Lắng nghe tâm sự của một freelancer đầy kinh nghiệm để biết cái được và mất khi dấn thân vào nghề nghiệp tự do

Bi Yu, Theo Helino 14:42 17/12/2019

Hãy cùng lắng nghe Vi Trần, người sáng lập của 2 tổ chức phi lợi nhuận "I Am Me" và "Cho đi là tử tế" chia sẻ về kinh nghiệm sau nhiều tháng làm việc tự do.

"Freelancer" chưa bao giờ là những công việc dễ dàng, vì cái giá của tự do chẳng rẻ chút nào. Mình nghỉ hẳn việc ở công ty vì những chuyến đi của mình thường bất chợt, và kéo dài cả tuần, ảnh hưởng nhiều đến công việc chung. Nên sau vài tháng nghỉ hẳn, bây giờ mình đã đủ can đảm viết về công việc tự do.

1. Được và mất gì?

Những cái được: 

"Tự do" về thời gian

Không bị ràng buộc hay ảnh hưởng đến ai, mình có thể đi du lịch cả tuần ở Hà Giang, hay bất chợt đặt vé sang Làng Mai (Thái) để tập thiền, đôi khi là nhớ nhà, nhớ em quá thì xách balo tối lên xe về nhà. Mình được chủ động lựa chọn nơi mình sẽ đến, ở trong bao lâu, làm gì trong những ngày đó. Cảm giác tự do rất sung sướng luôn ấy!

Lắng nghe tâm sự của một freelancer đầy kinh nghiệm để biết cái được và mất khi dấn thân vào nghề nghiệp tự do - Ảnh 1.

Vi Trần - Cô nàng Freelancer luôn tràn đầy sức sống!

Có cơ hội quan sát và tìm hiểu bản thân nhiều hơn

Thời gian đầu mình vẫn gặp rất nhiều áp lực với cái mác "không ổn định", "thu nhập bấp bênh",... Mình quan sát những chuyển biến tâm lý của bản thân, từ áp lực, đến tự thỏa hiệp, tự so sánh, buồn và rất buồn, rồi mới cân bằng. Khi vượt qua giai đoạn đó, mình thấy thật dũng cảm vì đã để ngoài tai những định kiến từ người khác, thay vào đó mình quay về chăm sóc và yêu thương bản thân nhiều hơn.

Rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian

Trước đó mình quản lý thời gian chưa tốt nên làm việc kém năng suất hẳn. Không ai gây áp lực, hối deadline, người duy nhất mình cần chịu trách nhiệm là bản thân nên để "lạc trôi" luôn. Sau đó, mình viết nhật ký hằng ngày, dùng vài app hỗ trợ quản lý thời gian, giúp mình tập trung hơn. Khi nào nản hay chán thì đọc vài câu chuyện truyền cảm hứng để xốc lại tinh thần chiến đấu tiếp.

Những cái mất

Cái mà mình mất nhiều nhất, đó là thu nhập không ổn định! Với một đứa bị bất an về tài chính (financial insecurity) nhiều như mình thì cảm giác đó thực sự tồi tệ. Dù mình đã chuẩn bị một khoản dự phòng nhưng vẫn rất khó để vượt qua cảm giác lo lắng đó. Mất tầm 1 tháng mình mới chấp nhận rằng mình không có lương đều đặn mỗi tháng, không bảo hiểm và thu nhập giảm đi đáng kể.

Số dư = Thu nhập (chủ động + thụ động) - Tổng chi tiêu

Mình hiểu, bên cạnh việc tăng thu nhập thì tối giản chi tiêu lại là một việc cần thiết. Việc này đối với mình cũng đơn giản, vì trước đó nhu cầu vật chất của mình cũng không cao. Mình chia sẻ lại một số cách mình áp dụng cho những bạn đang cần nhé.

