Lần đầu tiên thử nghiệm Trolley Problem trong thực tế: Hy sinh 1 để cứu nhiều hơn

Oct, Theo Helino 20:45 15/05/2018
Chia sẻ

Đây là một vấn đề về tâm lý và đạo đức khá hóc búa, cho đến nay vẫn còn gây rất nhiều tranh cãi.

Đối với các nhà tâm lý học, thuật ngữ "trolley problem" - hay vấn đề tàu chở hàng không phải là một khái niệm xa lạ. 

Đây là một vấn đề về tâm lý và đạo đức khá hóc búa, về việc chúng ta sẽ phải làm gì để cứu người trong tình huống khẩn cấp, kể cả việc phải hy sinh người khác.

Lần đầu tiên thử nghiệm Trolley Problem trong thực tế: Hy sinh 1 để cứu nhiều hơn - Ảnh 1.

Bài toán ở đây là một chiếc tàu hỏa đang lao rất nhanh trên đường ray, nhưng đột nhiên trên ray lại có một nhóm 5 người đang băng qua. Vì phóng nhanh nên tàu không thể dừng lại được, mà chỉ có thể chuyển sang một ray khác để cứu nhóm này. Và thật tình cờ, bạn chính là người đang nắm trong tay cần gạt chuyển ray.

Tuy nhiên bi kịch là ở chỗ đường ray còn lại cũng có một người khác. Đó là công nhân đang làm nhiệm vụ dọn dẹp lại đường ray trống. Có nghĩa nếu bạn gạt cần, bạn cứu được 5 người, nhưng lại khiến người công nhân ấy phải chết.

Lần đầu tiên thử nghiệm Trolley Problem trong thực tế: Hy sinh 1 để cứu nhiều hơn - Ảnh 2.

Bạn sẽ lựa chọn thế nào?

Mấu chốt vấn đề ở đây là bạn sẽ làm gì? Hy sinh 1 người vô tội để cứu 5 người, hay không hành động gì và mặc 5 người ấy rơi vào vòng tay tử thần?

Bài toán kinh điển này đã gây tranh cãi trong rất nhiều năm. Và mới đây, một nghiên cứu đã quyết định tái hiện bài toán này lần đầu tiên ngoài đời thực, với sự tham gia của 200 người, một số chuột bị nhốt trong lồng, và nút bấm sốc điện.

Thí nghiệm đầu tiên về trolley problem ngoài đời thực

Mỗi người tham gia sẽ lần lượt đi vào phòng thí nghiệm. Một máy sốc điện sẽ được nối với 2 chiếc lồng. 1 bên có 5 con chuột, bên còn lại chỉ có 1 con. Và họ phải chọn hoặc bấm nút, hoặc không, trong vòng 20s.

Nếu không làm gì, 5 con chuột sẽ phải chịu một dòng điện chạy qua. Dòng điện gây ra rất nhiều đau đớn, nhưng không làm chúng chết. Còn nếu chọn bấm nút, nhóm 5 con chuột sẽ bình yên, nhưng con chuột bên lồng còn lại thì bị điện giật.

Để đảm bảo tính an toàn cho nghiên cứu thì chẳng có dòng điện ở đây cả. Tuy nhiên, các ứng viên không biết điều đó, và họ phải đối mặt với lựa chọn thực sự khó khăn: hy sinh 1 cứu 5, hay mặc kệ cho 5 con phải chịu đau đớn. 

Lưu ý này: thí nghiệm được sắp đặt y như thật, với các yếu tố kích thích tâm lý nhằm có được kết quả xác thực nhất.

Và kết quả là...

84% người tham gia đã chọn bấm nút, để giúp 5 con chuột không phải chịu đau đớn. Điều đáng chú ý là kết quả lại khác với các khảo sát trước đó, khi chỉ 66% cho biết sẽ hy sinh bên thiểu số để cứu đa số. 

Tất nhiên nghiên cứu này - cũng như các nghiên cứu trên lý thuyết từ trước đó - khó lòng thể hiện đầy đủ bản chất của bài toán Trolley Problem. Đầu tiên, không thể so sánh trải nghiệm phải tự tay làm hại người với chuột được. Thứ hai, một số ứng viên cho biết họ đã lén nhìn được thí nghiệm được sắp xếp như thế nào, và biết sẽ chẳng có con chuột nào bị đau đớn cả. 

Dù vậy, thí nghiệm cũng phần nào chỉ ra rằng trong các tình huống khẩn cấp, con người có xu hướng dựa trên kết quả xảy ra để đưa ra lựa chọn thay vì các yếu tố liên quan đến đạo đức, dù có thể bạn không nhận ra.

Còn bạn nghĩ thế nào? Nếu trong một tình huống thực tế, bạn có sẵn sàng hy sinh thiểu số để cứu đa số, hay để mặc mọi chuyện theo tự nhiên?

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Psychological Science.

Thăm dò ý kiến

Lựa chọn của bạn là gì?

Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Tham khảo: Science Alert
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày