Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia, người dân đã có cách chế biến sứa một cách tinh tế, biến nó thành một món ăn giòn, ngon và thường dùng như một món khai vị tuyệt vời.
Khi được xử lí kĩ, sứa là một món ăn khoái khẩu, có kết cấu hiếm thấy ở các loại thực phẩm khác. Những người yêu thích sứa mô tả thịt sứa mịn, giòn, sần sật và hơi xốp.
Tất nhiên, không phải tất cả các loài sứa đều có thể ăn được, nhưng nhiều loại sứa cát (còn có tên khoa học là rhopilema esculenta Kishinouye) hay được khai thác ở Bột Hải, ngoài khơi bờ biển phía đông bắc Trung Quốc. Sứa tại đây được thu hoạch, chế biến và tiêu thụ khối lượng lớn ở cả Trung Quốc, Bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản.
Thông thường, sứa khi được mang về từ biển sẽ được các ngư dân Trung Quốc ngâm nước muối, sấy khô và cuối cùng ướp để bảo quản. Đây không phải là một công đoạn dễ dàng và sứa cần vài tuần khử nước trước khi được mang ra chợ bán.
Phần đầu sứa là một lớp mỏng, giòn có thể được cắt thành dải mỏng và trộn với salad. Đây là món khai vị vô cùng phổ biến trong hầu hết các bữa tiệc trang trọng của Trung Quốc, và thường là "ngôi sao" trong thực đơn.
Trong khi đó, tại Thái Lan và Việt Nam, bún sứa là món ăn đường phố được yêu thích. Ở Nhật Bản, một trong những món phổ biến nhất trên băng chuyền sushi là món sushi sứa tẩm ướp gia vị.
Sứa hầu như không có vị, nhưng nó có thể được trộn cùng giấm, muối, đường và mè. Món ăn sứa sẽ giòn và ngon hơn nếu được làm lạnh.
Các xúc tu của sứa cũng được người dân Trung Quốc ưa chuộng. Họ thường cắt chúng ra và ướp với giấm, tỏi băm và dầu ớt trước khi ăn cùng dưa chuột thái nhỏ. Đây là một món ăn phổ biến đối với "dân nhậu" ở đất nước này.
Đã có thời sứa chỉ có thể được chế biến trong các nhà hàng chuyên nghiệp.
Những miếng sứa khô đã ướp muối phải được rửa đi rửa lại nhiều lần bằng nước để loại bỏ lớp muối khô. Đó là một quá trình tốn thời gian đối với các hộ gia đình thông thường.
Ngày nay, sứa xử lí sẵn đã trở nên phổ biến hơn và có thể dễ dàng mua tại chợ. Việc cải tiến trong kĩ thuật đóng gói và vận chuyển cũng đồng nghĩa với việc sứa trở thành một loại thực phẩm phổ biến.
Hơn thế nữa, số lượng sứa vẫn khá dồi dào cho nhu cầu tiêu thụ của con người. Cho đến nay, không có nguy cơ sứa biến mất khỏi các vùng biển xung quanh Trung Quốc. Trên thực tế, các vùng biển ấm lên dường như đã tạo điều kiện để sứa sinh sôi và ngành công nghiệp này đang phát triển mạnh. Các cơ quan nông nghiệp và thủy sản ở Trung Quốc cũng đã bắt đầu nghiên cứu về việc nuôi sứa giống để chuẩn bị cho nhu cầu cao hơn.
Sứa có thể ít vị, nhưng nó là một loại thực phẩm ít chất béo và tương đối giàu protein và collagen. Y học cổ truyền Trung Quốc tin rằng tiêu thụ sứa thường xuyên sẽ cải thiện sức khỏe và sụn khớp cho con người.
Sứa có nhiều protein, canxi, iốt và các khoáng chất vi lượng và vitamin. Đông y dùng sứa để "thanh nhiệt" cơ thể, nhất là vào những ngày cuối hè, tin rằng nó giúp long đờm, lợi tiểu và hỗ trợ huyết áp.
Tại Việt Nam, sứa không chỉ là món ăn phổ biến mà còn trở thành đặc sản khiến nhiều thực khách mê mẩn. Trong số những món ăn "thượng hạng", không thể không nhắc tới bún sứa Nha Trang.
Bún sứa có thể đã xuất hiện ở nhiều nơi nhưng bún sứa Nha Trang chính gốc vẫn được coi là ngon nhất. Bún sứa Nha Trang là món ăn đặc trưng của thành phố biển này, được cả người dân địa phương và khách du lịch ưa chuộng. Khi mùa hè nóng nực đến, món ăn từ sứa lại càng thơm ngon, giúp giải nhiệt bên trong cơ thể.
Sứa được chọn để nấu món này là những con nhỏ, chỉ to cỡ bằng ngón tay cái. Thịt sứa dày và có màu trắng đục khá giống với màu của cơm dừa. Ngư dân phải chèo thuyền ra xa bờ mới bắt được loại sứa này. Chả cá trong bún sứa được làm từ cá thu hoặc cá nhồng. Sau khi lọc xương, thịt cá được xay nhuyễn, nặn thành viên rồi đem đi hấp để giữ nguyên mùi vị.
Nước dùng trong bát bún sứa chuẩn sẽ không phải ninh từ thịt hay xương ống mà từ các loài cá biển. Nhờ đó, bún sứa có nước dùng trong, không mỡ, vị thanh và ngọt, ăn kèm với giá đỗ và rau sống sẽ rất vừa miệng.
Công thức làm bún sứa Nha Trang bắt nguồn từ ẩm thực miền Trung Việt Nam. Ở vùng đất này, người dân địa phương chỉ sử dụng cá thay vì thịt để nấu nước dùng. Các thành phần khác cũng đến từ biển. Nhờ hạn chế sử dụng chất phụ gia, món ăn dễ dàng giữ nguyên hương vị biển cả, đậm đà bản sắc văn hóa địa phương.
Bún sứa không chỉ được người dân Nha Trang ưa chuộng mà còn được lòng rất nhiều du khách. Chính công thức độc đáo nhưng tận tâm của người đầu bếp đã gây ấn tượng với mọi thực khách và biến sứa trở thành loại thực phẩm độc đáo của vùng biển Việt Nam.