Lắng nghe tâm sự của một freelancer đầy kinh nghiệm để biết cái được và mất khi dấn thân vào nghề nghiệp tự do - Ảnh 2.

Ảnh: Facebook nhân vật

2. Cách tối giản chi tiêu

Quy tắc mua sắm chọn lọc

Mình tuyệt đối không mua sắm theo cảm hứng vào những ngày Black friday hay siêu giảm giá, sinh nhật của các ông lớn E-commerce (Lazada, Tiki, Shopee),..

Khi mua một cái gì đó mình sẽ đặt câu hỏi:

Mình đang mua là vì thích hay thực sự cần?

Có món đồ nào mình sở hữu có thể thay thế được nhu cầu đó không, hay là bắt buộc phải đầu tư?

Thời gian mình có thể sử dụng chúng là trong bao lâu?

Mình chọn giảm số lượng, tăng chất lượng đồ dùng lên!

Lắng nghe tâm sự của một freelancer đầy kinh nghiệm để biết cái được và mất khi dấn thân vào nghề nghiệp tự do - Ảnh 3.

Ảnh: Facebook nhân vật

Lược giản quần áo

Khi bắt đầu tập sống tối giản, mình đã đang có rất nhiều bộ đồ rồi, nhưng vẫn cảm thấy cần phải dọn dẹp và thanh lý bớt đi. Khi mình muốn mua một bộ đồ nào đó, mình sẽ suy nghĩ xem cần thanh lý đi món nào tương tự. Mình hay mua đồ cũ và thanh lý của bạn mình. Nó bằng tuổi, nghỉ học từ năm nhất, từ 22 tuổi thì đã là cô chủ của 3 cửa hàng thời trang kèm một quán cafe nhỏ xinh ở Đà Lạt, mình ngưỡng mộ nó thực sự!

Việc dùng lại đồ cũ của người khác, cũng như thanh lý quần áo của mình đã giúp mình không bị chi quá tay cho khoản ăn mặc, đôi khi còn thấy dư dả hơn từ việc thanh lý đồ nữa. Một mẹo nhỏ nữa là cùng một bộ váy, phối với phụ kiện khác nhau (băng đô, hoa tai) thì nhìn mình cũng đã có một phong cách khác hẳn rồi.

Ăn uống đơn giản, không đi cafe làm việc

Mình tự nấu ăn ở nhà để mang đi thay vì ăn ở ngoài như trước, không ngờ là mình dư ra rất nhiều từ khoản này. Cũng hơi cực, vì có những hôm phải dậy từ 5 rưỡi chuẩn bị nấu nướng, 7 giờ đã phải xách xe chạy ra ngoài đường cả ngày. Nhưng nhờ vậy khẩu phần ăn của mình an toàn hơn, kiểm soát được lượng calo, dinh dưỡng, và cả số tiền chi tiêu nữa.

Lắng nghe tâm sự của một freelancer đầy kinh nghiệm để biết cái được và mất khi dấn thân vào nghề nghiệp tự do - Ảnh 4.

Ảnh: Facebook nhân vật

Lúc trước mình hay ra quán cà phê để làm việc, phải đến 4 - 5 lần mỗi tuần như một thói quen vậy. Từ khi chọn công việc tự do, mình ngưng hẳn việc đó, thay vào đó mình đi thư viện để làm việc và chỉ đến cafe khi có hẹn với khách hàng. Ngoài ra, mình cũng lược giản việc dùng mạng xã hội, đã nghỉ hẳn Zalo, thỉnh thoảng mới lên Instagram, Viber và duy trì Facebook vì công việc nhiều trên này.

Mình chia sẻ với tinh thần học hỏi, chưa chắc tất cả những điều ấy đều phù hợp với tất cả mọi người nên hy vọng các bạn sẽ đón nhận cởi mở, bạn nào đang giống mình thì chia sẻ cho mình thêm những cách khác của bạn nữa nha.

Chúc các bạn một ngày đầy yêu thương!