Trước khi đặt chân đến cổng trường đại học, ai cũng có những hình dung của riêng mình về cuộc sống khi trở thành sinh viên. Nhưng có một sự thật là phần lớn những hình dung đó đều không đúng thực tế.
Dưới đây là 5 lầm tưởng phổ biến nhất mà ai cũng từng mắc phải sẽ khiến bạn nhận ra thực tế và tưởng tượng hoàn toàn không giống nhau.
Không ít bạn học sinh cuối cấp được các anh chị chia sẻ kinh nghiệm rằng học đại học nhàn lắm, lịch học linh động, cũng không ai ép buộc phải đến lớp và cũng không ai quan tâm bạn làm gì trong một giảng đường mấy trăm người cả.
Thế nhưng, sự thật là học đại học chỉ nhàn với những ai không học thôi. Nếu bạn xác định việc học nghiêm túc để có một kết quả tốt thì sẽ thấy khá vất vả đấy. Thầy cô sẽ không sát sao với từng sinh viên được mà bạn phải hoàn toàn chủ động trong việc nghe giảng, ghi chép, tự tìm hiểu.
Và khi kỳ thi tràn về thì sẽ chẳng ai dám nói học đại học là chuyện đơn giản. Các môn thi diễn ra liên tục, phải học bài miệt mài ngày đêm mới có thể qua môn an toàn được. Chẳng phải ngẫu nhiên mà những kỳ thi được ví như cửa ải tử thần vậy.
Nếu những bạn nào thường xuyên bị bố mẹ quán xuyến nghiêm khắc về thời gian chắc hẳn sẽ rất háo hức lên đại học để được tự do hoàn toàn về giờ giấc mà không bị ai quản thúc.
Nhiều người khác thì nghĩ rằng sống xa gia đình sẽ thoải mái và tự lập hơn.
Thế nhưng thực tế là ai cũng sẽ có một giai đoạn vô cùng khó khăn vì nhớ nhà. Cuộc sống một mình thoải mái và tự do nhưng khi gặp khó khăn thì vô cùng tủi thân vì chẳng biết tìm ai cả, lúc ấy chỉ muốn chạy về với bố mẹ ngay thôi.
Và những ai không có kỹ năng quản lí tài chính thì sống xa nhà còn nhiều thử thách hơn. Nếu lỡ tiêu xài phung phí không có kiểm soát thì chuyện cuối tháng ăn mì tôm triền miên không có gì là lạ cả.
Bất cứ sinh viên nào từng ở ký túc xá đều có những kỷ niệm vô cùng đáng nhớ nhưng không phải ở ký túc xá lúc nào cũng vui và thoải mái.
Việc chia sẻ một không gian không rộng lắm với khá nhiều người, bạn ở cùng không hề quen biết trước đó và mỗi người một thói quen sinh hoạt, một tính cách khác nhau chắc chắn sẽ khiến những bất đồng hay cãi vã là chuyện thường ngày nếu như mọi người không biết nhường nhịn và thông cảm cho nhau. Phần lớn không có ai ở ký túc xá hết các năm học đại học mà chỉ ở khoảng 1-2 năm cho đến khi tìm được người bạn thực sự thân thiết để cùng ở bên ngoài.
Trong khi đó, ở trọ bên ngoài trường cũng nhiều rủi ro không kém. Nếu không may gặp chủ nhà khó tính, bạn ở chung không hòa hợp hay điều kiện sống không đảm bảo thì bạn mỗi ngày sẽ có thật nhiều phiền toái và rắc rối khiến bạn chỉ muốn xách vali về nhà với bố mẹ thôi.
Đây là lời trêu đùa tai hại của các anh chị đi trước khiến cho các em tưởng rằng việc đăng ký tín chỉ rất thú vị. Nhưng sự thật là "không đăng ký nổi". Mỗi kỳ đăng ký tín chỉ là một cuộc chiến khốc liệt trên website các trường, vài nghìn sinh viên đăng nhập một lúc và ai cũng dồn mọi sự tập trung để "giành" lấy những suất học. Vì vậy chẳng lạ lùng gì nếu có ai đó bật khóc vì web bị sập do quá tải hay ngồi đợi cả nửa ngày chỉ đăng ký được 2 môn.
Ai cũng muốn sớm tự lập và phụ giúp bố mẹ thế nhưng để có một công việc làm thêm phù hợp với giờ học, có mức thu nhập tốt thì không hề đơn giản chút nào, đặc biệt với những bạn sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm. Trong khi đó, chi phí sinh hoạt ở những thành phố lớn thì liên tục tăng.
Thay vì vội vã tìm việc làm thêm, những tân sinh viên hãy dành thời gian trau dồi Tiếng Anh, hoạt động ngoại khóa để tích lũy kinh nghiệm trước. Tiếng Anh và kỹ năng sẽ là điểm cộng cực lớn để bạn tìm được những công việc làm thêm "xịn" đấy.
Tuy nhiều sự thật hơi phũ phàng so với tưởng tượng của mọi người trước khi lên đại học nhưng quãng thời gian trên ghế giảng đường thực sự rất quý giá và trôi qua rất nhanh. Những khó khăn của cuộc sống sinh viên sẽ giúp bạn trưởng thành nhanh chóng nên đừng lãng phí bất cứ điều gì, đặc biệt là thời gian và những trải nghiệm.