Hiện nay trong cuộc sống hiện đại, đa phần mọi công việc từ nhỏ nhất đều có những vật dụng chuyên biệt đi kèm. Có thể kể tới như rửa bát sẽ có nước rửa bát, cọ nhà vệ sinh có dung dịch cọ rửa, diệt khuẩn, giặt quần áo bột/nước/viên giặt hay lau nhà cũng có nước lau nhà riêng...
Cũng chính bởi sự tiện lợi này mà ít ai biết, chính những thứ hàng ngày bị bỏ đi trong chính căn nhà cũng có tác dụng phần nào, hữu ích, nhưng đang bị lãng phí. Nước vo gạo chính là một ví dụ rất điển hình.
Sau khi được vo, rửa, gạo sẽ thôi ra một lượng nước nhất định mang màu trắng đục. Thông thường chúng sẽ được đổ đi ngay, tuy nhiên theo bài viết trên aboluowang, các gia đình có thể giữ lại nước vo gạo để phục vụ nhiều công việc đơn giản trong cuộc sống, ví dụ như việc rửa bát.
Các chuyên gia đánh giá, nước vo gạo có thể làm sạch tốt các loại bát đĩa, thậm chí là nồi, xoong hay các dụng cụ nấu nướng, ăn uống khác, nếu chúng không bị dính quá nhiều dầu mỡ. Sở hữu công dụng này là bởi nước vo gạo có chứa tính axit nhẹ, độ pH khoảng 6. Từ đó có thể làm sạch một số vết bẩn đơn giản, trong đó bao gồm cả các vết rỉ sét hay các vết màng nước cứng.
Cách rửa bát đĩa, đồ dùng với nước vo gạo tương tự như cách chúng ta vẫn sử dụng nước rửa chén hàng ngày. Tốt nhất nên sử dụng nước vo gạo nước đầu - tức là lượng nước từ gạo ở lần đầu tiên vo, rửa gạo. Đây là lượng nước có màu trắng đục nhất, chứa axit mang tính tẩy rửa nhiều nhất.
Với các loại bát đĩa, xoong nồi hay đồ dùng có dầu mỡ, người dùng có thể hòa thêm 1 chút dung dịch rửa bát cùng với nước vo gạo để việc làm sạch được hiệu quả, tối ưu.
Bên cạnh rửa bát đĩa, xoong nồi hay các dụng cụ nấu nướng, người dùng còn có thể áp dụng nước vo gạo vào nhiều công việc khác nữa trong cuộc sống. Dưới đây là một số gợi ý, thực hiện đơn giản, nhanh chóng.
Ít ai biết rằng nước vo gạo hoàn toàn phù hợp và an toàn để rửa rau củ quả, cũng chính nhờ tính axit và độ pH nhẹ. Người dùng cũng có thể ngâm rau củ quả trong nước vo gạo, hòa cùng chút muối khoảng 20 phút, sau đó rửa lại với nước sạch vài lần.
Rau củ quả vừa đảm bảo được sạch, vẫn giữ được độ tươi ngon lại không bị nhiễm các loại hóa chất gây hại.
Tương tự như công dụng rửa xoong nồi thì nước vo gạo còn làm tốt nhiệm vụ đánh bóng các vật dụng này. Các loại nồi, chảo bằng nhôm, gang hay inox sau một thời gian dài sử dụng hay để không sẽ bị xỉn màu.
Cách làm bóng với nước vo gạo đó là người dùng đổ nước vào nồi, xoong, sau đó bắc lên bếp đun cho đến khi nước vo gạo sôi. Đợi thêm khoảng 1-2 phút rồi tắt bếp. Khi nước vo gạo trong nồi, xoong đã nguội thì đổ ra, rửa lại nồi, xoong bằng nước sạch. Kết quả sẽ khiến người dùng bất ngờ vì độ sáng bóng của vật dụng đã được cải thiện.
Nước vo gạo cũng có thể áp dụng được để làm sạch những món đồ nội thất khác trong nhà. Ví dụ như khu vực bồn rửa, các vòi nước bị oxy hóa, rỉ sét hay cả các tấm kính lâu ngày bị cặn anxi cứng đầu bám vào.
Người dùng có thể cho nước vo gạo vào bình xịt, xịt lên đồ vật cần làm sạch rồi lau bằng khăn mềm; hoặc thấm khăn mềm vào nước vo gạo trước rồi mới tiến hành lau. Để tăng hiệu quả cho phương pháp này, có thể bổ sung thêm nước cốt chanh hoặc giấm ăn, hòa vào cùng nước vo gạo.
Cuối cùng là dùng nước vo gạo để làm sạch ốc và khử mùi tanh của cá. Cách này cũng được áp dụng bởi nhiều nhà hàng hay các đầu bếp chuyên nghiệp, đem lại hiệu quả tốt.
Cách làm ở 2 loại ốc và cá đều khá tương đông. Đó là người dùng chỉ cần ngâm cá, ốc trong nước vo gạo khoảng 10-15 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch trước khi chế biến. Đối với ốc, nước vo gạo sẽ giúp rửa sạch những chất nhờn hay bùn đất thường thấy ở loại thực phẩm này. Còn với cá, nước vo gạo sẽ giúp khử mùi tanh. Nếu đó là loại cá khô, đã ướp muối, rửa qua với nước vo gạo còn giúp khử bớt độ mặn cho món ăn.
Nhiều chị em còn truyền tai nhau loạt công dụng của nước vo gạo trong việc làm đẹp, như giúp trắng da, se khít lỗ chân lông, giảm lão hóa, chống oxy hóa...