Làng có 3.000 phụ nữ có chồng bị hổ giết ở Ấn Độ: Vì sao nghe rừng có "quỷ hổ" vẫn vào?

Phương Nam, Theo Dân Việt 10:56 27/02/2021
Chia sẻ

Một ngôi làng, thuộc khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới Sunderban, được cho là nơi sinh sống của hơn 3.000 góa phụ hổ. Họ là những phụ nữ mất chồng do bị hổ ăn thịt. Ở đây, không ít lời đồn đại cho rằng trong rừng Sunderban có quỷ hổ.

Làng có 3.000 phụ nữ có chồng bị hổ giết ở Ấn Độ: Vì sao nghe rừng có quỷ hổ vẫn vào? - Ảnh 1.

Sunderban - khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới - là nơi sinh trưởng lý tưởng cho hổ ở Ấn Độ (ảnh: Vice)

Khu rừng Sunderban trải dài giữa Bangladesh và Ấn Độ. Nơi này thường xuyên xảy ra lũ lụt. Vài năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nguồn thủy sản ở các con sông, lạch nước ngọt ở Sunderban cũng cạn kiệt. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nguồn lợi từ rừng ngập mặn nên vô vùng khó khăn.

“Đó là lý do vì sao nhiều dân địa phương, chủ yếu là ngư dân, nông dân phải đi sâu hơn vào trong rừng. Nhiều người đồn rằng có ‘quỷ hổ’, nhưng ở sâu trong rừng, cua, cá, mật ong rất nhiều”, Pradip Chatterjee, chủ tịch Diễn đàn Dakshinbanga Matsyajibi ở Ấn Độ, nói.

“3.000 góa phụ hổ là con số dựa theo ước tính trung bình trong nhiều năm”, ông Chatterjee nói thêm.

Đại dịch Covid-19 khiến đời sống của người dân Ấn Độ thêm khó khăn. Hàng triệu người đã bỏ đô thị tìm đường về quê sinh sống.

Khai thác lâm nghiệp là ngành được cho là “hái ra tiền” đối với nhiều người dân thất nghiệp do Covid-19. Tuy nhiên, hoạt động này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Một chuyến đi rừng có thể giúp một người kiếm được 700 rupee/ngày (khoảng 10 USD), trong khi thu nhập từ việc làm ruộng thấp hơn rất nhiều.

Làng có 3.000 phụ nữ có chồng bị hổ giết ở Ấn Độ: Vì sao nghe rừng có quỷ hổ vẫn vào? - Ảnh 2.

Dịch Covid-19 đẩy nhiều người thất nghiệp vào sâu trong rừng kiếm sống và đối mặt với mối nguy từ hổ (ảnh: Vice)

Nhiều người dân nghèo ở Ấn Độ bất chấp tính mạng đi sâu vào rừng Sunderban săn cá, thú và mật ong. Bóng dáng những con hổ đói khát đi cùng với họ.

“Hầu hết những người vào rừng đều không có giấy phép”, ông Chatterjee nói.

Rừng ngập mặn Sunderban là nơi sinh sống lý tưởng của loài hổ Bengal. Do nạn thất nghiệp vì Covid-19, người ta lo ngại rằng cuộc chiến giữa người với hổ trong rừng Sunderban sẽ ngày càng khốc liệt.

Từ tháng 4 năm ngoái đến nay, đã có ít nhất 60 người bị hổ vồ chết khi đi sâu vào rừng Sunderban để tìm mật ong và cua, cá.

“Nhiều nhóm lao động nam trở về làng từ các thị trấn, thành phố lớn. Họ lao vào ngành khai thác lâm nghiệp để nuôi sống gia đình”, ông Chatterjee nói.

Chính quyền chỉ bồi thường cho người dân nếu họ vào rừng trong trường hợp được cấp phép hoặc không vào khu vực cấm trong rừng Sunderban mà vẫn bị hổ tấn công.

Bina Mandal, 31 tuổi, đã mất chồng vì hổ đúng đêm giao thừa năm 2021.

“Cơn bão tháng 5 đã phá hủy túp lều của tôi. Tôi nói rằng mình muốn sống trong căn nhà bằng gạch và chồng tôi Prashanta Mandal đã vào rừng bắt cá. Trước đó, chồng tôi làm việc trong một trang trại ở thành phố nhưng dịch Covid-19 khiến gia đình tôi mất kế sinh nhai”, Bina Mandal nói.

Làng có 3.000 phụ nữ có chồng bị hổ giết ở Ấn Độ: Vì sao nghe rừng có quỷ hổ vẫn vào? - Ảnh 3.

“Góa phụ hổ” - cách gọi ám chỉ những phụ nữ mất chồng vì bị hổ ăn thịt trong rừng Sunderban

“Trước khi rời khỏi nhà, Prashanta đã hứa sẽ bắt được nhiều cá. Đêm hôm 31/12, nhiều người chạy đến nhà và báo rằng chồng tôi đã bị một con hổ bắt đi”, Bina Mandal nói.

Dịch Covid-19 cũng đã đẩy gia đình của cô Haridasi Mandal trở lại nơi rừng thiêng nước độc.

“Gia đình chồng tôi có truyền thống làm nông nghiệp và khai thác gỗ. Tuy nhiên, chồng tôi - Haren, 46 tuổi - có việc làm ổn định trên thành phố. Khi chính quyền cấm chặt cây trong rừng cũng là lúc anh ấy thất nghiệp. Chính quyền sau đó phát thẻ cho những người muốn vào rừng bắt cá, cua hoặc tìm mật ong”, Sulata Mandal, 35 tuổi, kể.

Haren bị hổ giết hại vào năm ngoái và vợ anh đã bắt các con phải thề rằng, sẽ không bao giờ đặt chân vào rừng Sunderban nữa.

“Tôi đã không bước vào khu rừng kể từ tháng 4 năm ngoái. Trước đó, chúng tôi kiếm được 5.000 rupee/tháng nhờ việc bắt cua. Số tiền này đủ để trang trải học phí cho 3 đứa con. Nhưng giờ kể cả chỉ được ăn 1 bữa mỗi ngày, tôi sẽ không bao giờ cho phép mình và các con trở lại khu rừng đó”, Sulata Mandal nói.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày