Nấm hương đặc biệt giàu vitamin, khoáng chất và là một loại protein thực vật phù hợp cho cả trẻ nhỏ và người trưởng thành. Nấm hương được thêm vào nhiều món ăn như các món canh hầm, rau xào, nấm chiên,... nhờ mùi thơm đặc trưng và đem đến giá trị dinh dưỡng cao. Cụ thể, trong 15 gam nấm hương khô có chứa:
- 44 calo
- 11 gam tinh bột
- 2 gam chất xơ
- 1 gam chất đạm
- 11% DV Riboflavin (DV - Daily Value, giá trị dinh dưỡng khuyến nghị hàng ngày)
- 11% DV Niacin
- 39% DV đồng
- 33% DV vitamin B5
- 10% DV Selen
- 9% DV Mangan
- 8% DV Kẽm
- 7% DV vitamin B6
- 6% DV Folate
- 6% DV vitamin D.
Nấm hương giàu dinh dưỡng tốt cho sức khỏe (Ảnh: Shroom Shop)
Thêm vào đó, nấm hương cũng chứa nhiều axit amin tương tự như thịt cùng hàm lượng polysaccharides, terpenoid, sterol và lypid có tác dụng giúp tăng cường sức đề kháng, giảm nồng độ cholesterol và chống ung thư, theo Healthline.
Dưới đây là một số tác dụng của nấm hương đối với sức khỏe mà bạn nên biết:
Nấm hương giúp tăng cường sức khỏe tim mạch nhờ ba hợp chất là: Eritadenine (có tác dụng ức chế một loại enzyme tham gia vào quá trình sản xuất cholesterol), Sterol (giúp ngăn chặn sự hấp thụ cholesterol trong ruột) và Beta glucans (một loại chất xơ có thể giúp giảm nồng độ cholesterol).
Thêm nấm hương vào chế độ ăn hàng ngày có thể giúp tăng cường miễn dịch nhờ một trong những polysaccharides chống viêm như lentinans và các beta-glucans trong nấm hương. Hợp chất này có tác dụng đẩy lùi một số suy giảm miễn dịch có liên quan tới tuổi tác đồng thời bảo vệ chống lại sự tổn thương tế bào, hỗ trợ hệ miễn dịch và thúc đẩy cơ thể sản xuất tế bào bạch cầu chống lại vi khuẩn.
Nấm hương có thể dùng ở cả dạng khô và dạng tươi (Ảnh: Shroomeats)
Dưới đây là một số lợi ích tiềm năng của nấm hương, những lợi ích này dựa trên một số nghiên cứu khoa học nhưng chưa đồng nhất về kết luận nên chỉ mang tính chất tham khảo. Người mắc bệnh, đang sử dụng thuốc theo đơn bác sĩ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu muốn thêm nấm hương vào chế độ ăn hàng ngày, tránh các tương tác thuốc không mong muốn.
- Tiềm năng chống ung thư
Hợp chất polysaccharides, cụ thể là lentinan trong nấm hương cũng có lợi ích tiềm năng trong phòng tránh ung thư bạch cầu bằng cách ức chế sự phát triển và lan rộng của các tế bào ung thư.
Ở Trung Quốc và Nhật Bản, tiêm lentinan được phê duyệt sử dụng cùng với hóa trị và các phương pháp điều trị ung thư khác được sử dụng trong điều trị ung thư dạ dày tiến triển để cải thiện chức năng miễn dịch và chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Tuy nhiên, đây là một lợi ích tiềm năng và cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn về mối quan hệ giữa nấm hương và bệnh ung thư trước khi có thể đưa ra kết luận đầy đủ.
Có nhiều cách chế biến nấm hương khác nhau (Ảnh: Eat Cho Food)
- Giúp xương chắc khỏe hơn
Nấm hương có lượng đồng tự nhiên cao, có tác dụng hỗ trợ mạch máu và xương chắc khỏe. Thêm vào đó, loại nấm này cũng là nguồn cung cấp vitamin D cực kì cần thiết cho xương. Mặc dù vậy thì nấm hương cung cấp vitamin D2 - là loại vitamin kém hơn so với vitamin D3 được tìm thấy trong cá béo và một số thực phẩm nguồn gốc động vật khác.
- Giảm mệt mỏi
Các vi chất dinh dưỡng trong nấm hương có thể góp phần tăng mức năng lượng cho cơ thể tương tự như cách mà bạn tiêu thụ protein từ động vật. Protein cần thiết cho các hoạt động của trí não bao gồm ghi nhớ, sự tập trung,.. đồng thời, chế độ ăn đầy đủ protein cũng giúp giảm mệt mỏi hiệu quả.
- Tốt cho hệ tiêu hóa
Là một nguồn chất xơ tốt nên không có gì lạ khi nấm hương có thể góp phần tăng cường tiêu hóa và thúc đẩy nhu động ruột khỏe mạnh. Ngoài ra, tiêu thụ một chế độ ăn giàu chất xơ cũng góp phần giúp cơ thể cảm thấy no lâu hơn, giảm tình trạng ăn vặt gây tăng cân, đặc biệt với phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh hay người đang muốn giảm cân.
Hầu hết mọi người đều có thể ăn nấm hương (Ảnh: Family Style Food)
- Dị ứng
Mặc dù hiếm gặp nhưng một số người cũng có thể bị dị ứng với nấm hương gây ra các triệu chứng dị ứng như mẩn ngứa, phát ban, phù nề niêm mạc miệng - họng, sưng tấy thậm chí là suy hô hấp, khó thở.
Khi các triệu chứng này xảy ra, hãy ngừng ăn ngay lập tức và di chuyển tới cơ sở y tế để được hỗ trợ, phòng ngừa sốc phản vệ.
- Người bị bệnh gout, bệnh thận
Do nấm hương có chứa purin nên loại nấm này không thích hợp thêm vào chế độ ăn của người mắc bệnh gout hay bệnh thận. Nếu muốn ăn, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ và chỉ nên thử với một lượng rất nhỏ.
Người có tiền sử dị ứng với các loại nấm khác cũng không nên ăn nấm hương (Ảnh: Taste)
- Rối loạn tiêu hóa
Ăn quá nhiều nấm hương có thể gây ra một số triệu chứng rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, buồn nôn. Cho quá nhiều dầu mỡ để xào nấm cũng dễ tăng áp lực cho dạ dày và gây đầy bụng, khó tiêu do nấm dễ hút chất lỏng, dầu và nước.
- Không nên ăn nước ngâm nấm hương
Nhiều bà nội trợ có thói quen sử dụng nước ngâm nấm hương do nước này có mùi thơm từ cây nấm, tuy nhiên do nước ngâm có chứa dịch tiết từ nấm, bạn có thể dễ dàng thấy các cặn ở nước ngâm, vì thế không nên ăn nước ngâm này.
Ngoài ra, việc ngâm nấm hương khô cũng cần chú ý ngâm đúng cách để loại bỏ hết chất bẩn trên cây nấm. Cách ngâm và làm sạch hết sức đơn giản, bạn chỉ cần ngâm với nước (nước lạnh hoặc nước sôi đều được) tới khi nấm nở mềm ra thì thêm vào vài thìa bột xoa đều cây nấm để loại bỏ tạp chất rồi rửa lại với nước sạch là được.
Nguồn: Healthline, WebMD