Liên tiếp nhiều vụ sản xuất, buôn bán sữa giả gây phẫn nộ: Từ bán online đến hệ sinh thái 9 công ty sản xuất gần 600 loại sữa giả

Nam An (t/h), Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 08:32 14/04/2025
Chia sẻ

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều cơ sở sản xuất, buôn bán sữa giả quy mô lớn, hé lộ thủ đoạn tinh vi khiến dư luận xôn xao. Nạn nhân chủ yếu là người bệnh, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai.

Đường dây sản xuất sữa bột giả với gần 600 nhãn hiệu

Từ tháng 8/2021 đến nay, các đối tượng đã thành lập Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất, kinh doanh sữa bột giả. Đến thời điểm bị phát hiện, họ đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột khác nhau, chủ yếu nhắm vào các đối tượng dễ bị tổn thương như người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ mang thai.

Nhằm che giấu hành vi và mở rộng mạng lưới tiêu thụ, nhóm chủ mưu đã lập thêm 9 công ty để sản xuất, phân phối sữa bột giả. Các công ty này đứng tên hồ sơ công bố các nhãn thương hiệu sản phẩm và trực tiếp kinh doanh, tiêu thụ những sản phẩm sữa bột giả. 

Liên tiếp nhiều vụ sản xuất, buôn bán sữa giả gây phẫn nộ: Từ bán online đến hệ sinh thái 9 công ty sản xuất gần 600 loại sữa giả- Ảnh 1.

Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma đã đóng cửa (Ảnh: Dân Việt)

Các sản phẩm sữa bột giả được quảng cáo chứa các thành phần cao cấp như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... Tuy nhiên, thực tế không có những chất này. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy có 65 lô hàng sữa thành phẩm chỉ đạt chỉ tiêu dưới 70% so với công bố và ghi trên nhãn hộp, tương đương với 29.400 hộp sữa vi phạm tiêu chuẩn công bố và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, cơ quan điều tra xác định Hoàng Mạnh Hà (46 tuổi), Vũ Mạnh Cường (46 tuổi, cùng trú Hà Nội) là chủ mưu cầm đầu trong điều hành hoạt động từ sản xuất, kinh doanh đến phân phối tiêu thụ các sản phẩm sữa bột giả. Ngoài ra, có 3 người giúp sức trực tiếp, gồm: Nguyễn Thành Luân; Nguyễn Văn Tú và Hồ Sỹ Ý.

Các đối tượng bị cáo buộc đã không ghi nhận đầy đủ doanh thu vào sổ sách kế toán, trốn kê khai thuế, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 28 tỷ đồng.

Liên tiếp nhiều vụ sản xuất, buôn bán sữa giả gây phẫn nộ: Từ bán online đến hệ sinh thái 9 công ty sản xuất gần 600 loại sữa giả- Ảnh 2.

Liên tiếp nhiều vụ sản xuất, buôn bán sữa giả gây phẫn nộ: Từ bán online đến hệ sinh thái 9 công ty sản xuất gần 600 loại sữa giả- Ảnh 3.

Hình ảnh sản phẩm sữa bột được quảng cáo trên các trang web (Ảnh chụp màn hình)

Ngày 11/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các quyết định và lệnh tố tụng theo đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình khám xét tại 19 địa điểm bao gồm nhà máy sản xuất và văn phòng làm việc của các bị can, đã thu giữ 84 loại sản phẩm sữa bột khác nhau, tổng số 26.740 lon thuộc 90 lô sản xuất, cùng nhiều tài liệu và vật chứng phục vụ công tác điều tra.

Trước vụ việc sản xuất sữa giả quy mô lớn bị triệt phá gần đây, tại Việt Nam đã xảy ra một số vụ sản xuất sữa giả nghiêm trọng khác, gây lo ngại về an toàn thực phẩm

Làm sữa giả bán online, thu lợi 1,5 tỉ mỗi tháng

Trước đó, tháng 1/2024, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã triệt phá một chuyên án "Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm".

Trong số 8 đối tượng đang bị Công an tỉnh Bình Dương tạm giữ thì Vũ Thành Công (36 tuổi, ngụ Quận 12, TP.HCM) được xác định là người chủ mưu, cầm đầu. 

Liên tiếp nhiều vụ sản xuất, buôn bán sữa giả gây phẫn nộ: Từ bán online đến hệ sinh thái 9 công ty sản xuất gần 600 loại sữa giả- Ảnh 4.

Công và các lon sữa giả (ảnh: CA)

Ngày 19/01/2024, công an ập vào nhà xưởng tại địa chỉ 53B/7, đường Lồ Ồ, KP Nội Hóa 1, phường Bình An, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương phát hiện nhiều công nhân đang sản xuất sữa giả, thu giữ nhiều máy móc, lon sữa, và sữa bột đã thành phẩm.

Đối tượng Vũ Thành Công khai nhận thuê nhà xưởng này rồi thuê công nhân để hoạt động sản xuất hàng giả là sữa bột mang nhiều nhãn hiệu nổi tiếng. Các thương hiệu này chủ yếu là nhập khẩu từ nước ngoài, chưa được sản xuất tại Việt Nam.

