Đó chính là hạt chia!
Hạt chia được giới chuyên gia công nhận là loại hạt "nhỏ nhưng có võ". Chúng vừa giúp khỏe xương khớp lại vừa hỗ trợ giảm cân hiệu quả. Chúng xứng đáng xuất hiện đều đặn trong thực đơn hàng ngày của chị em.
Theo Healthline, hạt chia chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe xương. Chúng rất giàu canxi, phốt pho, magie. Các nghiên cứu cho thấy, việc cung cấp đủ những chất dinh dưỡng này giúp duy trì mật độ khoáng tốt cho xương - một chỉ số về sức mạnh của xương.
Ngoài ra, ALA trong hạt chia cũng đóng một vai trò đối với sức khỏe của xương. Các nghiên cứu quan sát đã phát hiện, việc tiêu thụ chất dinh dưỡng này có thể liên quan đến việc tăng mật độ khoáng của xương. Ăn hạt chia thường xuyên thực sự có thể giúp xương bạn chắc khỏe hơn.
Chất xơ và protein trong hạt chia cũng có thể có lợi cho những người đang cố gắng giảm cân.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), 28g hạt chia có gần 10g chất xơ, cung cấp 35% chất xơ cho một người trưởng thành. Ăn chất xơ giúp bạn duy trì đường ruột khỏe mạnh, ngăn chặn thừa cân, béo phì.
Bên cạnh đó, protein trong hạt chia có thể giúp giảm sự thèm ăn và lượng thức ăn nạp vào cơ thể. Nghiên cứu cho thấy, trộn hạt chia ăn cùng sữa chua làm tăng cảm giác no, giảm lượng thức ăn trong thời gian ngắn so với người ăn sữa chua không có hạt chia.
Các chuyên gia thừa nhận, mặc dù thêm hạt chia vào chế độ ăn không giúp bạn giảm cân nhanh chóng. Tuy nhiên, nó sẽ là thực phẩm bổ sung hữu ích giúp chế độ ăn uống cân bằng. Từ đó hỗ trợ giảm cân.
Ngoài ra, hạt chia còn có những công dụng sau với sức khỏe
1. Cung cấp nguồn dinh dưỡng dồi dào
Theo USDA, 28g hạt chia tương đương 2 muỗng canh chỉ có 138 calo nhưng có đến 4,7g protein, 8,7g chất béo, 9,8g chất xơ. Loại hạt này còn rất giàu axit béo omega-3, canxi, sắt, magie, kẽm, phốt pho, vitamin B1, B3...
2. Chứa nhiều chất chống oxy hóa
Hạt chia chứa một nguồn chất chống oxy hóa dồi dào. Các chất chống oxy hóa cụ thể trong hạt chia bao gồm axit chlorogenic, axit caffeic, myricetin, quercetin và kaempferol. Tất cả những thứ này giúp bảo vệ tim và gan, có tác dụng phòng chống ung thư.
Chất chống oxy hóa không chỉ bảo vệ chất béo nhạy cảm trong hạt chia khỏi bị ôi thiu mà còn có lợi cho sức khỏe con người. Chúng vô hiệu hóa các phân tử phản ứng được gọi là gốc tự do, có thể làm hỏng các hợp chất tế bào nếu tích tụ trong cơ thể.
3. Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Hạt chia giàu chất xơ và omega-3. Dùng đều sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Chất xơ hòa tan là loại chủ yếu được tìm thấy trong hạt chia. Chúng có thể giúp giảm cholesterol toàn phần và cholesterol LDL (có hại) trong máu của bạn. Điều này đồng nghĩa với việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Tiêu thụ ALA, axit béo omega-3 trong hạt chia, cũng có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Mặc dù vậy, giới khoa học nhận định vẫn cần nghiên cứu thêm trên con người.
4. Giảm lượng đường trong máu
Dùng hạt chia có thể điều chỉnh lượng đường trong máu. Điều này do hàm lượng chất xơ và các hợp chất có lợi khác của hạt chia.
Những người bị tiểu đường có thể thường xuyên bị rơi vào tình trạng lượng đường trong máu cao. Lượng đường trong máu lúc đói cao liên tục có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc một số biến chứng, bao gồm cả bệnh tim.
Các nghiên cứu trên động vật đã phát hiện, hạt chia có thể cải thiện độ nhạy insulin. Điều này có thể giúp ổn định lượng đường trong máu sau bữa ăn.
Nghiên cứu cũ hơn từ năm 2010 và 2013 cho thấy, ăn bánh mì có chứa hạt chia giúp giảm lượng đường trong máu sau bữa ăn ở những người trưởng thành khỏe mạnh.
Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để tìm hiểu thêm về mối liên hệ giữa hạt chia và việc điều chỉnh lượng đường trong máu.
Vì những lợi ích tuyệt vời này, từ giờ, bạn có thể thêm hạt chia vào chế độ ăn uống.