Liệt kê 5 lý do nhất quyết chuyển con từ trường tư sang trường công, bà mẹ Hà Nội gây tranh cãi: Đừng đổ lỗi!

Hiểu Đan, Theo Đời sống & Pháp luật 12:51 08/07/2025
Chia sẻ

Người mẹ đưa ra 5 lý do chính.

Mới đây, câu chuyện một phụ huynh ở Hà Nội quyết định chuyển con từ một trường tư thục song ngữ nổi tiếng sang học trường công khi con chuẩn bị bước vào lớp 6 đã làm dấy lên làn sóng tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn phụ huynh. Điều đáng chú ý không chỉ là quyết định chuyển trường, mà còn nằm ở những lý do khá thẳng thắn và gây tranh cãi được chính phụ huynh chia sẻ.

Theo người mẹ này, sau 5 năm học tại trường tư, con chị "được chăm sóc quá đầy đủ, sống sướng quá nên thiếu mục tiêu, thiếu kỷ luật, không ganh đua học tập, chữ xấu, kém nề nếp". Ngoài ra, chị cũng lo ngại rằng chương trình học khác biệt với chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể khiến con khó thích nghi nếu thi đại học trong nước sau này.

Chị cho biết chi phí học trường tư, kể cả học phí và học thêm, đang là gánh nặng lớn. Trong khi đó, trường công có học phí rẻ hơn, cho phép đầu tư vào các lớp học thêm hoặc hoạt động khác, mà vẫn đảm bảo con "không bị thảnh thơi quá đà".

Liệt kê 5 lý do nhất quyết chuyển con từ trường tư sang trường công, bà mẹ Hà Nội gây tranh cãi: Đừng đổ lỗi!- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Người mẹ đưa ra 5 lý do chính:

- Con "sướng quá hóa lười": Môi trường học tập thoải mái, phục vụ tận nơi khiến con thiếu động lực phấn đấu. Chị cảm thấy con có xu hướng ỷ lại, không có mục tiêu sống rõ ràng.

- Chữ viết và nề nếp kém: Vì trường không quá nghiêm khắc về kỷ luật và rèn luyện lề lối, nên sau 5 năm học, con vẫn viết xấu, trình bày cẩu thả.

- Chương trình học "lệch chuẩn": Trường dạy theo hướng tích hợp hoặc quốc tế. Nếu không đi du học hay học đại học quốc tế, con sẽ phải mất thời gian điều chỉnh lại để theo chương trình trong nước.

- Thiếu áp lực học tập: Trường chú trọng phát triển cá nhân nhưng không tạo áp lực ganh đua. Theo chị, "tuổi nhỏ phải rèn nghị lực, sống chậm sớm là nguy hiểm".

- Chi phí quá cao: Học phí 100 triệu/năm chưa kể học thêm, khiến gia đình cảm thấy không còn hợp lý nếu hiệu quả học tập chưa tương xứng. Trường công có thể tiết kiệm và đầu tư trọng điểm hơn.

Liệt kê 5 lý do nhất quyết chuyển con từ trường tư sang trường công, bà mẹ Hà Nội gây tranh cãi: Đừng đổ lỗi!- Ảnh 2.

Tranh luận

Quan điểm của bà mẹ Hà Nội đã nhận được nhiều sự hưởng ứng, bởi khi con bước vào cấp 2 là giai đoạn đòi hỏi sự rèn giũa cả về học lực lẫn bản lĩnh sống. Nếu trẻ không từng trải qua áp lực, không từng nếm cảm giác thất bại hay bị so sánh, sẽ rất dễ hình thành tâm lý yếu đuối, dễ buông xuôi khi đối diện khó khăn thật sự trong cuộc sống. Trường công, với sĩ số đông, môi trường học tập cạnh tranh cao, chính là một phiên bản thu nhỏ của xã hội, nơi trẻ phải học cách vượt lên, tự tìm chỗ đứng của mình.

Nhiều người cũng nhấn mạnh rằng nếu gia đình đã xác định không cho con đi du học hay theo học đại học quốc tế, thì việc quay lại học theo chương trình của Bộ Giáo dục là lựa chọn hợp lý. Càng chuyển sớm, con càng có thời gian thích nghi với hệ thống thi cử và tiêu chuẩn đầu vào đại học trong nước. Thay vì dồn toàn bộ chi phí vào học phí trường tư, nhiều phụ huynh lựa chọn học công và đầu tư có chọn lọc cho các lớp học thêm chất lượng, xem đây là chiến lược "ít tiền nhưng đúng trọng tâm".

