Trong gian bếp của người Việt, các gia vị như mắm, muối luôn có sẵn. Nó vừa có vai trò nêm nếm món ăn, vừa thể hiện nét văn hóa ẩm thực lâu đời của người Việt đó là luôn ưa thích những món đậm đà, nồng nàn.
Muối không chỉ được dùng trong việc nêm nếm đồ ăn khi nấu mà còn được dùng để chấm thực phẩm. Điều đó đã vô tình gây ra tình trạng người Việt tiêu thụ lượng muối quá lớn, tạo điều kiện để các bệnh như tim mạch, dạ dày, cao huyết áp xuất hiện. Do đó, nhu cầu tìm kiếm những loại gia vị lành mạnh hơn muối là rất cao.
Thực tế, tại nước ta có một loại muối an toàn hơn, có thể dùng để thay thế muối ăn thông thường, đó là: Muối biển nhạt. Muối biển nhạt đang được sản xuất thủ công ở Nam Định, Đà Nẵng... Trong khi thế giới cực ưa chuộng thì người Việt vẫn chưa biết được lợi ích khi dùng muối biển nhạt để tận dụng.
ThS.BS Dương Quốc Phong (Bệnh viện Thống Nhất, giảng viên Khoa Y, Đại học Quốc Gia TP.HCM) cho biết: Muối biển nhạt là loại muối biển tự nhiên có hàm lượng natri (hay sodium) giảm từ 20-30% so với muối ăn bình thường. Tuy nhiên, nó vẫn có vị mặn do đã được thay thế bởi những thành phần khác như canxi, magie, đặc biệt là kali.
Muối biển nhạt thay thế natri bằng kali mang lại nhiều lợi ích. Thứ nhất là tăng lượng kali, chất này giúp làm giảm huyết áp và cải thiện sức khỏe tim mạch. Thứ hai, nghiên cứu cho thấy việc thay thế muối có hàm lượng natri thấp giúp ngăn ngừa các cơn đau tim và đột quỵ.
Tuy nhiên, do muối nhạt thay thế natri bằng kali nên những người theo chế độ ăn hạn chế kali (chẳng hạn như những người đang chạy thận nhân tạo) cần tránh các loại muối này kẻo tăng kali máu, gây ra các triệu chứng như mạch yếu, tim đập chậm hoặc yếu cơ và có thể gây đột tử.
Mặc dù hàm lượng natri ở muối biển nhạt đã giảm so với trước nhưng việc sử dụng muối nhạt cũng giống như muối ăn bình thường là dùng trong kiểm soát. Tốt nhất vẫn là trong khoảng 5 gram/ngày (theo khuyến cáo của WHO).
Để có thể giảm lượng muối mình tiêu thụ, bạn có thể tuân thủ một vài nguyên tắc dưới đây:
- Nhiều người thêm muối vào thức ăn khi đang nấu. Nhưng có rất nhiều cách để tăng thêm hương vị cho món ăn của bạn mà không cần dùng đến muối. Ví dụ: Dùng hạt tiêu đen làm gia vị thay cho muối. Thêm các loại thảo mộc tươi, tỏi, gừng, ớt và chanh để tăng mùi vị món ăn mà không cần dùng muối.
- Kiểm tra nhãn thực phẩm trước khi mua để có thể chọn lựa những thực phẩm ít muối hơn.
- Chọn trái cây tươi và rau quả vì chúng rất ít natri. Trái cây đóng hộp và đông lạnh cũng có hàm lượng natri thấp.
- Rửa sạch thực phẩm đóng hộp có chứa natri (chẳng hạn như đậu, cá ngừ và rau).
- Giảm kích thước phần ăn. Ít thức ăn có nghĩa là tiêu thụ ít natri hơn.
- Sử dụng các loại thịt tươi, thay vì đóng gói. Các phần thịt bò, thịt gà hoặc thịt lợn tươi có chứa natri tự nhiên, nhưng hàm lượng vẫn ít hơn nhiều so các sản phẩm như thịt xông khói hoặc giăm bông.
- Cẩn thận với các sản phẩm không có vị mặn đặc biệt nhưng vẫn có hàm lượng natri cao, chẳng hạn như phô mai.
- Không để bát chấm, gia vị trên mâm cơm. Thay vào đó, bạn có thể dùng các gia vị khác như chanh, tỏi, tiêu, ớt… để tăng cảm giác ngon miệng. Nếu vẫn muốn chấm đồ ăn vào gia vị mặn trước khi ăn thì bạn nên chấm nhẹ nhàng.