Sau khi làm thành phẩm sữa bột giả, Vũ Thành Công chào bán trên các trang mạng xã hội, các trang bán hàng thương mại điện tử và giao hàng qua hệ thống các công ty giao hàng tiết kiệm.

Liên tiếp nhiều vụ sản xuất, buôn bán sữa giả gây phẫn nộ: Từ bán online đến hệ sinh thái 9 công ty sản xuất gần 600 loại sữa giả- Ảnh 5.

Công an làm việc tại xưởng sản xuất sữa giả

Tại 4 địa điểm, lực lượng phát hiện hơn 7.500 lon sữa bột thành phẩm các loại; 70 thùng giấy chứa nắp lon sữa bằng kim loại; 150.000 vỏ lon sữa nhiều nhãn hiệu nổi tiếng; 7 bao tải chứa nắp nhựa hộp sữa, cùng máy móc, thiết bị để sản xuất, buôn bán hàng giả. Ước tính giá trị tang vật bị thu giữ lên đến 14,5 tỷ đồng.

Liên tiếp nhiều vụ sản xuất, buôn bán sữa giả gây phẫn nộ: Từ bán online đến hệ sinh thái 9 công ty sản xuất gần 600 loại sữa giả- Ảnh 6.

Vỏ lon sữa giả trong xưởng sản xuất của Công (ảnh: CA).

Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, khoảng 1 tháng Công sẽ đổi địa điểm sản xuất, kho chứa hàng một lần.

Qua xác minh, Công hoạt động sản xuất, buôn bán sữa bột giả từ ngày 24/11/2023 đến nay và đã hưởng lợi bất chính số tiền khoảng 3 tỷ đồng.

Cử nhân Đại học Dược làm Tổng Giám đốc công ty sản xuất sữa giả

Cuối năm 2022, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C05 - Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, xảy ra tại Công ty cổ phần sữa Hà Lan (địa chỉ tại 335 Trần Cung, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và các chi nhánh, kho hàng trực thuộc.

Là người có trình độ Đại học Dược và đã được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, Nguyễn Trung Vương nhận thức rõ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm kém chất lượng, chỉ tiêu chất lượng đạt dưới 70% so với mức công bố và ghi nhãn.

Liên tiếp nhiều vụ sản xuất, buôn bán sữa giả gây phẫn nộ: Từ bán online đến hệ sinh thái 9 công ty sản xuất gần 600 loại sữa giả- Ảnh 7.

Một số sản phẩm sữa giả, sữa kém chất lượng bị cơ quan chức năng thu giữ.

Nguyễn Trung Vương cũng biết rõ sản phẩm không có tính năng, tác dụng, công dụng như hồ sơ công bố được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và vi phạm pháp luật, nhưng vì lợi nhuận nên Vương vẫn chỉ đạo thực hiện.

Quá trình xác minh xác định, Nguyễn Trung Vương đã chỉ đạo trực tiếp nhân viên trong mọi khâu sản xuất và lưu thông sản phẩm. Việc điều hành công việc sản xuất chủ yếu được thực hiện từ xa thông qua mạng máy tính, Zalo theo nhóm giữa tổng giám đốc và các nhân viên.

Lực lượng chức năng đã kiểm tra, thu 67 mẫu sản phẩm thành phẩm, tương đương 33 loại sản phẩm của 8 Công ty có sản phẩm được sản xuất tại nhà máy Holland Milk gửi giám định 66/67 lô sản phẩm có chỉ tiêu chất lượng chủ yếu đạt dưới 70%, với số lượng hàng hóa là: 29.400 lon/hộp, giá trị theo hóa đơn xuất bán của các sản phẩm này là hơn 4,1 tỷ đồng.

Liên tiếp nhiều vụ sản xuất, buôn bán sữa giả gây phẫn nộ: Từ bán online đến hệ sinh thái 9 công ty sản xuất gần 600 loại sữa giả- Ảnh 8.

Tổ công tác của C05 kiểm tra khu vực sản xuất sữa bột của Công ty cổ phần Sữa Hà Lan - Ảnh: CA

Ngoài ra, qua kiểm tra, xác minh lực lượng chức năng phát hiện Đỗ Minh Thu, Kế toán trưởng Công ty cổ phần sữa Hà Lan, đã tự ý cắt ghép 2 phiếu kết quả kiểm nghiệm, rồi đem xác nhận sao y bản chính tại UBND xã Đồng Lạc (TP Chí Linh) để được cấp giấy tiếp nhận công bố sản phẩm, được phép lưu thông sản phẩm ra thị trường.

Hành vi này cơ quan công an đã tách thành vụ án hình sự, tiến hành điều tra, kết luận chuyển VKSND TP Chí Linh truy tố bị can Đỗ Minh Thu trước pháp luật về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Ngày 16/4/2024, TAND TP Chí Linh đã xét xử vụ án trên, tuyên Đỗ Minh Thu bản án 62 tháng tù giam.

Đến cuối tháng 8/2024, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Chí Linh (tỉnh Hải Dương) cũng ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam ông Nguyễn Trung Vương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần sữa Hà Lan về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”.

Những vụ việc trên cho thấy tình trạng sản xuất và buôn bán sữa giả tại Việt Nam diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Người dân cần nâng cao cảnh giác, lựa chọn sản phẩm từ các thương hiệu uy tín và kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm trước khi sử dụng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày