Mới đây, vụ việc một phụ huynh tố con là học sinh lớp 7 tại Đắk Lắk bị cô giáo dạy thêm dùng thước gỗ đánh bầm mông vì làm sai số thứ tự bài tập đã khiến dư luận phẫn nộ. Cụ thể, em được yêu cầu làm bài 12 và 13, nhưng lại làm nhầm sang bài 14 và 15. Cô giáo cho rằng em không tuân thủ yêu cầu nên đã dùng thước đánh khoảng 20 cái vào mông, để lại vết bầm tím rõ rệt. Gia đình học sinh sau đó đã đưa con đi kiểm tra và trình báo sự việc lên công an phường.
Vụ việc hiện đang được cơ quan chức năng xác minh, song nó thực chất chạm đến một vấn đề lớn hơn: Ranh giới giữa "kỷ luật" và "bạo lực" trong giáo dục hiện nay.
Là một phụ huynh, tôi không ủng hộ việc giáo dục buông lỏng kỷ luật, cũng không cho rằng thầy cô phải luôn nhẹ nhàng, nhân nhượng. Trẻ con cần được dạy cách chịu trách nhiệm, cần hiểu rằng hành vi nào cũng có hệ quả. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc cứ sai là phải đánh, và cứ là giáo viên thì có quyền trút giận lên học sinh.
Tôi tin rằng hình phạt trong môi trường giáo dục là điều cần thiết, khi nó xuất phát từ mục tiêu giúp học sinh tiến bộ, chứ không phải từ cảm xúc nhất thời của người lớn.
Từ xưa, người Việt vẫn có câu "thương cho roi cho vọt". Nhưng điều quan trọng là roi đó đánh vào lỗi sai hay đánh vào lòng tự trọng của đứa trẻ? Có giúp em hiểu ra điều gì hay chỉ khiến em sợ hãi, tổn thương?
Trong trường hợp này, học sinh không lười biếng, không nói dối, không hỗn hào. Em chỉ làm nhầm bài, một lỗi có thể sửa bằng lời nhắc, bằng yêu cầu làm lại, hoặc cùng lắm là một hình thức cảnh cáo phù hợp. Không ai phủ nhận quyền nhắc nhở, phê bình hay xử lý của giáo viên. Nhưng hành động dùng thước đánh bầm mông học sinh 20 cái, trong một lớp học thêm rõ ràng là quá mức.
Đó không còn là "hình phạt" nữa, mà là hành vi bạo lực và là sự bộc lộ cảm xúc tiêu cực từ phía người lớn.
Trong bất kỳ môi trường nào, người dạy dỗ trẻ em cần là người biết giữ bình tĩnh khi đối mặt với sai sót của trẻ. Một đứa trẻ sai một, nhưng người lớn mất kiểm soát sẽ khiến tình hình đi xa mười.
Học sinh lớp 7 không còn là "trẻ con" chỉ biết im lặng chịu đòn, nhưng cũng chưa đủ trưởng thành để bảo vệ mình. Các em rất nhạy cảm với thái độ của người lớn: một câu nói khinh miệt, một cú đánh quá tay, hay thậm chí là sự im lặng lạnh lùng tất cả đều có thể để lại vết hằn tâm lý dài lâu.
Người làm nghề giáo cần có kỹ năng chuyên môn, nhưng trước hết phải có kỹ năng kiểm soát cảm xúc, đặc biệt khi làm việc với lứa tuổi vị thành niên. Một cái lắc đầu từ thầy cô đôi khi còn hiệu quả hơn tiếng quát tháo. Một lần bị buộc tự viết bản kiểm điểm có thể khiến học sinh nhớ lâu hơn cả một trận đòn.
Còn nếu giáo viên để cảm xúc dẫn dắt hành vi, coi lớp học là nơi xả giận, thì đó không còn là giáo dục, mà là lạm dụng quyền lực.
Một điểm đáng suy ngẫm trong câu chuyện này là sự "mặc định đúng" của người lớn trong mối quan hệ với trẻ em. Nhiều giáo viên vẫn giữ tâm thế: "Tôi là thầy cô, tôi có quyền dạy dỗ theo cách của tôi". Nhưng nếu cách đó gây tổn hại đến thân thể và tinh thần học sinh, thì cần xem lại: giáo viên có còn giữ đúng vai trò người hướng dẫn, hay đã lạm dụng vị thế để trừng phạt?
Tôi từng nghe một cô giáo chia sẻ: "Trò sai, không phạt thì nó không sợ". Nhưng phạt để học sinh "sợ" không thể là mục tiêu cuối cùng của giáo dục. Điều học sinh cần không phải là sợ thầy cô, mà là sợ sai vì hiểu rằng cái sai ấy sẽ khiến mình tổn thương, người khác tổn thương, hoặc làm chậm bước đường mình đi.
Và để học sinh "sợ sai" theo nghĩa tích cực ấy, cần một người thầy bản lĩnh, kiên nhẫn, công tâm chứ không phải nóng nảy, thiếu kiềm chế.
Với một học sinh lớp 7 đang ở giai đoạn phát triển cả về thể chất lẫn tâm lý một trận đòn mang tính trừng phạt không chỉ khiến em đau đớn tức thời, mà còn để lại những tổn thương âm ỉ trong lòng.
Việc bị đánh bằng thước gỗ 20 cái, để lại vết bầm tím trên cơ thể, có thể khiến em cảm thấy xấu hổ, tổn thương lòng tự trọng, và thậm chí hình thành cảm giác bất an với người lớn.
Tôi không bênh con vô lý. Nếu con tôi hỗn láo, coi thường kỷ luật, gian lận hay lười học, tôi hoàn toàn ủng hộ thầy cô nghiêm khắc, thậm chí phạt thật nặng nếu cần thiết. Nhưng điều kiện là: hình phạt phải hợp lý, có tính giáo dục, không xúc phạm danh dự và nhân phẩm học sinh.
Tôi càng không muốn gửi con mình đến một nơi mà mỗi lỗi nhỏ đều có thể bị xử lý bằng nỗi đau thể xác. Một cây thước có thể khiến học sinh nhớ lỗi, nhưng chính cách cư xử của người thầy mới khiến các em học được cách làm người.
Hơn ai hết, thầy cô chính là người giúp học sinh hiểu rằng: sai không đáng sợ, điều quan trọng là biết nhận lỗi, sửa lỗi, và không tái phạm. Một người thầy tốt, đôi khi chỉ cần một ánh mắt nghiêm nghị, một câu hỏi nhẹ nhàng: "Tại sao em làm vậy?" cũng đủ khiến học sinh day dứt, suy nghĩ và trưởng thành hơn.
Tôi ủng hộ kỷ luật trong giáo dục. Nhưng tôi không ủng hộ bạo lực đội lốt kỷ luật. Tôi tin vào quyền của người thầy trong việc dạy dỗ học sinh, nhưng tôi cũng tin vào quyền của mỗi đứa trẻ được học trong một môi trường an toàn cả thể chất lẫn tinh thần.
Giáo dục là một hành trình dài, đòi hỏi sự nghiêm khắc nhưng cũng đầy bao dung. Và người thầy thực sự không để lại vết bầm tím trên cơ thể học sinh mà để lại dấu ấn trong nhân cách và cách sống của các em suốt đời.