1600 và 23/36.
Điểm xét tuyển (tối đa 30) = M1 + M2 + M3 + Điểm khuyến khích của Học viện (nếu có) + Điểm ưu tiên của Bộ GD&ĐT (nếu có).
Trong đó, M1 là điểm quy đổi chứng chỉ quốc tế. M2 là điểm trung bình học bạ môn Toán hoặc Ngữ văn, cả ba năm. M3 là điểm trung bình học bạ một môn bất kỳ (không phải môn ngoại ngữ và khác M2), thuộc tổ hợp xét tuyển.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 thông báo sử dụng phương thức xét học bạ trong năm 2025. Điểm xét tuyển là tổng trung bình ba môn trong tổ hợp ở lớp 12, cộng điểm ưu tiên nếu có.
Để đăng ký vào nhóm ngành sư phạm (trừ ngành Giáo dục thể chất), thí sinh phải có điểm trung bình cộng các môn trong tổ hợp từ 8 trở lên; học lực lớp 12 loại giỏi, tốt hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8 trở lên. Trường hiện đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh và Trung
Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế thông báo xét học bạ bằng điểm trung bình học tập 4 học kỳ (2 học kỳ năm lớp 11 và 2 học kỳ năm lớp 12) của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển. Nhà trường lưu ý, điểm môn Ngoại ngữ phải đạt các tiêu chí như sau (không áp dụng cho ngành Việt Nam học):
- Với ngành Sư phạm tiếng Anh, điểm trung bình 4 học kỳ môn tiếng Anh từ 8.0 trở lên
- Với ngành Ngôn ngữ Anh, điểm trung bình 4 học kỳ môn tiếng Anh từ 7.0 trở lên
- Các ngành còn lại, điểm trung bình 4 học kỳ môn Ngoại ngữ từ 6.5 trở lên
Ngoài ra, trường xét kết hợp kết quả học tập cấp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển.