Bánh tẻ là một đặc sản vô cùng quen thuộc đối với mỗi người dân Việt Nam. Đây là món ăn có mùi thơm đặc trưng từ lá dong, sự kết hợp hài hòa giữa thịt, hành, mộc nhĩ của phần nhân với vị ngon mềm mại của phần vỏ làm từ gạo tẻ, tạo nên hương vị gắn liền với đồng quê ai đã từng thưởng thức cũng không thể nào quên được.
Làng Chờ ở thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh là một trong những quê hương của loại bánh này.
Không ai còn nhớ nghề làm bánh tẻ bắt đầu có ở làng từ lúc nào, chỉ biết hiện còn khoảng 10 hộ gia đình trong làng còn làm bánh tẻ.
Bánh tẻ làng Chờ được làm hoàn toàn thủ công nên mỗi ngày mỗi nhà chỉ cho ra được từ 400 đến 600 chiếc bánh. Để làm một chiếc bánh tẻ cần trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là xay gạo, gạo làm bánh tẻ ngon nhất là những giống gạo dài ngày. Sau khi xay, bột gạo được quấy trên bếp cho đến khi ráo nước. Tiếp theo là công đoạn xào nhân, nhân bánh được làm bằng thịt lợn, kết hợp với mộc nhĩ, hạt tiêu và hành lá, nên thêm gia vị cho đậm đà. Thịt lợn được băm nhỏ theo một tỉ lệ 3/7 giữa thịt nạc và thịt mỡ để nhân bánh không bị khô. Sau đó là công đoạn gói bánh, bột phải bọc kín nhân, gói trong là dong riềng, rồi cuốn chặt bằng dây sao cho càng chặt càng tốt để bánh không bị nhão khi luộc. Cuối cùng, bánh được hấp trong nước sôi từ 25 đến 30 phút rồi vớt ra để ráo nước là có thể thưởng thức.
Bà Nguyễn Thị Đảm - ở làng Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh - chia sẻ: "Gia đình tôi sống bằng nghề này, từ đời ông bà nội truyền nghề lại cho bố chồng, tính ra hàng trăm năm nay rồi".
Ngày nay, bánh tẻ đã trở thành món truyền thống không thể thiếu trong các mâm cỗ, ngày Tết và những bữa ăn quan trọng của các gia đình nơi đây.
Đặc biệt, mỗi gia đình bao gồm hầu hết các thành viên tự tay làm ra những mẻ bánh tẻ thơm ngon gắn kết tình cảm của con người, tạo không khí đầm ấm.