Gia đình chị Vân Anh ở Nam Từ Liêm, Hà Nội đã ăn tết nhà ngoài 6 năm liền. Chồng chị là con út trong một gia đình có 5 anh em trai, các anh trai đều kết hôn và sinh sống gần nhà bố mẹ, còn nhà chị Vân Anh chỉ có 2 chị em gái. Vì thế, kể từ khi kết hôn cách đây 6 năm, vợ chồng chị Vân Anh thống nhất hàng năm sẽ đón giao thừa ở nhà ngoại để quây quần cùng bố mẹ. Sau đó mùng 2 Tết cả nhà sẽ về nhà nội sum họp cùng gia đình. Điều này cũng được ông bà nội nhất trí.
"Anh em của chồng tôi đều ở gần ông bà nội, Tết đến con cháu đến nhà ông bà đông đúc quây quần. Còn gia đình nhà ngoại chỉ có 2 con gái, cả 2 đi lấy chồng xa nên Tết đến cũng neo người. Vì thế chúng tôi ưu tiên đón giao thừa ở nhà ngoại để ông bà vui hơn. Trước Tết, tôi vẫn lo sắm tết đầy đủ cả 2 bên nội ngoại. Bố mẹ chồng cũng ủng hộ chúng tôi, ông bà đổi lịch ăn bữa cơm đầu năm vào mùng 2 tết để vợ chồng tôi vẫn kịp có mặt sum họp với anh em. Nội hay ngoại cũng đều là gia đình, quan trọng là sự cân bằng, và đối xử chân thành với nhau", chị Vân Anh chia sẻ.
Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có sự thỏa thuận, đồng thuận về chuyện Tết nội - Tết ngoại như vậy. Tết Nguyên Đán là thời điểm gia đình đoàn tụ, mang ý nghĩa thiêng liêng trong văn hóa Việt Nam. Đây cũng là lúc không ít cặp vợ chồng đối diện với những mâu thuẫn quen thuộc rằng: Năm nay gia đình sẽ ăn Tết ở nhà nội hay nhà ngoại?
Căng thẳng vì không tìm được tiếng nói chung
Mỗi dịp Tết đến, mâu thuẫn giữa việc ăn Tết nội hay Tết ngoại lại trở thành chủ đề quen thuộc, phản ánh sự khác biệt trong cách nhìn nhận của vợ và chồng. Theo quan niệm truyền thống Á Đông, sau khi kết hôn, người vợ được xem là một phần của gia đình chồng, nên việc đón Tết tại nhà nội thường được coi là điều hiển nhiên.
Tuy nhiên, nhiều người vợ lại mong muốn trở về nhà mẹ đẻ để đoàn tụ với cha mẹ ruột, nhất là sau một năm dài vất vả chăm lo cho gia đình nhỏ. Đối với họ, việc về nhà ngoại không chỉ là dịp để thể hiện lòng hiếu thảo, mà còn là cơ hội để tận hưởng không khí sum vầy ấm cúng trong những ngày Tết, đặc biệt khi cha mẹ ngày càng có tuổi, già yếu.
Và trong những ngày Tết, phụ nữ thường gánh vác không ít trọng trách, từ việc chuẩn bị lễ cúng, nấu nướng đến tiếp đón khách khứa,... Chính vì vậy, việc không được về nhà ngoại khiến họ cảm thấy thiệt thòi, thiếu công bằng và không thoải mái.
Lúc này, người chồng thường rơi vào thế khó xử, khi phải đứng giữa hai bên, mỗi bên đều có lý lẽ và mong muốn riêng. Và khi không thể tìm được tiếng nói chung, những tranh cãi về việc ăn Tết ở đâu là điều không thể tránh khỏi.
Để giải quyết vấn đề này một cách hợp lý, các chuyên gia khuyến nghị cặp đôi nên tìm kiếm một giải pháp cân bằng, các chuyên gia đã đề xuất một giải pháp cân bằng vừa giữ gìn sự hòa thuận mà ai cũng vui vẻ hạnh phúc khiến mọi người phải suy ngẫm.
Lời khuyên từ chuyên gia
Các chuyên gia tâm lý và xã hội học đã nghiên cứu vấn đề mâu thuẫn về việc đón Tết ở nhà nội hay nhà ngoại và đưa ra một số giải pháp cân bằng mà các gia đình có thể áp dụng. Một trong những gợi ý nổi bật là "chia Tết làm đôi" – tức là phân chia thời gian hợp lý để đảm bảo cả hai bên nội và ngoại đều có cơ hội thăm hỏi và sum họp.
Tết nội - ngoại luân phiên là phương pháp phổ biến và dễ thực hiện. Cụ thể, một năm gia đình sẽ đón giao thừa và ngày đầu năm ở nhà nội, và năm sau sẽ về nhà ngoại. Luân phiên như vậy sẽ giúp giảm bớt áp lực cho cả hai bên và tạo sự công bằng.
Phương pháp chia ngày ăn Tết thực sự là một giải pháp hợp lý và linh hoạt mà các cặp vợ chồng có thể tham khảo để giải quyết mâu thuẫn về việc đón Tết tại nhà nội hay nhà ngoại. Theo cách này, gia đình có thể đón giao thừa và mùng 1 ở nhà nội, sau đó vào mùng 2 hoặc mùng 3 sẽ về nhà ngoại.
Lợi thế của phương pháp này là giúp vợ chồng có thể thăm hỏi và quây quần cùng cả hai bên gia đình. Và một điều quan trọng là vợ chồng nên thỏa thuận, lên kế hoạch cụ thể từ trước để việc chia ngày ăn Tết diễn ra suôn sẻ, tránh những bất đồng không đáng có vào những ngày đầu năm.
Hay một Tết riêng cho gia đình nhỏ là giải pháp hiện đại và ngày càng được nhiều người ủng hộ. Hiểu đơn giản là chúng ta sẽ tự tổ chức ăn tết tại nhà riêng của mình, sau đó sẽ lần lượt về thăm hỏi cả hai bên nội, ngoại trong những ngày tiếp theo. Điều này sẽ giúp giảm áp lực, tạo không gian riêng tư cho gia đình và cũng giúp xây dựng sự gắn kết giữa vợ chồng và con cái.
Cuối cùng, linh hoạt theo hoàn cảnh cũng là một giải pháp quan trọng mà các cặp vợ chồng nên cân nhắc. Đối với những gia đình có khoảng cách địa lý lớn hoặc khi cha mẹ hai bên không còn đủ sức khỏe, vợ chồng nên điều chỉnh kế hoạch một cách linh hoạt, thể hiện sự quan tâm và chăm sóc đối với gia đình, đảm bảo rằng cả hai bên đều cảm nhận được sự yêu thương và tôn trọng.
Bên cạnh việc áp dụng các giải pháp trên, điều quan trọng nhất vẫn là sự thấu hiểu và chia sẻ giữa vợ chồng. Để giải quyết mâu thuẫn này một cách êm đẹp, cả hai cần lắng nghe cảm xúc của nhau, hiểu rõ mong muốn của đối phương để tìm được tiếng nói chung. Đồng thời, cần tránh áp đặt và không coi việc ăn Tết ở nhà nội hay ngoại là trách nhiệm bắt buộc.
Hãy nhớ rằng, Tết là đoàn viên, là hạnh phúc, là sum họp, vì vậy quan trọng nhất là cách bạn sẻ chia và vun đắp tình cảm gia đình, để mỗi thành viên đều cảm thấy được yêu thương và tôn trọng.