Tuy nhiên, luồng ý kiến phản đối cũng rất mạnh mẽ, với lập luận trọng tâm rằng: Không thể đổ lỗi cho nhà trường khi gia đình chưa thực sự đồng hành cùng con. Trẻ thiếu động lực học tập, thiếu mục tiêu sống, thiếu tinh thần phấn đấu không hẳn vì môi trường giáo dục dễ dãi, mà chủ yếu vì cha mẹ chưa tạo ra sự định hướng rõ ràng từ đầu. Trường học, dù là công hay tư, chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Nếu cha mẹ không cùng con đặt mục tiêu, không quan tâm quá trình trưởng thành từng ngày của con, thì dù học ở đâu, đứa trẻ cũng dễ rơi vào trạng thái lười biếng, trôi nổi.

Một điểm mâu thuẫn cũng được nhiều người chỉ ra: Phụ huynh để con "thoải mái hết cấp 1", rồi bất ngờ chuyển hướng sang "kỷ luật nghiêm khắc" khi lên cấp 2, thì kết quả thường phản tác dụng. Việc hình thành kỹ năng tự học, tinh thần vượt khó và nề nếp học tập không thể chờ đến lớp 6 mới bắt đầu. Đó là những phẩm chất cần được xây dựng từ sớm, qua từng năm tháng rèn luyện. Khi trẻ đã quen sống trong tự do và ít bị kiểm soát, việc đột ngột "xiết chặt" rất dễ khiến các em phản kháng, thậm chí tổn thương tâm lý.

Bên cạnh đó, không thể phủ nhận rằng vẫn có rất nhiều học sinh trường tư đạt thành tích xuất sắc, từ học thuật đến nghệ thuật, khoa học. Nhiều em thi đỗ vào các đại học top đầu trong nước, giành giải quốc tế, thực hiện những dự án chuyên sâu có ý nghĩa cộng đồng. Những thành quả ấy không đến từ áp lực học hành, mà từ sự khích lệ và đồng hành bài bản của gia đình. Điều đó cho thấy, vấn đề cốt lõi không nằm ở công hay tư, mà nằm ở việc cha mẹ có đủ kiên nhẫn và cam kết trong hành trình giáo dục con cái hay không.

"Nếu không có định hướng, kể cả học trường công, con vẫn có thể lười biếng, sống ỷ lại, chơi game, không có khát vọng, như hàng ngàn học sinh ở trường công đang gặp phải. Phụ huynh không nên chỉ lấy một trường hợp (con mình) để đánh giá một môi trường. Cùng một trường tư, vẫn có những học sinh giành giải quốc tế, thi đỗ đại học top đầu trong nước và ngoài nước, tích cực tham gia dự án cộng đồng, nghiên cứu khoa học, điều đó chứng minh môi trường không phải là vấn đề tuyệt đối. Quan trọng là gia đình có tạo đủ thử thách, đồng hành đủ sâu sát, gắn kết con với mục tiêu sống rõ ràng hay không", một người nêu ý kiến.

Không có trường học nào hoàn hảo tuyệt đối

Cuối cùng, điều nhiều người đồng thuận là không có trường học nào hoàn hảo tuyệt đối. Mỗi môi trường đều có điểm mạnh, điểm yếu riêng: Trường tư có ưu thế về cơ sở vật chất, ngoại ngữ, kỹ năng mềm, không khí học tập nhẹ nhàng. Trường công mạnh về khả năng thi cử, kỷ luật lớp học, sự rèn giũa tinh thần cạnh tranh và tiếp cận chương trình giáo dục quốc gia.

Việc chuyển trường không sai, nhưng đừng lấy nó làm cái cớ để che giấu những thiếu sót trong cách nuôi dạy con. Bản thân trẻ em vẫn cần được định hướng liên tục từ phía gia đình: kèm cặp, định hướng mục tiêu học tập, hình thành nhân cách và khả năng tự chịu trách nhiệm.

Tranh cãi xoay quanh chuyện chuyển con từ trường tư sang công lập cho thấy sự mâu thuẫn của phụ huynh hiện đại: Vừa muốn con được học trong môi trường tốt, lại vừa kỳ vọng con chịu được khổ; vừa muốn con phát triển tự nhiên, lại đòi hỏi con biết kỷ luật, có lý tưởng, và ganh đua.

Và câu trả lời không nằm ở tên trường, cũng không nằm ở loại hình công hay tư mà ở cách cha mẹ đầu tư thời gian, cảm xúc và định hướng giá trị sống cho con. Nếu cha mẹ muốn con có động lực, có nề nếp, có khát vọng sống, thì điều đó phải được gieo từ gia đình chứ không thể đợi đến lúc "chuyển trường" mới mong thay đổi toàn bộ cục diện.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày